Bộ Công an đã và đang thực hiện giảm 6 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Công an cấp tỉnh giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và giảm 1.000 đơn vị ở cấp đội. Những con số được cho là ấn tượng, giảm đầu mối, đơn vị, không phải quân số. Cho nên sẽ rất khác với con số cũng rất ấn tượng của tỉnh Thanh Hóa: đã tinh giản gần 2.000 cán bộ, công chức, viên chức. Trong một diễn biến có liên quan, truyền thông đưa tin nhân sự: Cục truyền thông của Bộ Công an có 13 cục phó, Công an TP.Đà Nẵng, Đồng Nai có 8 phó giám đốc, Công an tỉnh Nghệ An có 10 phó giám đốc.
Còn nhớ cách đây vài năm, ở những thời điểm Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, Sở Nội vụ TP.Hà Nội, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam có đến 8 phó giám đốc, đã từng gây xôn xao dư luận như thế nào. Tất nhiên, tính chất của hai kiểu cấp phó này rất khác nhau, không thể so sánh. Nhưng, sẽ là khó thuyết phục khi cả nước đang quyết tâm tinh giản biên chế mà con số cấp phó cứ mỗi ngày mỗi tăng theo cấp số nhân như hiện thấy. Do đó, với con số 10 phó giám đốc, đã thấy thông tin phát đi từ Công an tỉnh Nghệ An: đến tháng 8.2019, có 5 người nghỉ hưu và đến năm 2020, Ban Giám đốc Công an Nghệ An chỉ còn 5 người.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là một trong những bộ đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Trong quá trình sắp xếp đó, cấp phó tăng vượt trội. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định, nhưng đến năm 2021, phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Như vậy, lộ trình được cho là “thời kỳ quá độ” này trong việc sắp xếp con người của Bộ Công an sẽ kéo dài trong vòng 3 năm tới. Chúng ta cùng chờ xem.
Với chính sách cán bộ trong sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng… như hiện nay, đụng đến từng con người cụ thể là vô cùng khó. Trong bối cảnh tình hình của nước ta, độ trễ chính sách, độ trễ hành động là điều phải chấp nhận. Với độ trễ này, phải mất một thời gian dài các chính sách, quyết sách mới bộc lộ hiệu quả tác động. Tuy nhiên, nếu cứ vin vào độ trễ, kéo dài thời gian thực hiện, sẽ gây mất lòng tin của người dân vào quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng. Để dân không tiếp tục còng lưng nuôi bộ máy khổng lồ như hiện tại thì khó mấy cũng phải làm. Và không người đứng đầu nào được quyền đổ lỗi cho sáp nhập, cho chính sách cán bộ để né tránh trách nhiệm hoặc để tự cho phép đi theo tốc độ của rùa.
C.B.L