Những chuyến đò ngang - dọc đang hằng ngày chở người và phương tiện chen chúc trên các tuyến đường thủy nội địa. Hầu như không hành khách nào thắc mắc người điều khiển phương tiện đã sở hữu bằng cấp, chứng chỉ hay là lái “tay ngang”; phương tiện đã đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật chưa. Trong khi đó, chuyện vi phạm các quy định về vận tải của chủ bến, chủ phương tiện và người lái vẫn xảy ra nhan nhản.
Sử dụng áo phao khi đi đò là bảo vệ cho hành khách. Ảnh:S.C |
Có thể nói, công tác thanh, kiểm tra của các ngành chức năng đối với hoạt động chở khách đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với quân số như hiện nay, các lực lượng chức năng mà đặc biệt là Thanh tra Sở Giao thông vận tải không thể nào đủ người bố trí thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở các bến. Do đó mới xuất hiện tình trạng chủ, người lái phương tiện vừa bị nhắc nhở, xử phạt xong đã vi phạm trở lại ngay sau khi lực lượng chức năng đi khỏi. Thế nên, chính quyền ở cấp huyện, xã đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm tra các chủ bến, chủ phương tiện, người lái có tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hay không. Thực tế, nhiều địa phương chưa làm tròn trách nhiệm nên tình trạng bến bãi, cầu tàu nhếch nhác; các chủ bến niêm yết giá một đằng nhưng lại thu tiền một nẻo... vẫn còn xảy ra. Nhiều địa phương chưa kiên quyết thực hiện buộc ngừng hoạt động các phương tiện và người lái vi phạm; phó mặc mọi việc cho chủ bến kiêm chủ và người lái đò... Vì vậy, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn trên các bến đò chở khách thì cần phải chấn chỉnh, giám sát hoạt động của lực lượng chức năng địa phương.
Về phía hành khách, dù có tin tưởng vào tay nghề của các lái đò, nhưng cần phải lên tiếng khi nhận thấy phương tiện chở quá tải. Hãy hình dung, trên các chuyến đò đầy ắp người, xen lẫn xe máy, xe đạp và hàng hóa, khi sự cố xảy ra thì nguy cơ dẫn đến thương vong là rất cao. Hành khách cũng phải ý thức được rằng mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi đò là bảo vệ cho chính bản thân mình. Một vị lãnh đạo hợp tác xã vận tải chia sẻ: “Những bến có đò qua lại ở khu vực vùng đông gần Cửa Đại sẽ dễ bị lật thuyền vì sóng lớn về mùa đông. Vì vậy, hành khách nên mặc áo phao. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề ra chế tài xử phạt. Người sở hữu phương tiện cũng phải thường xuyên vệ sinh áo phao cho sạch sẽ, không để meo mốc… khiến hành khách ái ngại khi được mời sử dụng”. Có như vậy, hoạt động vận chuyển khách ngang - dọc sông mới diễn ra đúng quy định và đảm bảo an toàn.
SÁU CÒI