Không chỉ làm nơi đón tiếp khách, vui chơi sinh hoạt, gươl tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Tây Giang còn là không gian mở giúp học sinh nhận thức và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Gươl - không gian sinh hoạt chung của thầy và trò Trường Phổ thông DTNT huyện Tây Giang được dựng năm 2011 với sự giúp sức của cộng đồng.Ảnh: Lăng A Cúi |
Gươl của tình thầy trò
Lần đầu tiên tôi chứng kiến gươl được dựng trong trường học. Không quá to rộng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, dù đã được cách điệu ở vài phần. “Ở Tây Giang, gươl này thuộc “hệ” đầu tiên được dựng trong trường học, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cũng như tạo không gian văn hóa riêng cho thầy và trò nhà trường” - thầy giáo Huỳnh Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Tây Giang nói. Thầy Hưng còn cho hay, gươl được dựng vào năm 2011 với sự giúp sức của một số già làng địa phương. Để có vật liệu dựng gươl, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, thầy cô giáo và học sinh khối lớp 9 cùng nhau lên rừng chặt tre nứa, mây rừng, cắt cỏ tranh… Riêng số gỗ dựng gươl có sự giúp sức của lực lượng đoàn viên - thanh niên các xã lân cận. Về kinh phí, ngoài hỗ trợ của các xã trên địa bàn huyện, thầy cô giáo nhà trường đóng góp một ngày lương và còn có sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Với sự cố vấn, giám sát của một số già làng Cơ Tu bản địa, không lâu sau đó, ngôi gươl truyền thống to đẹp đã được dựng ngay tại khuôn viên của trường, trước sự vui mừng của thầy trò vùng cao. “Hôm khánh thành gươl, ai cũng phấn khởi. Bao nhiêu công sức đổ dồn để thực hiện công trình ý nghĩa này, thấy tự hào lắm!” - thầy Hưng bộc bạch.
Khuyến khích nhân rộng mô hình “Ngoài tạo không gian sinh hoạt, gươl trong trường học còn góp phần giáo dục học sinh về ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ tính cộng đồng làng bản trong học sinh. Chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện để các trường học dựng gươl tại đơn vị mình. Đây thực sự là mô hình giáo dục mang tính nhân văn rất cao cần được nhân rộng”. |
Sau thành công của Trường Phổ thông DTNT huyện Tây Giang, một số trường cấp 2 tại địa phương cũng bắt đầu dựng gươl trong trường học. Đơn cử như Trường THCS Bán trú Lý Tự Trọng (xã A Xan), hay Trường THCS Bán trú Nguyễn Văn Trỗi (xã Bha Lêê) dựng gươl hoàn toàn theo kiến trúc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đây thực sự là những công trình của tình thầy trò, là niềm tự hào của ngành giáo dục nơi vùng cao Tây Giang.
Giáo dục văn hóa truyền thống
Thầy giáo Huỳnh Ngọc Hưng kể, sau khi gươl được dựng lên, hằng ngày có rất nhiều thầy cô giáo và học sinh đến vui chơi, sinh hoạt như một không gian văn hóa chung tại trường. Buổi tối, nhiều học sinh tìm đến gươl để học bài, vừa yên tĩnh lại thoáng mát, sạch sẽ. Gươl cũng trở thành nhà sinh hoạt truyền thống để trường làm nơi tiếp đón khách đến thăm và làm việc. Có một điều khiến chúng tôi thực sự bất ngờ, đó là không gian bếp vẫn luôn đỏ lửa với những chiếc ché được trang trí cạnh “bàn thờ” phía trên cao của gươl. Một không gian làng bản được tái hiện ngay tại trường học. Sự kết hợp độc đáo đã giúp học sinh như thể được “sống” giữa làng bản của mình và vơi đi nỗi nhớ nhà. Bh’ling Kỳ - học sinh lớp 9/2 cho biết, sau giờ học thường cùng các bạn đến gươl để vui chơi, sinh hoạt. “Ngồi trong gươl, thấy tự hào và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - Kỳ chia sẻ. Thầy Pơloong Crênh - giáo viên nhà trường cho biết, phần lớn học sinh có nhà ở các xã vùng biên giới của huyện, giáp ranh với nước bạn Lào. Bởi vậy, lúc mới xuống trường, nhiều học sinh nhớ nhà nên ảnh hưởng đến việc học tập. “Từ khi có gươl, học sinh có điểm để sinh hoạt vui chơi, học bài. Nhờ vậy, nỗi nhớ nhà trong các em cũng vơi dần” - thầy Crênh chia sẻ.
Cùng với việc đưa gươl vào trường học, Trường Phổ thông DTNT huyện Tây Giang được đánh giá có nhiều hoạt động trong việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh trên địa bàn huyện. Năm 2012, nhà trường phối hợp với Phòng VH-TT huyện thành lập đội trống chiêng nhí với số lượng ban đầu là 32 em. Đều đặn vào thứ Tư hàng tuần, các em cùng nhau tham gia tập luyện, trở thành đội trống chiêng nhí phục vụ tại nhiều sự kiện lễ hội lớn của huyện. Trường Phổ thông DTNT huyện cũng là một trong số trường học ở Tây Giang duy trì tốt việc vận động học sinh ăn mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ trong tuần, giúp gìn giữ văn hóa truyền thống ngay trong môi trường sư phạm.
LĂNG A CÚI