Dược sĩ, bác sĩ lẫn lộn

CHÂU NỮ 05/10/2018 01:41

Vừa qua, tôi đưa người thân đến khám bệnh tại một phòng khám tư nhân ở Đại Lộc. Sau khi khám và siêu âm, bác sĩ thông báo cho tôi biết tình hình bệnh của người thân và tiếp theo là bán thuốc, hướng dẫn cách uống. Không hề có đơn thuốc nào được đưa ra.

Nhiều lần đưa con đến khám tại một số phòng khám tư nhân ở Tam Kỳ, tôi cũng từng gặp trường hợp tương tự. Vì không có đơn thuốc nên để biết được ít nhiều thông tin về loại thuốc mà con mình được chỉ định sử dụng, tôi phải lên mạng tra cứu, tìm hiểu theo tên thuốc trên bao bì, trên vỉ thuốc. Tuy nhiên, đó là với những trường hợp bác sĩ ở các phòng khám còn để nguyên tên, nhãn thuốc. Còn đối với những trường hợp mà bác sĩ “vô tình” bóc thuốc ra khỏi vỉ, chia nhỏ thuốc theo từng lần uống, hoặc với các loại thuốc được lấy ra từ những hộp lớn, không thể kèm theo bao bì, nhãn thuốc... thì muốn tìm hiểu cũng không biết đâu mà lần. Khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ khám, điều trị thường hỏi về các loại thuốc bệnh nhân đã sử dụng trước đó thì người nhà đành chịu.

Theo quy định, bác sĩ chỉ được khám bệnh, kê đơn, không được bán thuốc. Thế nhưng quy định này hình như rất ít khi được các bác sĩ tại các phòng khám tư để ý và thực hiện. Bác sĩ ở đây kiêm luôn nhiệm vụ của dược sĩ. Ở chiều ngược lại, những tưởng việc thực hành tốt nhà thuốc (Good Pharmacy Practice - GPP) như Quảng Nam đã triển khai lâu nay sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “dược sĩ kiêm bác sĩ”. Vì theo quy định, nhà thuốc đạt chuẩn GPP,  ngoài đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh phải được bán theo đơn của bác sĩ. Vậy nhưng, vẫn có không ít trường hợp, khách hàng chỉ cần khai bệnh, sẽ được dược sĩ “chẩn bệnh, kê đơn” rồi bán thuốc và hướng dẫn cách dùng.

Việc lẫn lộn nhiệm vụ giữa bác sĩ, dược sĩ như trên không chỉ vi phạm quy định về khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, một số người cho rằng, khi bác sĩ, dược sĩ “kiêm nhiệm”, họ đỡ phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc vì không phải đến 2 nơi là phòng khám (để khám bệnh) và nhà thuốc (để mua thuốc). Tình trạng “bác sĩ kiêm dược sĩ”, “dược sĩ kiêm bác sĩ” báo chí, dư luận đã đề cập, phản ánh nhiều lần; công tác kiểm tra việc chấp hành quy định nói trên hàng năm vẫn được cơ quan chức năng thực hiện, nhưng rồi có vẻ như quy định ấy chỉ có hiệu lực trên... văn bản.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dược sĩ, bác sĩ lẫn lộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO