Dưới bóng dừa Tam Hải

HOÀNG LIÊN - PHƯƠNG PHƯƠNG 15/02/2019 07:51

Tam Hải (Núi Thành) là một đảo dừa mênh mông với hơn 50 héc ta dừa bao phủ. Dưới bóng dừa, người dân Tam Hải vẫn kiên trì giữ nghề làm bánh dừa, nấu dầu dừa, đan xơ dừa truyền thống dẫu nghề mai một đi ít nhiều…

Bà Trần Thị Lề nhiều năm gắn bó với nghề nấu dầu dừa. Ảnh: B.LIÊN
Bà Trần Thị Lề nhiều năm gắn bó với nghề nấu dầu dừa. Ảnh: B.LIÊN

Sống từ dừa

Tam Hải phủ rợp bóng dừa xanh với diện tích lên tới hơn 50ha. Dừa Tam Hải thơm ngon, cho nước ngọt nên được nhiều cơ sở nước giải khát thu mua với số lượng lớn phục vụ người dân và du khách.
Trên những chuyến phà Tam Hải, không khó để bắt gặp nhiều xe ba gác, xích lô chở dừa tươi tỏa đi các hướng. Độc đáo nhất vẫn là những sản phẩm đặc trưng từ dừa như bánh dừa (bánh lăn) làm bằng bột nếp, đường đen, cà rốt, bí đao, cơm dừa nạo thành sợi mỏng, gừng và sản phẩm dầu dừa nguyên chất.

Từ xưa, người dân Tam Hải biết cách biến vỏ dừa thành nguyên liệu của làng đan xơ dừa. Vỏ dừa khô được kéo sợi xơ, rồi ép, bện chặt thành các tấm đan xơ dừa làm vật dụng phục vụ sinh hoạt, đời sống con người. Nghề đan xơ dừa dù mai một theo thời gian song một số người dân bản địa vẫn loay hoay tìm cách giữ nghề truyền thống.

Có những phận người mưu sinh từ nghề hái dừa nơi xã đảo. Nhiều vườn dừa có tuổi đời từ chục năm tới mấy chục năm, cao chót vót được gia chủ thuê người hái quanh năm. Những buồng dừa còn non, tươi được bán làm nước uống, còn trái khô được bán cho các cơ sở làm bánh dừa và nấu dầu dừa. Quanh năm suốt tháng, những người hái dừa cũng hiếm khi rảnh, cứ hái xoay vòng từ nhà này sang nhà khác, thôn này sang thôn khác. Vợ chồng anh Lê Lâm - chị Võ Thị Huệ giỏi nghề trèo dừa nơi xã đảo, hễ ai cần chỉ việc a lô là họ xách “đồ nghề” lên đường. Mà “đồ nghề” chỉ giản đơn với cuộn dây thừng to nối với ròng rọc để một người bẻ dừa ở trên buộc buồng dừa vào dây, người ở dưới kéo xuống nhẹ nhàng. “Mỗi ngày trèo dừa, vợ chồng tôi bỏ túi 500 đến 1 triệu đồng, cũng có điều kiện lo cho con cái ăn học. Cuối năm và mấy ngày tết thì thu nhập của 2 vợ chồng mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. Không kể nắng mưa hay dịp lễ tết, khi nào cần người ta gọi hái” - chị Huệ nói.

Tạo sản phẩm OCOP

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm bánh dừa, bà Trần Thị Lề (bà Sáu Lề) còn thường xuyên nấu dầu dừa để bán lẻ và bán sỉ cho khách hàng các vùng lân cận. Cơ sở bà mua dừa khô quanh năm vừa để làm bánh, vừa nấu dầu dừa. Mỗi ngày, dù tuổi cao (80 tuổi) nhưng bà Sáu có thể tự tay nạo tới mấy chục trái dừa khô hoặc nếu tìm được người làm công thì mỗi trái dừa nạo hết cơm, bà phải trả 2.000 đồng, cứ thế nấu hết mẻ này tới mẻ khác. Mỗi mẻ nấu dầu dừa cho ra chừng 1,5 tới 2 lít, mỗi tháng bà chỉ bán lẻ chừng mươi lít với giá 300.000 đồng/lít. Phải 20 trái dừa khô mới có thể nấu cho ra 1 lít dầu dừa và dừa nấu dầu dừa phải già, lớp vỏ bọc ngoài cơm dừa có màu đen sậm, còn chưa đủ độ già sẽ chua, hư. Trái dừa khô được bổ đôi, rồi đưa vào máy quay nạo hết phần cơm, cho vào nấu, ép ra nước, để đông một đêm sau đó vớt lớp dầu đóng bên trên, bỏ vào nấu sôi để nguội, còn lại bỏ hết.

Trên xã đảo, ngoài bà Sáu Lề, còn có bà Bình, bà Thức... ở thôn Thuận An là những người nấu dừa truyền thống lâu năm trên đảo, ước tính có khoảng mươi hộ nấu theo kiểu nhỏ lẻ. Còn hộ ông Lê Văn Minh (thôn Thuận An) là cơ sở sản xuất lớn, đã thành lập doanh nghiệp. Sản phẩm dầu dừa của cơ sở ông đã được gắn mác “Dầu dừa Bàn Than” đưa ra thị trường nhưng nhãn mác trên chưa được Sở KH-CN chấp nhận. Một doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dầu dừa nhỏ khác cũng hình thành ở thôn Đông Tuần.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, nhận thấy tiềm năng và giá trị từ cây dừa rất lớn, xã đã có hướng khôi phục lại nghề đan xơ dừa Bình Trung, đưa người dân đi tham quan một số cơ sở đan xơ dừa ở Bến Tre để học tập kinh nghiệm. Song cái khó ở Tam Hải hiện nay là thiếu nguyên liệu dừa khô vì phần lớn người dân bán dừa non phục vụ thị trường nước uống giải khát. Dừa khô bán cho các cơ sở làm bánh, nấu dầu dừa nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu.

“Mới đây, từ nguồn hỗ trợ của một doanh nghiệp, xã tính đến việc hỗ trợ, cấp giống 10.000 cây dừa xiêm Thái Lan để người dân trồng phát triển kinh tế. Khi có kết quả, đánh giá sự phù hợp, thành công, địa phương sẽ nhân rộng giống dừa xiêm ở xã đảo, nhằm thay thế một phần diện tích dừa bản địa để giảm sức tác động đến khu dân cư, một phần cây dừa nhiều năm tuổi đã cỗi gốc, năng suất thấp. Cùng với đó, xã cũng tính hướng hỗ trợ một số cơ sở nấu dầu dừa đăng ký nhãn mác, thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tăng giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, tạo sản phẩm OCOP đặc trưng cho Tam Hải” - ông Hùng nói.

HOÀNG LIÊN - PHƯƠNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới bóng dừa Tam Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO