Chiều chiều, ông vẫn giữ thói quen ra khoảnh đất trống dưới chân cầu hóng mát; tản bộ trên cây cầu cũ hoen gỉ sắt. Nhìn dòng nước đẩy đưa mảng bèo chùng chình, mắt ông ngân ngấn kể về gia cảnh mình, về khu phố nghèo bỗng dưng lâm cảnh làm ăn sa cơ thất thế...
Cầu Kỳ Phú 1 và 2 khánh thành ngày 24.3.2015.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi gặp ông, qua lời giới thiệu của chị đồng nghiệp, dù cái chỗ ông đang ở, quán nhỏ liêu xiêu buôn bán của ông không xa lạ với tôi. “Cầu mới sang trọng, khu phố mình cũng nở mặt nở mày, sao chú lại bức xúc, gửi đơn cho nhà báo làm chi?” - cầm đơn kiến nghị của ông, tôi hỏi thẳng. “Ừ. Thì đẹp chứ ai bảo nó xấu đâu. Nhưng, nếu chú ở trong hoàn cảnh của tôi, của khu phố ổ chuột này, mới hiểu được sự cam chịu, thiệt thòi đủ thứ. Kêu trời không thấu, tôi mới nhờ báo chí can thiệp” – ông nhẹ nhàng “cự” lại. Ông giãi bày: “Tôi nghe mấy anh cán bộ quát nạt, trước đây chưa thi công cầu sao dân không ý kiến, giờ gạo nấu thành cơm rồi. Huề cả làng. Mấy ổng còn bảo, mặc kệ cứ đấu tranh đòi quyền lợi được chăng hay chớ, con khóc mẹ mới cho bú. Nghe có lý, tôi mới nguệch ngoạc làm đơn, lá đơn đầu tiên trong đời tôi kêu cứu chính quyền”. Ông là Nguyễn Đức Thắng, trú ở khối phố 6, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ.
Ngày 24.3 vừa qua, hai cây cầu Kỳ Phú 1 và 2 khánh thành, khai thông đường. Cầu mới khang trang, lung linh sắc màu mỗi khi phố lên đèn. Nhiều hộ dân của phường An Phú sống hai bên cây cầu này bị ảnh hưởng nhà cửa, đất đai; còn ở phố Cồn Thị người ta cố tình thiết kế né nhà dân. Cầu thiết kế cao hơn nóc nhà dân sinh sống. Từ vị trí nằm ngay mặt tiền đường ĐT616, thuận lợi sinh hoạt, buôn bán, Cồn Thị giờ bị đẩy xa mặt đường mà muốn đi lại phải chạy lòng vòng lên cầu. Một số ngôi nhà bị đẩy vào ngõ cụt, mở cửa ra là gặp ngay khối bê tông thô ráp; gia đình nào buôn bán, kinh doanh, hay mở tiệm cơ khí đều lần lượt đóng cửa. “Quán nhậu nhà tôi trước chưa có cầu mới nằm ngay trên đường ĐT616, khách nườm nượp lui tới. Thế mà từ ngày có cầu, làm ăn của gia đình như… tuột dốc không phanh. Thi công gây nứt tường nhà, đơn vị thi công cũng bỏ mặc dân. Tôi xin bên xây dựng bắc lên cầu để dễ đi lại thì chính quyền không cho phép. Khu phố này nhà ở đồng thời cũng làm chỗ buôn bán, trước chính quyền có giới thiệu lên chợ cá Vườn Lài xoay xở mưu sinh, nhưng có ai chịu đi đâu. Đường sống bị cắt đứt, thế mà không người nào được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp” – giọng ông Thắng chua chát. Ống kính máy quay của đồng nghiệp cứ lia đi lia lại những mái nhà thấp lè tè bên bờ sông Bàn Thạch, về hình ảnh tương phản của một cây cầu mới xây bề thế, hiện đại che khuất một cây cầu cũ kỹ nằm song song. Sông Bàn Thạch mùa này phủ kín bèo dạt. Những mảng bèo nổi trôi, dùng dằng bám quanh chân cầu mà không có dòng thủy lưu đủ mạnh để xô nó về một miền xa thẳm khác. Nhìn chúng bốn mùa co cụm, bấu víu nơi bén rễ, tôi lại rưng rức thấy có cái gì đó na ná với cuộc đời, tính cách của mẹ, của dì, của cậu và bao người dân Cồn Thị sống cam chịu, hiền như cục đất. Mẹ gốc gác Cồn Thị, suốt quãng đời con gái đến khi lấy chồng nuôi đàn con trưởng thành, rồi lúc về già dường như bà an phận thủ thường, không muốn xê dịch đi đâu ngoài… thành phố nhỏ bé này. Còn dì thì tôi chẳng bao giờ tìm thấy một cái nhíu mày, giận hờn ai trên khuôn mặt. Dì sống độc thân, nhưng ngôi nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng nô đùa của trẻ em trong khu phố nghèo. Ông Thắng dẫn chúng tôi chỉ vào từng ngôi nhà dưới gầm cầu lâm cảnh thất thế buôn bán. Đường nắn lại nhỏ còn 1/3 so với hiện trạng cũ, chỉ sót lại vài ba hộ dân mở quán bán nước giải khát trước nhà. Đây là xưởng cơ khí của ông Dần, kia là nhà chuyên dịch vụ mai táng của ông Long, quán nhậu gỏi cá nổi tiếng một thời của ông Cường… cũng phá sản theo cầu. Ông than thở: “Nhà dân tôi chừ chỉ để ở, chứ buôn bán ngước đầu lên chi nổi”.
Người dân Cồn Thị bây giờ phải đi vòng vèo lên cầu mới.Ảnh: HỮU PHÚC |
Nhiều lần chạy xe thong dong, rồi dừng lại trên cầu, tôi đăm chiêu nhìn về sông Bàn Thạch nước lờ lững trôi, về những ngôi nhà lẩn khuất dưới cầu. Cồn Thị - một doi đất nổi lên giữa bốn bề sóng nước, thị dân phần lớn sống bằng nghề buôn bán và đánh bắt thủy sản, nơi luôn dẫn đầu tỷ lệ hộ nghèo của thành phố vì cứ 5 gia đình thì có một hộ nghèo. Người xưa đúc kết “nhất cận thị, nhị cận giang”. Cồn Thị hội tụ cả hai yếu tố trên, song khu phố này luôn đeo đẳng một số phận hẩm hiu, thua thiệt với đời. Cũng là phố, cũng mang danh phận thị dân, nhưng đất và người hồn nhiên như lau lách, cỏ dại. Sức ép của đô thị hóa, của nhu cầu bức bách dân sinh, khiến không ít người đổ về đây cư ngụ. Nhà cửa lấn sát nghĩa địa, dựng sát mép sông. Đất của người chết và người sống dường như không còn ranh giới nữa. Người dân bị nứt tường nhà lúc thi công cầu, ảnh hưởng nghề nghiệp nhưng cái cách họ phản ứng, xót xa cũng không đao to búa lớn. Tôi nghiệm ra rằng, điều ai đó nói rất đúng: đất nào thì tâm tính nấy. Ông Thắng nhớ lại: “Thoạt đầu, dân tôi cũng tự phát ra cản trở thi công khi ảnh hưởng đến phần đất nhà mình, nhưng nghe cán bộ giải thích sẽ tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp, nhiều người đã “mủi lòng”, nên bàn giao mặt bằng sớm. Vì cái chung nên nhiều gia đình chấp nhận bị thiệt thòi”. Rồi ông thở dài, đâu có xa xôi gì, cách chỗ mình vài chục sải chân, phía An Phú bây giờ nhà cao cửa rộng mọc lên dọc hai bên đường, phố đẹp hẳn lên; còn Cồn Thị ra nông nỗi như ri. Thiệt thòi chỉ biết câm nín. “Đời mà chú. May mắn của người này, đôi khi là bất hạnh của người kia. Biết đâu mất cái này thì được cái khác. Ông trời có mắt” – tôi nói để trấn an ông. Xung đột lợi ích, người dân phản ứng về việc được mất, hơn thua là lẽ thường trong các dự án phát triển. Tuy nhiên, bất luận thế nào đi nữa, chủ đầu tư, chính quyền cũng không thể đẩy cái khó về phía những người “thấp cổ bé họng”. Những dự án gần đây như mở rộng quốc lộ 1 hay đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tại sao người dân tìm cớ gây khó địa phương? Có phải bộ phận bà con quá ích kỷ với chính mình và thờ ơ trước sự phát triển của đất nước? Sự thật thì trong trắc trở của các dự án giao thông thời gian qua đã phần nào nói lên cái tầm, cái tâm của “công bộc của dân”. Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, nhưng những hệ lụy đã gây ra, nếu chúng ta “vô tình đi lướt qua nhau”, dửng dưng với đời, nhiều khi sự day dứt còn nhân đôi.
Chiều nay, ông Thắng lại đưa tôi ra cầu Kỳ Phú cũ hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới đất. Gió sông lồng lộng, bất chợt ông thốt lên: Nước vẫn chảy dưới chân cầu.
Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC