Dưới tấm trần rỉ mưa

BẢO ANH 25/11/2017 11:21

Trong “sinh quyển thơ” có phần hiền hậu và mực thước của xứ Quảng, Đỗ Thượng Thế được xem là một trong số ít người thơ giàu cá tính và phá cách. Từ hơn mười năm trước, anh đã có những câu thơ “khó đọc” như thế này: “ấm trà rót những mai thu/ ngập ngừng và chậm/ lão nông đối ẩm bóng cây mít già/ bình nguyên trong mắt người xa lắm” (Khu vườn đồng dao); “Còn đó đôi chân con đường mười bốn/ chạy về từ tiếng chim xa/ đám mây hoa niên màu cháo lòng/ trôi ngược từng cơn như ngún” (Đoản khúc con đường mười bốn).

Tập thơ “Dưới tấm trần rỉ mưa”.
Tập thơ “Dưới tấm trần rỉ mưa”.

Ở tập thơ vừa mới xuất bản - tập “Dưới tấm trần rỉ mưa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 10.2017), Đỗ Thượng Thế lại đi theo “con đường chữ” ấy bằng những dòng cảm xúc vượt ra ngoài giới hạn cấu trúc và không gian thơ. Vẫn chi chít dấu vết của sự lạ hóa cấu trúc ngữ âm và làm mới hình ảnh thi ca: “tôi uống tôi con đường nhiều năm mất ngủ/ dòng tâm trạng ngược xuôi/ độc thoại biển báo trắng/ những đi những về như biển động như ma ám/ tôi uống tôi giai điệu mơ hồ phút giây đốt sáng/ phút giây dò tìm táng xanh đang trôi” (Từng ngụm heo may). Vẫn là sự trúc trắc, gập ghềnh, luôn chòi đạp trong khát khao phá vỡ biên độ của chữ: “Tà khói vén/ Eo trần khỏa gió/ Thả sức xuân vươn cánh tay mầm/ Hoa mãn khai xòe thơm ngón nõn/ Nhón bổng gót thì/ Thắp ngọn bình minh” (Vũ điệu gốm). Vẫn là những trường liên tưởng đầy ám gợi nối tiếp nhau được tạo ra từ sự đứt gãy của nghệ thuật gieo vần, ngắt câu: “Bay/ bay/ nghe hơi thu thiên thần về bên/ như phút giây phù sinh/ chói sáng” (Phiêu - 1). Vẫn là tiếng loảng xoảng vang giòn của câu chữ được chọn lựa kỹ càng, khắt khe, phủ lấp và che khuất bao ẩn ức, suy tư: “Sự thật lót ổ trong tiếng chuông/ Bị hạ độc/ Chết như loài sâu đục thân” (Mơ gì xa hơn)...

Có người bảo thơ Đỗ Thượng Thế thách đố năng lực đọc và cảm của người đọc nên rất “kén chọn” và không hợp với những ai có thói quen đọc thơ theo cách lướt ngang mặt chữ. Nhận định ấy hình như không sai, mà những đoạn trích ở trên có thể xem là minh chứng. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc chậm, như ở tập “Dưới tấm trần rỉ mưa” này, sẽ thấy những câu thơ không mấy bóng bẩy và suôn mượt của anh trôi đi nhẹ nhàng trong cái đẹp buồn bã, xa vắng và thảng thốt của ký ức. Ví như: “Từng đũa bông bí luộc từng đũa nhà quê/ Từng đũa nuốt trộng bao điều mơ ước/ Tôi học trường làng tranh tre nứa lá/ Tôi thường tha thẩn phía bờ sông đè rạp ngọn dâu ngóng cánh buồm lên” (Ký ức bông bí luộc). Đó là những câu thơ giàu hàm ngôn, vang động và bung vỡ, trong những tiếc nuối, nhớ nhung câm lặng. Và đâu đó, còn là sự tìm về, song hành những tâm hồn đồng điệu trong cõi nhân sinh mênh mông: “Khu vườn chân núi/ ai đó gọi mà không ai mở cửa/ ẩn ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây” (Dưới tấm trần rỉ mưa)... Và trên hết, dù được chia thành 3 phần (Ký ức bông bí luộc; Dưới tấm trần rỉ mưa; Con bướm xinh/ con bướm đa tình) nhưng “Dưới tấm trần rỉ mưa” vẫn là một chỉnh thể thơ rất logic về cảm xúc và kết cấu. Đằng sau sự trúc trắc của chữ, sự gãy đổ của câu vẫn là những mạch cảm xúc da diết, dịu dàng, đằm thắm về tình yêu, về quê hương, về những ẩn ức, chiêm nghiệm, suy tư và hy vọng nhân bản về cuộc sống: “lấy khô khát mà xanh/ như mộng như mầm/ như hạt sương vắt kiệt những vì sao/ cuối chân mây tự thắp đóa ngày” (Ai còn nhớ loài hoa này không)...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới tấm trần rỉ mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO