Dưới tán cây phủ bóng thời gian...

HỨA XUYÊN HUỲNH 29/01/2022 09:48

(Xuân Nhâm Dần) - Có những loài cây mang “thân phận” đặc biệt, xuất hiện đâu đó trong quá khứ rồi tuyệt tích, hoặc quen thuộc đến đỗi thân thương… đang mời gọi bạn đến ngồi tình tự.

Ông Lê Do (trái) và ông Ngô Trường Thọ bên gốc vải trăm năm ở phía bờ bắc sông Cẩm Lệ. ẢNH: H.X.H
Ông Lê Do (trái) và ông Ngô Trường Thọ bên gốc vải trăm năm ở phía bờ bắc sông Cẩm Lệ. ẢNH: H.X.H

“Của tin” sót lại bên sông

Khi dời nhà ra ở gần bờ nam sông Cẩm Lệ, hằng ngày tôi vẫn qua lại trên cây cầu bắc ngang và thi thoảng vẫn chạy dọc bờ sông. Cho đến một hôm, chữ “Lệ” trong Cẩm Lệ có nghĩa là “cây vải” đánh động tôi.

Bao nhiêu nỗi tò mò ập đến. Lối kiến giải khá lạ ấy từng được 2 nhà nghiên cứu Đinh Bá Truyền - Bùi Ngọc Minh đề cập: Cẩm Lệ nghĩa là “cây vải tươi đẹp”, bắt nguồn từ “Cẩm giang Lệ thủy”.

Các nhà nghiên cứu cẩn thận đặt cạnh danh xưng này 2 chữ “tương truyền”, nên còn chưa rõ liệu có phải do “nước sông Cẩm ngọt như trái cây vải” hay “hai bên bờ sông Cẩm trồng nhiều cây vải”.

Nên tôi thử cất công đi tìm. Hy vọng biết đâu sẽ gặp một tán vải cổ thụ đang tỏa bóng bên đoạn sông đang lấy nguồn nước từ sông Vu Gia đổ vào sông Yên. Nếu có, hẳn là phải sum sê lắm… Vì từ quãng giữa thế kỷ 16, “Cẩm Lệ” đã thấy ghi vào sách “Ô châu cận lục” do tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc, làng Cẩm Lệ được đánh số thứ 58 trong tổng 66 làng của huyện Điện Bàn.

Ông Ngô Trường Thọ, từng công tác ở Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, khá am hiểu địa bàn Cẩm Lệ, cả quyết rằng từng có những cây vải cổ thụ như thế. Năm 1962, theo gia đình từ Cẩm Nê, Hòa Tiến (Hòa Vang) xuống Phong Bắc (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ bây giờ), cậu bé Thọ khi ấy chưa đầy 5 tuổi đã thấy những gốc vải cổ thụ to hơn 3 người ôm mọc rải rác trong các vườn nhà ven sông.

Vườn nhà thầy Cam, một lương y chuyên bào chế thuốc chữa kiết lỵ gia truyền danh tiếng ở xứ Quảng, có khoảng 10 gốc. Vườn nhà võ sư Tư Kỳ ở mé bờ bắc sông, từ cầu Cẩm Lệ đi về phía tây một quãng ngắn, có khoảng 3 - 4 cây. Vườn nhà bà Chỉnh phía trên quốc lộ 1 bây giờ, mé trong ngã tư Hòa Cầm, cũng có vài cây nữa.

Gần đó, thêm một khu vườn cổ bén rễ hơn 10 cây vải cổ thụ khác. Tương truyền, cụ Ông Ích Đường khi bị lính Pháp lùng tìm cũng từng lẩn trốn trong một vườn vải cổ thụ ở vùng này…

Tuổi thơ của ông Thọ gắn ký ức vườn vải cổ thụ, với những buổi trưa cùng bạn bè nghịch ngợm đi hái trộm. “Nằm mơ tôi vẫn còn thấy hiện về những tán cây vải cổ thụ ấy, thấy có chút ma quái”, ông Thọ kể.

Bẵng đi nhiều năm, ông không còn nghĩ đến nữa cho đến một ngày cuối năm có người gọi hỏi… “Chắc là đốn hết rồi. Tốc độ đô thị hóa ghê gớm như thế này mà, làm sao còn?”, ông Thọ thoạt đầu dè dặt.

Tôi theo chân ông Thọ tìm về các khu vườn cũ ở bờ bắc sông Cẩm Lệ. Những khu dân cư chia ô bàn cờ, nhà cửa san sát. Nhưng nhà thầy Cam vẫn dễ nhận ra vì có con dốc nhỏ, ở đất cũ Đà Ly xứ thuộc tổ 25 phường Hòa Thọ Đông bây giờ.

Đến chân dốc, tình cờ gặp ông Lê Do, cháu rể thầy Cam. Từ hồi cưới cháu gái thầy Cam (năm 1990), ông Do thấy gốc vải cổ thụ to đến mấy người ôm trong vườn, mãi đến năm 2008 mới bị cưa để lấy đất làm nhà.

Cách đó hơn 10 mét, mọc lên một gốc vải, được cho là mầm “cháu” của gốc vải cổ thụ bị đốn. Nói là “cháu”, nhưng gốc khá vạm vỡ, sần sùi, hơn 1 vòng tay ôm.

Chúng tôi ghé ngang vườn nhà võ sư Tư Kỳ. Con đường chạy song song với bờ sông giờ chỉ còn tán vải “cháu” phủ kín đoạn đường, tuổi đời cũng ngót trăm năm. Những gốc cổ thụ năm nào không còn… Ở vườn nhà mé trên Hòa Cẩm, cả chục cây vải cổ thụ cũng đã cưa từ vài năm trước, bán được 80 triệu đồng.

Rời vùng Phong Lệ Bắc sau khi “tận mục sở thị” những gốc vải trăm năm, tự dưng vang lên trong tôi câu Kiều “Của tin, gọi một chút này làm ghi!”. Chừng ấy dường như cũng tạm đủ cho nghi vấn về một giống cây ít thấy ở xứ Quảng và tương truyền từng in bóng trong tên đất tên làng Cẩm Lệ.

Ký ức “nam trân” và vòng-cung-tre

Hẳn nhiều người đang chờ ngày Cửu đỉnh (Huế) được UNESCO công nhận Di sản ký ức thế giới, khi bảo vật quốc gia đang hoàn tất hồ sơ đệ trình từ giữa cuối năm 2021. Với nhiều người xứ Quảng, khi ấy, “ký ức thế giới” còn lưu giữ một sản vật thân quen khác nữa, từng mệnh danh là (trái) quý ở phương nam (nam trân) hay cây gặp vua (phụng quân mộc).

Cây lòn bon xứ Quảng được khắc trên Nhân đỉnh, có tên chữ “nam trân”.
Cây lòn bon xứ Quảng được khắc trên Nhân đỉnh, có tên chữ “nam trân”.

Quả lòn bon lâu nay vẫn ra hoa kết trái ở thượng nguồn xứ Quảng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ nguồn Ô Da và Thu Bồn đều có giống cây này, quãng tháng 8 - tháng 9 quả chín, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự.

Chuyện vua Gia Long hay Minh Mệnh đặt tên “nam trân”, những truyền thuyết vây bọc xung quanh vị hậu duệ chúa Nguyễn nào đó từng lưu lạc ở xứ Quảng, sự kiện vua Minh Mệnh cho khắc “nam trân” vào Nhân đỉnh… vốn dĩ đã quá quen thuộc.

Nhưng khi góp vào 162 bức chạm trên bộ Cửu đỉnh, lòn bon đã đặt chân vào chốn vĩnh cửu. Và hành trình “huyền thoại hóa” loài cây rừng thượng nguồn xứ Quảng này sẽ còn nối dài (cùng với Vĩnh Điện hà trên Dụ đỉnh), một khi Cửu đỉnh được lưu danh di sản tư liệu thế giới…

Sực nhớ có loài mít do chính vua Minh Mệnh kêu gọi trồng hai bên đường để cho bóng mát, cho gỗ, cho quả và từ đó thành phố Huế trở thành thành phố nhiều cây mít. Những cây mít cổ bám rễ ở khu vực đại nội, tồn tại “mãi đến cơn bão 1985” theo ghi chép của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài nhàn đàm về chuyện cũ cố đô. Phải chăng từ sau cơn bão năm ấy, các gốc mít cổ thụ trong đại nội đã tuyệt tích?

Mới thấy, thời gian có vẻ “thiên vị” với loài cây dân dã xứ Quảng. Cây lòn bon cũng nhận được sự “thiên vị tình cảm” của triều đình Huế, như cách nhà văn Tràng Thiên diễn đạt khi nhắc đến giống cây lòn bon, sa kê.

Ông dẫn từ sách cũ những con số thú vị: Dịp lễ Hạ hưởng và Đoan dương năm Gia Long tứ niên, triều đình Huế mua 100 trái dưa hấu Quảng Bình, 4.200 trái vải ở Bắc thành, 5.600 trái xoài tượng Phú Yên… và đếm rất kỹ 6.600 trái lòn bon Quảng Nam.

Chính nhà văn Tràng Thiên cũng gây tò mò trong tôi về con đường nối liền Đà Nẵng - Hội An: con đường tre. Trong một tùy bút, Tràng Thiên mô tả vừa ra khỏi thành phố là phủ rợp bóng tre, “tre hai bên đường xanh tốt giao đầu lại với nhau làm thành một vòng cung, một cái hầm xanh rập rờn linh động mát rượi che kín mặt đường…”. Ngả đường nào từ Đà Nẵng dẫn về Hội An lại rợp bóng tre như vậy?

Lối đi ven biển chỉ thấy dương liễu. Hàng cây trong ca khúc “Chiều Hội An” của Hoàng Lân, “…Mênh mông mênh mông hai bên đường gió cát/ Rì rào hàng cây trong gió xôn xao nghe như một khúc hát” đích thị dương liễu.

Trong ký ức của ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, quãng năm 1966 - 1967 (thời điểm Tràng Thiên viết tùy bút về Hội An), tuyến đường ven biển này do quân đội Mỹ và Nam Hàn làm, ven đường có chăng là loài tầm vông mọc đâu đó trên quãng đường từ Non Nước vô Điện Bàn.

Lối này chỉ thấy người đi xe máy, đi bộ và xe nhà binh. Ông Sự nghĩ đến lối đi nhộn nhịp của xe đò. Xe rời bến xe vườn hoa hoặc bến xe chợ Cồn ở trung tâm TP.Đà Nẵng, chạy lên hướng ngã ba Huế, theo quốc lộ 1 vào phía Vĩnh Điện (Điện Bàn) rồi vòng xuống Hội An. Cung đường này đúng là có rất nhiều tre và nhà văn Tràng Thiên có thể một lần ngang qua...

Sau hơn nửa thế kỷ, đường sá rộng mở, những vòng cung tre Đà Nẵng - Hội An không còn nữa. Tre giờ “men” theo những con đường nhỏ dẫn sâu vào xóm làng mà rủ bóng mát, mà thân quen, mà tình tự, mà gợi nhớ…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới tán cây phủ bóng thời gian...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO