Đuổi theo giấc mơ

HỨA XUYÊN HUỲNH 25/06/2017 04:07

Ngôi nhà thờ cổ sập mái, bên trong phòng thay áo lễ sừng sững một cây dâu tằm to tướng. Đó là “ký hiệu” xuất hiện đầu tiên và trở lại vào cuối tác phẩm “Nhà giả kim”, cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh của nhà văn viết tiếng Bồ Đào Nha được xếp vào nhóm có lượng độc giả nhiều nhất thế giới và nhóm nhà văn Mỹ Latinh được đọc nhiều nhất: Paulo Coelho.

Cây dâu tằm trong nhà thờ hoang phế ấy xuất hiện ít nhất 2 lần trong cuộc đời chàng chăn cừu Santiago. Lần đầu, ở vùng đất phía nam Tây Ban Nha; lần sau, gần Kim tự tháp Ai Cập. Nối liền 2 khoảnh khắc là cả một hành trình khắc nghiệt đi tìm kho báu. Cái kho báu ám ảnh ấy đã choáng ngợp giấc mơ và cuộc sống của cậu. Để rồi, từ ngôi nhà thờ có cây dâu tằm ở vùng Andalusia, chàng chăn cừu dạt trôi đến tận Ai Cập để lần theo dấu vết kho báu bí ẩn. Và truyện kết thúc không thể bất ngờ hơn. Khi anh đang đào bới suốt đêm cạnh Kim tự tháp thì bị nhóm người trấn lột. Một người trong số họ nghe Santiago kể đã 2 lần mơ thấy kho tàng giấu gần đấy đã phán: Hai năm trước, tại vị trí gần nơi Santiago đang đứng ở Ai Cập, gã cũng nhiều lần mơ thấy mình phải đi Tây Ban Nha tìm nhà thờ làng đã sụp lở, vì bên dưới cây dâu trong phòng thay áo lễ có giấu một kho tàng. Nhưng gã không đi. “Tao đâu có ngu để chỉ vì một giấc mơ mà vượt sa mạc” - gã nói.

Lảo đảo đứng dậy, Santiago và tháp mỉm cười nhìn nhau. Hình như trong một sát na, chàng chăn cừu nhận ra mình vừa đi hết một vòng đời khép kín. Ấy là tôi đoán thế. Còn nhà văn danh tiếng Paulo Coelho chỉ viết thế này: “Tim cậu tràn ngập niềm vui. Giờ thì cậu tìm thấy kho báu rồi”.

Trong một tác phẩm lừng danh dày hơn 200 trang và thấm đẫm tinh thần minh triết Đông phương như “Nhà giả kim”, mỗi độc giả chỉ có thể mở một cánh cửa để bước vào. Tỉ dụ, tôi nhìn ra giấc mơ hão huyền của chàng chăn cừu, chỉ vì một giấc mơ mà phải vượt sa mạc. Nhưng nhiều người lại nghĩ khác. Như dịch giả Lê Chu Cầu, trong phần đầu sách, đã làm thăng hoa giấc mơ của Santiago với lời bình rằng tác phẩm này mang thông điệp “đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình” và đừng sợ đau khổ khi thực hiện giấc mơ.

Nơi chàng chăn cừu Santiago rời đi, là chỗ mà người khác muốn đến. Phải chăng, cuộc đời mỗi người phải tự đào và cất giấu kho báu bên dưới cây dâu tằm số phận, để không mãi chạy đuổi theo những giấc mơ kỳ ảo.

Một ngày hồi tháng 11.1992, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chiêm nghiệm rằng, có đôi lần trong giấc mơ của ông bừng lên ánh thép của cây kiếm định mệnh. “Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau”, Trịnh viết trong một đoản văn in cuối tuyển tập “Những bài ca không năm tháng” tập hợp 127 ca khúc của mình (NXB Âm nhạc, 1997). Trong một tác phẩm chọn in, “Vẫn nhớ cuộc đời”, có những ca từ tha thiết đến ám ảnh: “…Một đời về không, hai tay quy hàng/ Giọng người buồn tênh cơn đau nung hồng/ Thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh”.

Thế đấy, ánh kiếm và tiếng hót loài chim nhỏ cùng bầu trời xanh cũng dễ làm nên một ký hiệu khác nữa trong âm nhạc, hay là ký hiệu trong giấc mơ của người nhạc sĩ tài hoa. Còn chúng ta? Trong giấc mơ của mình, nhiều người hẳn cũng từng một lần thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh nhưng vẫn sẵn sàng “vượt sa mạc”. Kho báu của đời người không biết chôn giấu ở đâu, nên rất cần giấc mơ chỉ điểm. Và lên đường…

Biết đến bao giờ ta dừng chân ngay cạnh gốc dâu tằm để nghỉ mát mà không thèm cất công đào sâu xuống bên dưới?

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đuổi theo giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO