Trải qua nhiều năm, từ định hướng chủ trương đến thực thi, con đường cao tốc liên vùng từ Đà Nẵng đi Dung Quất mới được khởi động. Với chiều dài 140km, con đường chiến lược này nối 3 tỉnh thành, kinh phí đầu tư gần 1,5 tỷ USD.
Cùng lúc với việc khởi công con đường cao tốc, dự án mở rộng quốc lộ 1 cũng đang triển khai thi công. Như vậy, có thể hình dung một khối lượng công việc khổng lồ mà chính quyền sở tại cần phải tiếp cận, giải quyết. Ngay như Quảng Nam, riêng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn, đã ảnh hưởng đến nhà cửa của mấy nghìn hộ dân ở 7 huyện, thành phố, chưa kể đụng đến các công trình, mồ mả, ruộng đồng. Vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là tiến độ kiểm kê để bồi thường, giải phóng mặt bằng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã ráo riết quán triệt, thúc đẩy các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.
Điều đáng suy ngẫm là cách thức thực hiện thế nào cho nhanh nhưng phải “đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng” như yêu cầu mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một định chế đặt ra là phải công khai minh bạch về thông tin dự án, định giá bồi thường, hỗ trợ, họp dân để nghe các đề đạt về nguyện vọng, tâm tư. Những hộ giải tỏa trắng, chắc chắn cũng phải giải quyết tái định cư. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế không ít vấn đề nảy sinh cần phải dự lường. Vì rằng, lâu nay không ít dự án đụng đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, là nhiêu khê phiền toái kéo theo. Một mặt từ phía đơn vị chức năng, những người thực thi công vụ có trách nhiệm kiểm kê, định giá thiếu sự khách quan công tâm. Phía khác, từ những người có tài sản, đất đai được bồi thường luôn muốn cái giá cao hơn. Nhiều vụ thỏa thuận không xong, buộc phải cưỡng chế, gây ra điểm nóng.
Về phía thi công công trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, các đơn vị thi công tư vấn phải làm đúng chức năng như đã cam kết; các đơn vị tư vấn trong quá trình giám sát cần tiên lượng diễn biến của thiên tai; nâng cao trách nhiệm giám sát nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Có thể ngẫm ra cái lý của sự lưu ý này cũng từ cơ sở thực tế. Không ít công trình thiếu sự giám sát hoặc thậm chí tư vấn cũng “ăn theo” nhà thầu thi công, bỏ túi riêng mà làm ngơ để chất lượng công trình ì xèo. Có con đường vừa làm xong, qua chưa hết một mùa mưa đã sụt lún, bong tróc, nham nhở. Cọc tiêu lộ giới thì đúc bằng… cốt tre. Nhựa đường cũng bị “ăn” bớt, khiến chỗ thì lõm xuống, chỗ gồ lên, biến thành những điểm đen gây tai nạn giao thông. Những nhiêu khê do tiêu cực trong đầu tư thi công mà vì bị “ăn” bớt hoa hồng “lại rọ” nên vật liệu cũng bớt, chất lượng giảm.
Nêu những vấn đề có tính chất tiên liệu, cảnh báo trên đây để các địa phương và ngành chức năng cần suy ngẫm phòng ngừa trong quá trình thực thi xây dựng công trình. Với hai con đường chiến lược (quốc lộ 1 và đường cao tốc), có sứ mệnh làm động lực phát triển kinh tế vùng, hiển nhiên mang theo bao kỳ vọng của chính quyền và nhân dân sở tại. Đây là cơ hội để tiếp tục “mở cửa” thông thương, làm cho “vùng đất mở” trở nên năng động hơn. Do vậy, không nên và không thể để cho những vấn đề nảy sinh phức tạp làm cản ngại lộ trình phát triển ấy.
ĐĂNG QUANG