Con đường dân sinh kết hợp lâm sinh được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, đưa vào hoạt động 5 năm nay. Thế nhưng, điều oái oăm ở chỗ người dân muốn vận chuyển keo qua lại đều phải bỏ tiền ra để mua đường.
Bức xúc vì xã không hoàn trả tiền
Ông Tạ Đình Hùng ở thôn 7, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) trình bày: Năm 2005, gia đình ông trồng keo ở khu vực Hố Gióng - Chò Nồng. Năm 2011, keo đến thời kỳ khai thác nhưng không có đường cho xe vào vận chuyển, ông Hùng vay mượn người thân, kể cả vay tiền ngân hàng, để mở đường. Ông tự bỏ tiền ra mở đường với sự xác nhận của chính quyền thôn, chi bộ thôn và ban công tác mặt trận thôn. Con đường được khai mở rộng 4m, dài 1,5km. “Cán bộ thôn cùng với gia đình tôi đi vận động người dân có đất màu, ruộng lúa hiến để mở đường nhưng nhiều hộ yêu cầu phải bồi thường. Tổng số tiền mà họ yêu cầu bồi thường thiệt hại về hoa màu, ruộng lúa là 87 triệu đồng. Gia đình tôi thuê xe múc, xe ben mở đường với chi phí hơn 200 triệu đồng” - ông Hùng nói.
Năm 2012, UBND xã Tiên Lãnh làm đường lâm sinh ngay ở vị trí với con đường mà ông Hùng cho rằng trước đó mình đã bỏ tiền ra làm. Điều khiến ông bức xúc là con đường lâm sinh mở ra nhưng không hỗ trợ lại chi phí ban đầu mà gia đình đã tự bỏ ra mở đường. Nhiều lần ông làm đơn gửi UBND xã nhưng vẫn không được giải quyết đến nơi đến chốn. Xã có tổ chức họp dân đề cập chuyện mở đường lâm sinh nhưng người dân không thống nhất, còn ông Hùng cho rằng, Nhà nước muốn mở đường phải hỗ trợ lại số tiền mà gia đình ông bỏ ra. “Số tiền 150 triệu đồng mà Nhà nước đầu tư để làm đường lâm sinh thực ra là đem xe múc xuống sửa qua loa con đường mà gia đình tôi đã bỏ tiền ra mua đất của người dân để mở. Hơn nữa, đường do Nhà nước làm mà xe chở keo đi qua phải nộp lệ phí đường cho một số người dân?” - ông Hùng thắc mắc.
Tranh chấp kéo dài
Đường do Nhà nước đầu tư phát triển lâm nghiệp nhưng người dân muốn vận chuyển keo ra bên ngoài phải đóng một khoản tiền theo thỏa thuận. Ông Tạ Đình Phúc cho hay, gia đình ông trồng keo ở khu vực Đá Trắng đến độ tuổi thu hoạch, nhưng bị một số người dân có đất trên đường lâm sinh không cho vận chuyển ra ngoài. “Tôi đồng ý đưa tiền cho những chủ có đất trên đường lâm sinh nhưng họ không nhận, hết cách, tôi đành bán rẫy keo 2,3ha cho một người khác với giá 200 triệu đồng, thua lỗ gần 100 triệu đồng. Xã nói là làm đường lâm sinh phục vụ người dân nhưng để một số hộ dân cấm đường thật là vô lý” - ông Phúc bức xúc. Được biết, cả chục hộ dân khác ở địa phương, muốn vận chuyển gỗ keo ra ngoài tiêu thụ thông qua đường lâm sinh phải bỏ ra 5 - 10 triệu đồng để “mua đường”.
Bất bình với luật mua đường “bất thành văn” này nên ở thôn 7 xảy ra khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng. Theo UBND xã Tiên Lãnh, tuyến đường mà ông Tạ Đình Hùng đề cập thuộc tuyến đường lâm sinh kết hợp dân sinh. Trước khi được mở rộng, nâng cấp, tuyến đường này là đường mòn, hình thành trước năm 1975, rộng khoảng 1,5m, được nhân dân sử dụng trong đi lại, vận chuyển hàng hóa nông nghiệp, vật nuôi. Năm 1997, UBND xã thực hiện chính sách di dân, hỗ trợ tiền và giao đất cho các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn để ổn định đời sống và phát triển kinh tế thuộc dự án Khu kinh tế mới Đồng Trau. Có 30 hộ đến sống ổn định tại khu vực này. Ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết: “Tuyến đường nói trên là tuyến đường duy nhất phục vụ đi lại, sản xuất của nhân dân. Việc mua đất, mở rộng đường để chở keo của ông Tạ Đình Hùng là việc làm tự phát, không có sự cho phép và quản lý của nhà nước. UBND xã không quy định thu phí, lệ phí, cũng không giao cho cá nhân hay tổ chức nào thu phí, lệ phí đối với tuyến đường này”.
Vậy, tại sao lại xảy ra tình trạng mãi lộ khi người dân vận chuyển keo qua con đường này? Rất mong chính quyền xã Tiên Lãnh và huyện Tiên Phước sớm trả lời câu hỏi của người dân.
TRẦN HỮU