Đường nối từ ven biển lên cao tốc qua Thăng Bình: Nỗ lực giải phóng mặt bằng

CÔNG TÚ 01/11/2018 06:40

Mặt bằng xây dựng các dự án đường nối từ ven biển xã Bình Minh lên gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (xã Bình Quý) vẫn còn ách tắc. Địa phương đang nỗ lực gỡ vướng để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Vị trí mặt bằng chưa khai thông tại xã Bình Đào liên quan đến tiến độ xây dựng khu TĐC. Ảnh: C.T
Vị trí mặt bằng chưa khai thông tại xã Bình Đào liên quan đến tiến độ xây dựng khu TĐC. Ảnh: C.T

Tiếp tục ách tắc

Qua địa bàn Thăng Bình, UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư các dự án liên hoàn từ ven biển xã Bình Minh, hướng lên địa bàn xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Phục, thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý. Cụ thể, dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc dài tổng cộng 8,33km (tính cả đoạn từ ven biển Bình Minh lên đường cứu hộ, cứu nạn bổ sung sau dài 1,63km); đường nối QL1 tại ngã ba Cây Cốc đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E dài 3,8km. Sau khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kiểm tra thực địa và có sự chỉ đạo cụ thể huyện Thăng Bình khẩn trương khơi thông mặt bằng phục vụ dự án, đến cuối tháng 10 này, tiến độ triển khai có sự biến chuyển tích cực. Lãnh đạo địa phương cho biết đã thực hiện cơ bản hoàn thành được 99,5% khối lượng công việc. Tuy nhiên, chính quyền huyện thừa nhận còn một số trường hợp ách tắc kéo dài chưa thể khơi thông dứt điểm, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án. Theo thống kê, xã Bình Đào tồn tại 17 trường hợp chưa di dời, nguyên do liên quan tái định cư (TĐC) cho hộ dân nằm diện giải tỏa trắng. Trong khi đó, trên thực địa khu TĐC Bình Đào phần mở rộng đang triển khai thi công nhìn khá bề bộn.

Nhà của ông Đoàn Thế Mỹ (con ông Đoàn Lư đã mất) tại xã Bình Phục án ngữ một phần lòng đường mới hình thành. Hộ này chưa nhận tiền bồi thường theo quyết định phê duyệt vì cho rằng giá thấp, mặc dù đã được vận động, giải thích nhiều lần. Và bây giờ, gia đình tiếp tục có đơn kiến nghị đơn giá bồi thường và đề nghị xem xét đổi lại đất ở để xây dựng nhà. Nằm ở cuối tuyến, hộ bà Liên, bà Diệp trú xã Bình Quý không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng với lý do yêu cầu bồi thường đất. Trên địa bàn thị trấn Hà Lam, tồn tại mặt bằng chưa giải phóng xong tại vị trí của các hộ ông Lê Văn Bé, Trương Đi, Trà Hữu Tâm, bà Nhung, bà Bùi Thị Nuôi... Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi thông tin thêm về hộ bà Nuôi, thực hiện nội dung Công văn số 247/TNMT-ĐĐ ngày 14.9.2018 của Phòng TN-MT huyện về xác định điều chỉnh diện tích đất thu hồi của hộ này theo trích đo địa chính mới thửa đất số 43, tờ trích đo địa chính số 05 - thuộc tờ bản đồ địa chính cũ số 05, thửa đất số 661 tại tổ 14 thị trấn Hà Lam, diện tích đất thu hồi thực hiện dự án là 1.001m2, loại đất ở đô thị. Tuy nhiên, gia đình bà không thống nhất để cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm đếm.

Nỗ lực gỡ vướng

Các dự án giao thông tại Thăng Bình nêu trên khi hình thành sẽ là trục ngang xương sống nối QL14E, cao tốc, QL1, đường 129 (cứu hộ, cứu nạn). Với tầm quan trọng như vậy, UBND tỉnh đầu tư bằng nguồn vượt thu và cải cách tiền lương. Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) - ông Nguyễn Hữu Hòa đề nghị huyện tiếp tục tập trung tháo gỡ, khơi thông “điểm nghẽn” mặt bằng cốt yếu trên tuyến còn hiện hữu. Cạnh đó, người dân vùng dự án cần chia sẻ, đồng thuận với chủ trương chung mà bàn giao mặt bằng bị ảnh hưởng nhằm thúc đẩy thi công công trình hoàn thành, phục vụ lưu thông thuận tiện, an toàn, góp phần cải thiện đời sống của chính bà con. Ông Nguyễn Đình Chi cho biết, đơn vị kiến nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng Thăng Bình sớm tham mưu đơn giá đất TĐC tại khu TĐC Bình Đào để có cơ sở trình phương án TĐC. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND xã Bình Đào tổ chức bốc thăm lần 2, tổng hợp trình phương án bồi thường; đồng thời tham mưu UBND huyện có văn bản xin chủ trương giải quyết của tỉnh về vướng mắc vượt thẩm quyền. Địa phương cũng đang quyết liệt giải quyết trường hợp của các hộ bà Liên, bà Diệp, ông Lê Văn Bé, Trương Đi, Trà Hữu Tâm, bà Nhung.

Nằm ngay nút giao Cây Cốc, thuộc bờ đông QL1, dự án đang vướng mặt bằng của hộ bà Bùi Thị Nuôi (thị trấn Hà Lam). Đây là vị trí thi công rất quan trọng, cho nên thời gian qua UBND tỉnh và chính quyền Thăng Bình đặc biệt lưu tâm giải quyết. Sau khi gia đình không phối hợp kiểm đếm lại diện tích đất bị thu hồi, huyện đã ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Và tối ngày 30.10, ông Nguyễn Đình Chi xác nhận đã kiểm đếm bắt buộc xong với diện tích đất bị thu hồi là 1.001m2 và gia đình cũng đã thống nhất với văn bản được lập. Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình đang áp giá lại theo diện tích vừa đề cập, sau đó sẽ công bố phương án áp giá bồi thường cho chủ hộ. Nếu gia đình tiếp tục không đồng ý, địa phương ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định. Ông Nguyễn Đình Chi cho biết thêm, huyện mời 2 hộ Bùi Thị Nuôi và Đoàn Thế Mỹ (xã Bình Phục) vào chiều ngày 1.11 đến Phòng Tiếp dân để gặp mặt chia sẻ thông tin ý kiến của chủ hộ đang còn thắc mắc. Hy vọng rằng, với nhiều giải pháp thực hiện thật sự cụ thể và quyết liệt, huyện Thăng Bình sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 11, bàn giao cho nhà thầu thi công thông toàn tuyến trước Tết Nguyên đán 2019.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường nối từ ven biển lên cao tốc qua Thăng Bình: Nỗ lực giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO