Có một con đường đến khu đền tháp Mỹ Sơn băng qua núi, nơi dấu vết còn lại chỉ là những phế tích đền đài mà hàng trăm năm trước đã từng in dấu chân người Chăm xưa hành hương về vùng đất thánh.
Trên con đường ĐT 610 kết nối Nam Phước với Mỹ Sơn đoạn qua các xã Duy Sơn, Duy Trinh, du khách bắt gặp bên tay trái của mình những dãy núi thấp, nơi các nhà nghiên cứu tin rằng đã từng hiện hữu một con đường dành cho tín đồ Chăm xưa hành hương về Mỹ Sơn dâng lễ. Một lộ trình đã được phác họa với điểm khởi đầu là kinh đô Trà Kiệu kéo dài qua thung lũng Chiêm Sơn (Duy Trinh) mà dấu vết lưu lại ngày nay là 3 cụm phế tích Gò Lồi, Chùa Vua và Triền Tranh, những điểm được ví như chốn dừng chân của các tín đồ trước khi tiến vào vùng đất thánh. Dù chỉ là giả thuyết nhưng nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng con đường bộ dành cho những tín đồ Bà la môn giáo hành hương về thánh đô xưa là có thật. Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, tuy không thể khẳng định chắc chắn do chưa có tài liệu nào chứng minh nhưng qua điền dã dễ dàng nhận thấy tuyến đường này tương đối bằng phẳng, phù hợp với giả thuyết về lộ trình hành hương của người Chăm xưa là các phương tiện voi, xe ngựa thô sơ.
Để tìm lời đáp cho giả thuyết của mình, nhà nghiên cứu đã từng tổ chức chuyến hành trình với điểm bắt đầu Trà Kiệu qua Duy Sơn men theo núi đến thung lũng Chiêm Sơn và vào Mỹ Sơn với khoảng thời gian là 3 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, từ năm 1993, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã thử đi theo lộ trình này với kết luận không chính thức về một con đường bộ tâm linh dành cho những người hành hương tồn tại song song với tuyến đường thủy ngược sông Thu Bồn dùng vận chuyển vật liệu xây dựng tháp.
Dãy núi thấp đoạn qua Duy Trinh với giả thuyết về sự hiện hữu của con đường bộ mà người Chăm xưa đã hành hương về Mỹ Sơn. Ảnh: G.KHANG |
Ngày nay, đường đến Mỹ Sơn đã dễ dàng và thuận tiện hơn nhưng một chuyến hành trình theo lộ trình men núi về thánh địa như cách người Chăm xưa đã từng làm có thể sẽ mang đến cho những ai thích khám phá nhiều trải nghiệm thú vị. Trên chuyến hành trình đó sẽ đưa du khách qua những địa danh phế tích mang đậm dấu ấn văn hóa Champa như Gò Lồi, Chùa Vua, Triền Tranh, lăng bà Chiêm Sơn và các giếng Chăm cổ. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan những di tích lịch sử văn hóa, cảnh đẹp trên suốt hành trình như lăng bà Mạc Thị Giai, lăng bà Đoàn Quý Phi, đập Vĩnh Trinh… gắn với những giai thoại huyền bí nhưng cũng đầy lãng mạn, minh chứng cho sự đa dạng và chiều sâu văn hóa của một vùng đất với bề dày lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển.
GIA KHANG