Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao

Bút ký của TRUNG VIỆT 14/10/2017 10:52

Im lặng trùm lên. Trời đã gần tối. Mưa luồn trong gió chiều, vặn mình  qua cây rừng, rít được một lát, rồi cũng im.

Thôn A Nooh xã A Nông huyện Tây Giang. Ảnh: T.VIỆT
Thôn A Nooh xã A Nông huyện Tây Giang. Ảnh: T.VIỆT

Tôi ngồi với ông Priu Pố, người mà thiên hạ lúc gọi là già làng, lúc gọi là cán bộ hưu trí, hứng lên thì ca ngợi là “vua ba kích”. Sau hơn 10 năm quen biết, nhiều lần ngồi với ông, lúc nào cũng cảm nhận được cái giọng điềm tĩnh của một nhà giáo rồi bí thư kiêm chủ tịch xã Lăng từ 1986 - 2005 vẫn không đổi, chở cốt cách của một người có hàm lượng nội lực văn hóa không nhỏ.

“Mi nói cũng đúng thôi, tau thấy mọi thứ chừ như chấp chới” – ông trầm ngâm.

1. Tôi lên Tây Giang vì thông tin học trò các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582 của Chính phủ ban hành tháng 3 vừa rồi, từ đây sẽ không nhận được trợ cấp bán trú, đồng nghĩa không được ở bán trú.  Không có ăn, học trò sẽ không đi học, vì nhà quá nghèo. Nếu có ăn, thì cũng bỏ, bởi như ở Ch’ơm, Ga ri đi bộ xuống huyện học là 60km. “Nói đâu xa, học sinh ở thôn Aur xã A Vương, từ đây về đó đi bộ 6 tiếng bởi không có đường, mỗi năm đến tết nó mới về, lễ cũng ở lại trường vì đi cực quá, thử hỏi anh, nếu không cho ở bán trú, làm sao học?”. Đó là lời quả quyết của thầy Nguyễn Công Tươi, hiệu phó trường THPT Tây Giang.

Còn cấp 2 cũng không thoát khỏi “thảm nạn”. Tôi vào trường THCS bán trú Nguyễn Văn Trỗi ngay trung tâm huyện, nếu chiếu theo quy định trên thì 180/182 em không được ở bán trú, đồng nghĩa là… vỡ trận, bởi học trò không thể đi bộ 3 - 4 giờ đồng hồ đến chỗ học rồi đi về và nói như cô giáo Hồ Thị Tâm hiệu trưởng là “trường em sẽ bị xóa sổ mất thôi”. Điều đó đồng nghĩa là mô hình trường bán trú sẽ phải thay đổi, chuyển sang hết trường bình thường, sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn từ kinh phí hoạt động đến chế độ giáo viên. Vào học được một tuần, là huyện, tỉnh, sở họp và họp, bằng mọi cách tháo… ngòi nổ, nói chẻ hoe là tìm đâu tiền để nuôi học trò bán trú, bởi không, trường sẽ đóng cửa, học trò về đi làm rẫy, có chồng hết, lúc đó là khác chi... cháy rừng. Trong khi chờ tỉnh, thì huyện Tây Giang đã phải bỏ ra gần 800 triệu đồng để… chữa cháy hết học kỳ này. Rồi chuyện nữa,  vì không còn mang danh cái nghèo, nên bảo hiểm y tế cho người nghèo cũng “vẫy tay chào nhau”.

Không có ăn, ở bán trú, học sinh sẽ bỏ học.
Không có ăn, ở bán trú, học sinh sẽ bỏ học.

Tôi ngó đầu ông đã bạc trắng, cúi xuống như kiếm tìm chi đó, bởi rượu đã la đà. “Em hỏi anh, làm sao để phân biệt được nghèo và cận nghèo, nghèo và thoát nghèo ở miền núi?”.  Không ngẩng lên, ông rì rầm: “Muốn biết dân có nghèo thiệt không, hãy vô nhà họ đúng bữa ăn, ngó mâm cơm biết liền”. “Em xuống xã, có anh em nói khó phân biệt cái nghèo với thoát nghèo lắm, bao đời làm nương rẫy, cả ngày đi rẫy được gùi củi, rau, đem bán, ăn qua ngày, ngó tới cũng rau, ngó lui cũng rau, thoát hay không thoát cũng có khác chi đâu”. “Ừ, thực ra có thay đổi chứ, đường điện trường trạm. Nhưng đó là nhà nước đầu tư, còn nỗ lực tự thân của người dân, những tác động kinh tế xã hội thật sự để bà con thay đổi tập quán canh tác, làm ra thu nhập khá hơn, biến chuyển thực sự đời sống gia đình từ thu nhập bền vững, rất khó. Thậm chí anh nghĩ không biết là sẽ đến bao giờ mới được, bởi em thấy đó, việc xác định cây, con chiến lược cho miền núi, đến giờ vẫn còn lúng túng…”.

2. Con số thống kê và thực tế, lắm khi bẽ bàng. Ông Y Đên Bốn, Chủ tịch UBND xã A Nông - xã miền núi đầu tiên của tỉnh về đích xã nông thôn mới - chua chát rằng, thống kê thu nhập bình quân đầu người của xã là 39 triệu đồng/năm, trong khi thu ngân sách là con số không, bởi chẳng có kinh doanh buôn bán chi; mỗi năm huyện cấp 100 triệu đồng để chi phí hoạt động; bà con tự cấp tự túc lâu nay vẫn không có gì thay  đổi. Vậy con số thống kê từ đầu ra? Chịu. Nhưng phải có và… phải có, bởi đó nông thôn mới. Ông nói rằng, xã chỉ có 30 triệu đồng quỹ dự phòng, có 92 em học sinh trong diện không được hỗ trợ bán trú, nếu thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, dân thì nghèo, xã phải gánh, tức là phải xuất tiền này ra, mà làm thế là sai mục đích! Xã nông thôn mới là “trọc lóc bình vôi” chẳng có đồng nào… thủ thân, thì suy luận ngược lại là biết dân nghèo hay đã thoát nghèo, khi con số báo cáo là xã này 220 hộ chỉ có hơn 10 hộ nghèo. Thoát nghèo, là danh hiệu, là câu trả lời khẳng định sức mạnh vượt lên của một giai đoạn khó khăn, còn thoát nghèo bền vững hay không, lại là câu chuyện khác. Bền vững chỉ có giá trị... bền vững, khi có cơ sở bền vững, còn nếu không, hậu quả an sinh xã hội là chua chát. Bà A Lăng Thị Thiếu, Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng nói: “Xã em ở khu vực 2, tức là không được công nhận xã nghèo đặc biệt khó khăn, em xuống cơ sở, bà con nói cô ơi nhà nước cho gì chúng tôi cũng có thể từ chối, chúng tôi chỉ xin cái thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, bởi đau ốm không tiền là chết”.

 Hãy đối diện với thực tế đã và đang xảy ra, rằng hơn 1.500 học sinh các cấp từ mẫu giáo đến THPT của tỉnh mất chế độ bán trú, và nói như một cán bộ văn phòng sở GDĐT là vấn đề này phải đưa ra HĐND tỉnh để xem xét, hỗ trợ, bởi tính toán kiểu gì cũng không ngoài việc học trò không được bỏ học. Con đường từ nghèo đến thoát nghèo, là con đường dài, bao nhiêu năm qua, có rất nhiều tác động, hỗ trợ và nỗ lực từ nhà nước đến người dân để đi qua bóng tối đói nghèo. Nhưng nói thẳng người ta vẫn không tin các báo cáo và con số, bởi cách tiếp cận, mà nói rộng hơn, là quan điểm về vấn đề này vẫn còn bị hành chính hóa. Trung ương đưa các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đi kèm là cắt các chế độ chính sách, một mặt để giảm bớt gánh nặng chi ngân sách, mặt khác phá bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ, khơi gợi tinh thần tự lập tự chủ vượt lên của người dân, bởi không thể muôn đời mãi mãi sống bằng tư duy bao cấp.

Nhưng để làm được điều đó, họ phải thực sự bước ra khỏi bóng tối, chứ không thể xô người ta ra để… chụp ảnh. Ở đây, cần những kiểm định độc lập về thu nhập, không bị chi phối của bất cứ ai. Bà A Lăng Thị Thiếu bảo: “Em muốn lắm, các doanh nghiệp, cơ quan, lâu nay người ta cho kiểm toán vào, vậy tại sao không cho kiểm toán làm phép kiểm tra thu nhập bình quân của người dân trên cơ sở khoa học đã đành, mà quan trọng hơn là thực tế? Anh không thể nói rằng, nhà này có người đang đi làm, thu nhập tháng 3 triệu đồng, nuôi người kia đang đau, nhưng đau nhẹ đi lại được, vậy là không nghèo! Cảm tính kinh khủng”. Cái căn cốt vẫn xuất phát từ “chiếc bẫy” thu nhập bình quân, giống y như công chức hay hỏi nhau là thu nhập bao nhiêu, trong khi người ta hay quên, thậm chí nhầm lẫn, đánh đồng lương và thu nhập. Căn cứ vào đâu để tính thu nhập bình quân? “Đây, ví dụ xã em thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm, người ta cộng hết thu nhập từ bí thư đến ông nuôi gà cộng lại, tính ra. Đúng, bởi nó phản ánh mặt bằng, nhưng sai là không ai sống nhờ ai, cơm nhà ai nấy ăn, ông chủ tịch có bao giờ lấy lương mình ra chi cho hàng xóm không, vậy thì bình quân cái gì?” - bà A Lăng Thị Thiếu nói.

3. Ông Priu Pố nhìn tôi gật gật, mà tôi đọc được nỗi buồn trĩu từ đôi mắt: “Phải sát  hơn nữa, người dân còn khốn khó lắm, anh nghe nhiều nơi làm nông thôn mới đổ ra đống nợ. Mới mà nợ không trả được, mới để làm chi?”. Tôi uống ly nữa, nhớ thơ Bút Tre một thời: “Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”. Chuyện nghèo và thoát nghèo ở núi, khác chi thơ Chinh phụ ngâm chập chờn nỗi lòng: “Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”. Lên dốc thì phải xuống, tới đỉnh thì thấy miệng vực, nhưng không thể ở mãi dưới dốc được, bởi đó là bóng tối. Ngồi nhớ bao lần đi núi, học trò ì ạch bùn đất đến trường, nuôi giấc mơ ánh sáng trong bóng rừng, bụng đói như suối có lũ mà vẫn cứ đi, bởi đó có niềm vui mới lạ. Nhưng con người bây giờ thực tế lắm, không như Mạc Đĩnh Chi xưa ôm giấc mơ đom đóm đâu. Đói nghèo, là nguồn cơn của tội ác. Học trò phải được đi học, cha mẹ chúng nó cũng không thể phó mặc con cho nhà nước, nhưng bắt họ chung tay, thì họ không có gì để góp cả. Quanh quẩn, cuối cùng nhà nước cũng phải đứng ra gánh.

Ra về, leo dốc, thấy nhà nước và cục ngân sách, khác chi người bộ hành leo núi, mà dốc thì trùng trùng. Một lần nữa, ngột ngạt khi thấy rằng, mấy chục năm rồi, lối ra vẫn chưa có, một lối ra thực sự chứ không phải danh hiệu, để những đứa trẻ tự tin đi học mà cha mẹ không bị như sét đánh ngang tai khi con mình không được ăn ở tại trường, bởi mình nghèo quá, không nuôi nổi, nhưng mà cổng vào thôn mình thì đỏ rực khẩu hiệu.

Bút ký của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO