Hôm qua 25.6, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh dẫn đầu có cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Duy Xuyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, quản lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2019 và một số vấn đề cử tri ở vùng Đông của huyện kiến nghị xung quanh công tác bồi thường thiệt hại, bố trí tái định cư...
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, nhờ nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh khâu xúc tiến kêu gọi đầu tư, tập trung khôi phục - phát triển các làng nghề và tích cực thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên thời gian qua lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên chuyển biến rõ nét.
“Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 11,88% so với cùng kỳ năm 2018. Mừng là nghề dệt lụa ở địa phương tiếp tục duy trì hoạt động, góp phần phục dựng lại làng nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu để phát triển du lịch” – ông Dũng nói. Trên lĩnh vực du lịch, 6 tháng đầu năm 2019 Duy Xuyên đón 215.694 lượt khách, tăng 3,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách đến Khu đền tháp Mỹ Sơn là 212.200 lượt người, tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thực tế cho thấy Duy Xuyên gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Trần Châu Giang – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây tại nhiều địa phương của huyện đã xảy ra tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng lúa hoặc suy giảm trong việc đầu tư thâm canh, dẫn đến sản lượng tụt giảm. Nguyên nhân là việc sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp, nhiều lao động nông thôn đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Trong khi đó, ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục gặp khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc kéo dài, nhất là dịch tả lợn châu Phi diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ vậy, vụ 1 năm nay nông dân Duy Xuyên thả nuôi 127ha tôm nhưng có hơn 80ha ao nuôi bị chết hàng loạt khiến sản lượng thu về chỉ đạt 118 tấn, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2019 Duy Xuyên có 237 danh mục công trình, dự án sử dụng đất với tổng diện tích hơn 1.319ha. Đến thời điểm này, huyện đã thực hiện 116,6ha (đạt 8,3% kế hoạch), đang thực hiện 716,9ha (chiếm 54,33%), chưa thực hiện 493,1ha (chiếm 37,38%). Ông Phạm Văn Sang – Trưởng phòng TN-MT Duy Xuyên cho biết, hiện nay địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Theo ông Sang, đối với nhóm đất sản xuất – kinh doanh và thương mại – dịch vụ không nằm trong các cụm công nghiệp được phê duyệt thì chủ đầu tư phải tự nhận chuyển nhượng, góp vốn, chuyển mục đích sử dụng đất do nhóm dự án này không thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất. Khi người dân không đồng ý thỏa thuận với chủ đầu tư thì chưa có hướng dẫn xử lý, gây nhiều khó khăn cho chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện. Cạnh đó, các địa phương đăng ký danh mục công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất để thực hiện chương trình nông thôn mới nhưng việc phân bổ nguồn vốn có hạn nên tỷ lệ thực hiện đạt thấp so với kế hoạch được phê duyệt...
Ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng Tài chính & kế hoạch Duy Xuyên cho rằng, hiện nay đa số doanh nghiệp quốc doanh nhà nước trên địa bàn huyện có quy mô kinh doanh nhỏ, sức cạnh tranh hạn chế, hiệu quả kinh doanh không cao nên dẫn đến số thuế thu phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt tỷ lệ thấp. Thời gian qua, tuy việc thanh tra thuế, kiểm tra và truy thu nợ đọng thuế đã được thực hiện quyết liệt nhưng số nợ thuế vẫn còn khá cao. Theo ước tính, đến cuối tháng 6.2019 tổng số nợ thuế trên toàn huyện gần 19,6 tỷ đồng, bằng 14% số thu huyện quản lý. Trong đó, số nợ thuế khó thu là hơn 11,8 tỷ đồng do nhiều doanh nghiệp nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh...
Giải quyết kiến nghị của cử tri
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Công Dũng cũng báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình giải quyết những kiến nghị của cử tri vùng Đông liên quan đến công tác bồi thường thiệt hại, bố trí tái định cư (TĐC). Theo ông Dũng, đối với 39ha đất nông nghiệp ở xã Duy Hải bị ảnh hưởng của các dự án gây ngập úng nặng, không thể sản xuất được thì thời gian qua Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà - Chu Lai đã phối hợp cùng UBND xã Duy Hải kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay còn một số lô (khoảng 1ha) chưa nhận tiền hỗ trợ do còn tranh chấp.
Đối với việc bố trí 34 lô đất TĐC cho 21 hộ dân để thực hiện dự án đường dẫn cầu Cửa Đại, ông Dũng nói qua rà soát lại thì thực tế chỉ còn 20 hộ dân. Để giải quyết dứt điểm tồn tại về bố trí TĐC cho số hộ dân nêu trên, UBND huyện Duy Xuyên đã tổ chức buổi làm việc với các ngành, địa phương và đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương bố trí TĐC cho các hộ vào khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3 (theo nguyện vọng của đa số hộ dân) và có cơ chế chính sách phù hợp về bố trí TĐC đối với các hộ phải giải tỏa, di dời.
“Đến nay, đã thực hiện bố trí TĐC cho 9 hộ dân với 13 lô đất tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3. Còn 11 hộ với 14 lô chưa được bố trí do chưa có quỹ đất. UBND huyện Duy Xuyên đang tiếp tục xin chủ trương bố trí đất TĐC đối với các hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng của các dự án khác không thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vào các khu TĐC do Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà - Chu Lai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản trả lời nên chưa thể bố trí cho các hộ dân” – ông Dũng nói.