Trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), dù gặp nhiều khó khăn, huyện Duy Xuyên vẫn từng bước vượt qua những lực cản, tạo bước phát triển mới trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tập trung cho 3 nhiệm vụ đột phá
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên nhìn nhận, trong nửa nhiệm kỳ qua, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá cả hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp đã tác động xấu đến tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Song, với quyết tâm vượt qua thách thức, Duy Xuyên gặt hái được nhiều thành quả quan trọng; trong đó, nghị quyết đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 16% và dù kết quả thực hiện chỉ đạt 10,8% nhưng đã là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19.
“Do những khó khăn khó lường phát sinh trong 3 năm qua nên một số chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 có thể khó đạt được và tiến độ một số nhiệm vụ, dự án, chương trình khả năng sẽ chậm hơn. Dẫu vậy, huyện kiên trì với mục tiêu đã đề ra, nỗ lực vượt qua thách thức, quyết liệt trong tổ chức thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển”.
(Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên)
Đáng ghi nhận, thời gian qua Duy Xuyên triển khai quyết liệt và hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Ông Nguyễn Quang Mạnh cho hay, về phát triển dịch vụ - du lịch, huyện ban hành chương trình phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030.
Trong đó, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của huyện; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo nguồn để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng dịch vụ - du lịch, các trung tâm thương mại, khu dân cư, thị trấn, chợ…
Về phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị, Duy Xuyên nỗ lực huy động, linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối giữa các vùng trong huyện và liên kết vùng.
Theo đó, tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông trọng điểm, giao thông nông thôn ĐX, ĐH theo quy hoạch. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, tiến hành xây mới cầu và đường dẫn cầu Sông Thu nối Duy Xuyên với Đại Lộc.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các dự án trong chương trình phát triển đô thị thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải; các khu dân cư đô thị - thương mại Trà Kiệu, Kiểm Lâm, Mỹ Sơn, Phú Đa và khu dân cư - thương mại trung tâm các xã… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 20.881 tỷ đồng, tăng 1,21 lần so với cùng kỳ giai đoạn 2015 - 2020.
Ông Mạnh cho biết, xác định đầu tư phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định đến việc định hướng và phát triển của huyện thời gian đến nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay Duy Xuyên tập trung triển khai nhiều giải pháp.
Bên cạnh xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Thời gian qua, huyện cũng chỉ đạo quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống trường lớp và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia.
Đến nay, Duy Xuyên có 23/46 trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng cấp độ 3. Cạnh đó, địa phương thu hút được một số y bác sĩ có chuyên môn cao về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Đồng thời hằng năm giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động” - ông Mạnh nói.
Đồng bộ các giải pháp
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của Duy Xuyên đạt 46.915 tỷ đồng. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ đạt 19.211 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm; ngành công nghiệp - xây dựng 22.894 tỷ đồng, tăng 10,6%/năm; ngành nông nghiệp 4.810 tỷ đồng, tăng 1,8%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.597,8 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh kinh tế 2.033,5 tỷ đồng; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm 23%. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,39%, giảm 0,29% so với năm 2020.
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới Duy Xuyên tập trung triển khai hiệu quả chương trình phát triển kinh tế toàn diện, tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá. Địa phương sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm gắn với thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo hướng nâng cao, quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác... tạo sự khớp nối, đồng bộ với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, Duy Xuyên sẽ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối giữa các vùng, đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn huyện thống nhất với sự phát triển chung của tỉnh.
Trong đó, tập trung hoàn thành tuyến đường tránh lũ, nối dài tuyến đường này với các xã nhằm tạo tuyến mới song song với quốc lộ 14H để thông suốt từ vùng Đông đến vùng Tây.
Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn ĐX, ĐH theo quy hoạch. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để xây mới các cầu trên quốc lộ 14H nối Cẩm Kim (Hội An) với Duy Phước, cầu Para mới và cầu Trường Giang 2 trên tuyến đường mới, cầu và đường dẫn cầu sông Thu nối Duy Xuyên với Đại Lộc.
Theo ông Cảnh, Duy Xuyên phấn đấu đến năm 2025 phát triển thêm ít nhất 3 khu thương mại - dịch vụ gắn với phát triển khu dân cư (thị trấn Nam Phước, Nồi Rang - Duy Nghĩa, Kiểm Lâm - Duy Hòa).
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển mạng lưới các đô thị; tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình phát triển đô thị thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa.
Đồng thời huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư các trung tâm thương mại - dịch vụ, mở rộng trung tâm các xã; sắp xếp, nâng cấp chợ nông thôn gắn với quản lý hoạt động thương mại - dịch vụ đi vào nền nếp. Từ đó, góp phần lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Theo lộ trình, Duy Xuyên cũng sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025, định hướng tới năm 2035.
Chú trọng khai thác tốt lợi thế dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và tiếp tục xúc tiến triển khai một số dự án du lịch đã thông qua, nhất là dự án du lịch tại vùng Đông; tăng cường liên kết với các khu, điểm, đơn vị quản lý doanh nghiệp lữ hành, hình thành các tour du lịch.
Tích cực kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ - du lịch tại Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn, khu du lịch thủy điện Duy Sơn - Hòn Tàu…
Đặc biệt, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên lĩnh vực công nghiệp ứng dụng, công nghệ tiên tiến, công nghệ số; tập trung xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp; hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng mới cụm công nghiệp Duy Nghĩa 1 và Gò Biên. Huyện cũng chủ trương khuyến khích, hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phục hồi và phát triển ngành nghề truyền thống.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Duy Xuyên tiếp tục quy hoạch, phát triển mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; đầu tư nâng cấp các hồ đập, trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu và dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng… nhằm hình thành thêm những vùng sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung.