Lao động ngành may vừa thừa vừa thiếu là thực trạng đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Duy Xuyên nói riêng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư theo chủ trương của tỉnh. Trong nhiều giải pháp tháo gỡ, Duy Xuyên đã chọn việc vận động doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động người con quê hương có tay nghề cao về với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhiều lao động có tay nghề đang làm việc ổn định tại Công ty TNHH một thành viên Huỳnh Gia. |
Chưa đáp ứng nhu cầu
Từ chỗ bỡ ngỡ, thiếu tự tin nay chị Hồ Thị Hiền Tín - công nhân may của Công ty TNHH một thành viên Huỳnh Gia (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) có thể đảm nhiệm nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất. Chị tâm sự: “Trước khi vào may tại công ty này tôi chưa hề qua một lớp dạy cắt may của tư nhân, hoặc có chứng chỉ nghề của bất cứ cơ sở dạy nghề nào. Nhưng nay tôi có thể hoàn thành tất cả các công đoạn do kỹ thuật của công ty yêu cầu”. Tay nghề vững vàng, đó là niềm vui lớn, đồng thời giúp chị Tín đạt năng suất lao động không thua kém bất cứ công nhân nào trong công ty. Hiện nay, chị thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Đây là kết quả của việc Công ty TNHH một thành viên Huỳnh Gia tự tuyển và trực tiếp dạy nghề cho những lao động phổ thông tại địa phương.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, riêng ngành may mặc đã có 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với tổng số vốn hơn 500 tỷ đồng. Trong đó đặc biệt có 3 công ty lớn của nước ngoài gồm Công ty Sedo - Vinako (Hàn Quốc), Tập đoàn May Hi-Tech (Thái Lan) và Công ty May Kết Đoàn (Tây Ban Nha). Các doanh nghiệp ngành may mặc trong nước và nước ngoài nêu trên bước đầu giải quyết việc làm cho hơn 4.200 lao động tại địa phương và địa bàn lân cận. Khả năng trong năm 2014 và những năm tiếp theo, các công ty may sẽ giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động. |
Những năm qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc thu hút đầu tư của huyện Duy Xuyên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với sự chủ động, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và tỉnh, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các cụm công nghiệp, quy hoạch, tu sửa nâng cấp các tuyến giao thông nên Duy Xuyên đã thu hút không ít các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên khó khăn lớn đối với huyện là lực lượng lao động cho ngành may vừa thiếu vừa không có tay nghề cao. Nếu không giải quyết kịp thời, triệt để sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc mời gọi đầu tư nói chung và ngành may nói riêng. Trước hết là thực trạng lực lượng lao động tại địa phương chưa có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, trước đây trên cơ sở cơ chế ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp, huyện phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo nghề may. Tuy nhiên, những lao động sau khi được học lại không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là giáo án của các cơ sở dạy nghề còn xa với thực tế, người học thực hành trên các loại máy cũ kỹ… Bởi vậy, khi vào các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp lại tốn công đào tạo lại một lần nữa gây lãng phí tiền của, thời gian của doanh nghiệp, người lao động và cả Nhà nước. Từ thực tế này, năm 2013 huyện Duy Xuyên mạnh dạn chuyển tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề.
Giao doanh nghiệp dạy nghề
Ông Phan Hộ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết, huyện đã chọn Công ty TNHH một thành viên Huỳnh Gia là doanh nghiệp may đầu tiên của huyện thực hiện thí điểm việc đứng ra phối hợp với huyện trong công tác tuyển dụng và trực tiếp đào tạo nghề. Còn ông Huỳnh Tấn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huỳnh Gia thì nhận xét: “Việc công ty đứng ra dạy nghề đã giúp doanh nghiệp bớt tốn kém thời gian, kinh phí đào tạo lại. Trong lúc đó, với những giáo án sát với yêu cầu kỹ thuật và được thực hành ngay trên các loại máy mới do chính doanh nghiệp trang bị sản xuất nên người học nghề qua một thời gian ngắn có thể tự tin bắt tay ngay vào công việc”.
Hiện nay các doanh nghiệp ngành may mặc đã tham gia giải quyết việc làm cho hơn 4.200 lao động tại huyện Duy Xuyên và vùng lân cận . Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tới 10.000 lao động. Như vậy, các doanh nghiệp hiện tại còn cần tới 6.000 lao động. Đây là những lo lắng của phần lớn các doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Điển hình như Công ty Sedo – Vinako Hàn Quốc đầu tư hơn 250 tỷ đồng, xây dựng cơ sở sản xuất 8ha tại xã Duy Trinh đang cần 3.000 lao động nhưng nay mới chỉ tuyển được hơn 1.400 lao động. Trước khó khăn này, huyện Duy Xuyên tiếp tục có nhiều chủ trương tuyên truyền vận động để mời gọi lực lượng lao động có tay nghề cao đã và đang làm ở các thành phố lớn trở về sản xuất tại địa phương. Trong đó, đặc biệt là việc thông báo về thu nhập và các cơ chế chính sách ưu đãi khác. Ông Phan Hộ cho biết: “Đến cuối tháng 2.2014, huyện đã kêu gọi được khoảng 1.000 lao động ngành may lâu nay làm việc ở các thành phố lớn ở lại địa phương, vừa góp phần cho các doanh nghiệp bớt căng thẳng do thiếu lao động có tay nghề, vừa giúp người lao động “ly nông bất ly hương”.
HUỲNH BẢY