Duyên nợ... thơ và nhạc

PHAN VĂN MINH 12/02/2017 07:56

Trong nền tân nhạc Việt Nam, có lẽ ca khúc  đầu tiên được phổ từ thơ là bài Màu thời gian, thơ Đoàn Phú Tứ (1940) - nhạc Nguyễn Xuân Khoát (1942). Đến thời tiền chiến và kể cả thời chiến tranh chống Pháp, không nhiều lắm những bài thơ được phổ nhạc. Chỉ có thể kể ra khoảng trên dưới mười bài mà hầu hết là thơ của Nguyễn Bính: Cô lái đò - thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc (1942); Tiểu đoàn ba lẻ bảy - thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí (1950)... Hầu hết nhạc sĩ trong thời kỳ này như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Lê Thương... đều có khả năng viết phần lời cho ca khúc của mình, mà viết rất hay, vừa đáp ứng được tiêu chuẩn mỹ học của nghệ thuật ngôn từ vừa hòa quyện với hình tượng âm nhạc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong giai đoạn 1954 - 1975, ở miền Nam nổi bật lên 2 “chuyên gia” phổ thơ là Phan Huỳnh Điểu và Phạm Duy. Từ khi vào chiến trường, tên tuổi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngày càng được khẳng định với những ca khúc phổ thơ có chủ đề chiến tranh, như: Tình yêu (Tựa đề bài hát là Cuộc đời vẫn đẹp sao)  – thơ Dương Hương Ly (1971); Bóng cây Kơ-nia – thơ Ngọc Anh (1971); Ngày và đêm – thơ Bùi Công Minh (1972)... Tuy nhiên, ca khúc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu thực sự có sức lan tỏa sâu rộng hơn cả là những tác phẩm viết sau năm 1975 với những bài thơ tình của Hoài Vũ, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Diệp Minh Tuyền, Xuân Diệu... Tất cả đã đóng góp gần một nửa (khoảng 50 bài) vào gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ được tôn vinh là “Con chim vàng của ca khúc Việt”.

Trong khi đó, hầu như phần lớn tác phẩm làm nên tên tuổi của Phạm Duy đều có nguồn gốc từ thơ. Thơ của các tác giả mà ông dùng phổ nhạc thuộc đủ mọi tầm vóc, mọi không gian: Có thơ của những “đại thụ thơ” đang ở miền Bắc như Lưu Trọng Lư (Tiếng thu, Hoa rụng ven sông, Vần thơ sầu rụng... - 1958); có thơ của những cây bút trẻ ở miền Nam như Vũ Hữu Định (Còn chút gì để nhớ - 1972), Nguyễn Tất Nhiên (Thà như giọt mưa, Em hiền như Ma sœur... - 1973); có thơ dịch từ nước ngoài như Mùa thu chết (Thơ Apollinaire - 1970), Thu ca điệu ru đơn (Thơ Verlaine - 1971). Lại có những nhà thơ được Phạm Duy phổ hàng série bài như Phạm Thiên Thư (Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Ngày xưa Hoàng Thị, 10 bài Đạo Ca...); Cung Trầm Tưởng (5 bài), Hàn Mặc Tử (9 bài), Nguyễn Du (25 bài minh họa Truyện Kiều)... Có thể nói, trong khoảng 300 ca khúc phổ thơ, Phạm Duy đã “điểm danh” hầu hết đại diện thơ của Việt Nam ở các thời kỳ. Tuy nhiên, ông vẫn có những ca khúc rất nổi tiếng, lời rất đẹp mà không phải “bén duyên” cùng thơ, như Bên cầu biên giới, Hẹn hò, Nghìn trùng xa cách...

Ngược lại, trong giới nhạc sĩ Việt Nam lại có những người ít chịu “hôn phối” với thơ người khác. Trịnh Công Sơn, trong suốt cả hành trình sáng tác của mình, hình như ông chỉ có một ca khúc phổ thơ là bài Cuối cùng cho một tình yêu, thơ Trịnh Cung. Cũng vậy đối với các nhạc sĩ “gạo cội” đương đại khác như Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương. Nhìn sang các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, dường như việc phổ thơ thành ca khúc cũng rất hiếm hoi, từ những bản Romance của Schubert, Schumann, Chopin, Strauss... thuộc thời kỳ lãng mạn cho đến những ca khúc thuộc dòng nhạc rock của The Beatles, ABBA hay của các ông vua, bà hoàng nhạc pop Michael Jackson, Madonna... đều không có nguồn gốc thơ. Có lẽ bài hát nước ngoài phổ thơ đầu tiên mà chúng ta được nghe là bài Quốc tế ca (L’Internationale - Thơ Eugène Pottier - 1870, nhạc Pierre Degeyter  - 1888).

So với thơ, âm nhạc có ưu thế hơn về mặt truyền thông. Do đó nhiều bài thơ, và cả nhà thơ, nhờ được phổ nhạc mà có được tiếng tăm và đọng lại dài lâu trong ký ức công chúng. Nếu không được chắp thêm đôi cánh của âm nhạc, chưa chắc những bài thơ như Bóng cây Kơ - nia của Ngọc Anh, Còn chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định, Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư... được truyền tải đến người nghe nhiều đến thế. Tuy nhiên, ưu thế này nhiều khi đã bị lạm dụng một cách vô tội vạ. Gần đây, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ “đạo thơ” làm ca. “Ông nhạc” đọc sách báo, thấy có bài thơ hay là xem như “của chùa”, cứ đem ra phổ, ghi “nhạc và lời” là của mình rồi ung dung công bố, nếu có tiền bản quyền thì “ẵm” trọn. Nhà thơ nếu có nổi giận, muốn gọi “ông nhạc”... mắng vài câu thì cũng chưa biết tìm ổng ở đâu(!). Ngoài ra, chuyện “ăn quả quên kẻ trồng cây” này không chỉ có ở những “ông nhạc” vong ân, thiếu tư cách. Các ca sĩ, các nhà tổ chức biểu diễn, và ngay cả khán thính giả cũng không mấy người chịu nhớ đến “người thơ”. Cho nên sự vinh danh chỉ một mình “ông nhạc” được hưởng mà nhiều khi ông chẳng đủ ý tưởng và vốn liếng văn học để sáng tạo nên một ca khúc trọn vẹn.

Nói cho công bằng, trong một ca khúc phổ thơ thì công lao của âm nhạc chỉ nằm ở hàng thứ cấp. Bởi để viết được một bài thơ hay, điều đầu tiên là nhà thơ phải sống trong không gian - thời gian của nó, mà nhiều khi rất nhọc nhằn, rất đớn đau về cả tâm hồn lẫn thể xác. Tiếp đó là sự trầm tích của xúc cảm, sự thăng hoa của ý tưởng mà ta thường gọi là tứ thơ. Cuối cùng là việc chắt lọc vốn liếng ngôn từ để diễn đạt các ý tưởng thành bài thơ. Còn công việc của nhạc sĩ sau đó chỉ là phối trí bài thơ thành khúc thức, dựa vào thanh điệu của lời thơ mà tạo nên giai điệu âm nhạc bằng học thuật và kinh nghiệm của mình. Cũng có thể có sự lan tỏa cảm xúc nhưng không nhiều, bởi cái không gian - thời gian cụ thể đã qua rồi. Cũng có thể có sự điều chỉnh về cấu trúc, về ca từ để tương thích với giai điệu theo những mức độ đậm nhạt khác nhau. Căn cứ vào đó, các nhạc sĩ biết tự trọng sẽ ghi là Thơ..., Phỏng thơ..., Phỏng ý thơ..., Cảm đề thơ... Nếu không, cuộc “hôn phối” giữa thơ và nhạc sẽ là hành động... cưỡng bức, vừa phạm luật vừa thiếu đạo đức nghề nghiệp.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên nợ... thơ và nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO