Anh Huỳnh Quang Long, đang làm ở Công ty CP May Hiệp Đức (Quảng Nam) chỉ ăn bữa trưa với 7.000 đồng. Hẳn anh Long sẽ khó hình dung lúc này có cô em đang ngồi thưởng thức bát phở bò Kobe (Nhật) ở Sài Gòn với giá đến 600.000 đồng; và nàng tiểu thư Hà Thành đang nhấm nháp bát phở bò Wagyu (Úc) 450.000 đồng.
Biết là có tiền thì người ta ăn gì tùy thích. Một đại gia không tìm được phở bò Kobe chính hiệu thì săn lùng cua Huỳnh Đế để nhâm nhi, dù có con đắt đến 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, chị Đặng Thị Thu Hạnh, cũng ở công ty may nọ trên Hiệp Đức, làm cật lực cả tháng nhưng lương chừng 1,6 triệu đồng, chắc chị Hạnh phải tìm mấy con rạm đồng nấu bát canh ăn qua bữa.
Đúng là xa xôi quá một sự so sánh!
So sánh thế nào được khi chuyện ăn uống, tiêu dùng tùy thuộc vào túi tiền, thu nhập. Ở TP. Hồ Chí Minh, GDP bình quân đầu người năm 2013 đã tới khoảng 4,5 ngàn USD (gần 90 triệu đồng); thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt khoảng 52,3 triệu đồng, còn Quảng Nam chỉ chừng 21 triệu đồng. Người giàu ở hai đầu đất nước cũng nhiều hơn, trong khi còn rất nhiều người nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, tỉnh lẻ. Khoảng cách giàu nghèo dãn rộng ra thêm khi cơ hội tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cải thiện mức sống của cộng đồng dân cư ở tỉnh nghèo như Quảng Nam khó khăn hơn nhiều.
Em ngồi xa anh quá, vì xuất điểm em quá thấp, quá nghèo là phải rồi. Còn tương lai thì sao? TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt GDP đầu người khoảng 4.800USD (tương đương 100 triệu đồng) vào năm 2015. Ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2015 đạt 3.200 – 3.500USD, đến năm 2020 đạt 5.500USD. Trong khi đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) thì đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt GDP bình quân đầu người khoảng 80 triệu đồng, tương đương 3.600 USD. Như thế, phấn đấu cật lực 5 năm nữa, ở một đoạn “khúc ruột” miền Trung chỉ bằng với mức của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện nay và còn thua xa TP. Hồ Chí Minh.
Người ta thường nói “mọi sự so sánh đều khập khiểng”. Càng khập khiểng hơn nếu việc so sánh không xuất phát từ cái nền bằng nhau. Nhưng nếu không so thì sao biết mình đang đứng ở đâu, ở tầm mức nào để mà phấn đấu cho tiến bộ? Từ một nền kinh tế nghèo nàn, thu ngân sách trên địa bàn thấp, ở mức 157 tỷ đồng (1997), hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ trung ương, đến nay tổng thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam hơn 6.790 tỷ đồng (10 tháng đầu năm 2014), gấp hơn 43 lần năm 1997; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 10 lần, từ 2,1 triệu đồng năm 1997 nay đạt khoảng 21,5 triệu đồng. Đó là những nỗ lực lớn nhưng mức sống, thu nhập dân cư ở Quảng Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều tỉnh thành trong nước.
Khoảng cách chi tiêu từ bữa cơm đến một bát phở, từ con cua “vua” đến con rạm đồng, so sánh cách nhau cả trăm lần là cả niềm thao thức…
NGUYỄN ĐIỆN NAM