[eMagazine] - Khi người lính rời quân ngũ

26/07/2022 16:45

(QNO) - Bước qua lằn ranh sinh tử của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, những cựu chiến binh trở về cuộc sống đời thường với nhiều phần thương tật trong cơ thể nhưng phẩm chất người bộ đội Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong họ. Hầu hết các cựu chiến binh, thương binh đều có cách vượt lên bệnh tật, chọn cách sống có ích cho mình và đồng đội, xã hội, không chỉ nỗ lực bước qua bệnh tật mà còn biết cách làm giàu, giúp ích cho mọi người… 

 
 

Vết tích những năm tháng tham gia chiến trường Campuchia vẫn hằn in trên thân thể ông Võ Văn Đến (xã Quế Mỹ, Quế Sơn). Ông Đến là thương binh nặng với tỷ lệ thương tận đến 81%, cuộc sống mấy mươi năm gắn với chiếc chân giả và bước đi khập khễnh khó nhọc. Những ngày trái gió trở trời, ông phải “chiến đấu” với bệnh tật trên chiếc giường nhỏ quen thuộc.

 

Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam là mái nhà của ông Đến - nơi đã ông nằm điều trị suốt thời gian dài phục hồi thương tích. Và nơi này cũng thật đặc biệt khi ông tìm thấy một nửa của đời mình. Chính vậy, dù đã có mái ấm riêng nhưng phần lớn thời gian ông Đến đều dành hết cho trung tâm, cùng đồng đội mình.

 

Uy tín, trách nhiệm và hết lòng vì đồng đội là niềm tin mà mọi người dành cho ông Đến, xem ông như một người "quản gia" của mình. Là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam (thuộc Hội Người cao tuổi phường Thanh Hà, TP.Hội An), ông Võ Văn Đến ngày ngày tâm sự, trò chuyện nắm bắt tâm tư mỗi thành viên trong chi hội, sau đó phản hồi với lãnh đạo trung tâm giải đáp, xử lý kịp thời.

“Ngoài việc làm cầu nối chuyển tải những tâm tư, mong muốn của mọi người về chế độ ăn uống, khám chữa bệnh… đến lãnh đạo trung tâm thì tôi còn kiêm luôn vai chăm sóc về mặt tinh thần cho các cụ, động viên các cụ làm theo hướng dẫn của y tá, hộ lý để sức khỏe tiến triển hơn. Tôi cùng độ tuổi, cũng trải qua năm tháng kháng chiến và mang bệnh trong người nên dễ thấu hiểu, đồng cảm với các cụ.

Tôi đề ra các chương trình dưỡng sinh buổi sáng, động viên các cụ tham gia tập luyện. Hàng tuần thì tổ chức các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các cụ. Ngoài ra, các dịp Ngày người cao tuổi, lễ, tết hay các dịp mừng thọ từng cụ đều có tổ chức sự kiện, giúp các cụ có thêm niềm vui, vơi nỗi nhớ nhà” – ông Đến nói.

 

Với một số cụ tuổi cao, không còn minh mẫn, không người thân thích thì các khoản thu nhập, chế độ chính sách sẽ không kiểm soát được nên ông Đến chịu trách nhiệm làm việc với trung tâm, ghi chép đầy đủ. Sau khi trừ chi phí hằng tháng, các khoản còn lại ông Đến giúp các cụ gửi vào ngân hàng. Ông tâm niệm trách nhiệm với những đồng đội là đảm bảo quyền lợi tốt nhất, yên tâm sống vui, sống thọ trong mái nhà chung đầm ấm này trong những tháng ngày cuối đời.

[VIDEO] – Hầu hết thời gian, ông Võ Văn Đến dành cho những đồng đội ở trung tâm

 

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều gia đình vẫn còn đau đáu khi hài cốt của con em chưa được tìm thấy, chưa được về quê hương yên nghỉ. Thấu hiểu tâm tư của thân nhân các liệt sĩ, tôi quyết dành thời gian còn lại của đời mình để tìm đồng đội, đưa họ về quê hương” - Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên bộc bạch.

Đại tá Ngọc cẩn thận cho chúng tôi xem những vật dụng cá nhân mà ông đã xếp ngăn nắp vào ba lô, sẵn sàng cho hành trình đưa các liệt sĩ Võ Năm (xã Duy Thành, Duy Xuyên) và liệt sĩ Bùi Tấn Tuất (xã Bình Sa, Thăng Bình) về quê.

 

Địa chỉ những người linh nằm lại lần này là nghĩa trang Đăk Đoa (Gia Lai) và Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), thân nhân họ đang rất nóng lòng và mong ông lên đường ngay.

“Để đảm bảo thông tin các liệt sĩ, tôi đã đến xã Bình Sa, Duy Thành và Sở LĐ-TBXH, phối hợp với thân nhân và các địa phương làm các thủ tục pháp lý trước khi đưa liệt sĩ về quê” – đại tá Ngọc nói.

Dù bị bệnh đau mắt và huyết áp cao hành hạ, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc vẫn nén đau lên đường. Sau gần 3 ngày đêm, khoảng 14 giờ ngày 12.7, chuyến xe thầm lặng của đại tá Quang và các cộng sự đã đưa hai liệt sĩ Võ Năm (xã Duy Thành, Duy Xuyên) và liệt sĩ Bùi Tấn Tuất (xã Bình Sa, Thăng Bình) về với đất mẹ quê hương sau mấy mươi năm nơi đất khách trong niềm xúc động khôn xiết của thân nhân họ.

 

Từ tháng 7.2016 đến nay, đại tá Nguyễn Quang Ngọc đã tham gia cùng Ban liên lạc Trung đoàn 96 đưa 300 hài cốt liệt sĩ tỉnh Quảng Nam và các tỉnh bạn về quê hương. Cũng những năm qua, ông còn tích cực đến các nghĩa trang trong cả nước để thu thập dữ liệu đồng đội đã hi sinh để hỗ trợ cho thân nhân liệt sĩ.

Cạnh đó, ông còn phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 96 vận động xã hội hóa hỗ trợ, xây dựng được 12 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình khó khăn. Xây dựng được 4 điểm, cơ sở vật chất trường mầm non ở huyện Tây Giang.

 

Hằng năm, đại tá Ngọc còn đi vận động hỗ trợ và gửi quà tặng hàng trăm suất quà đến với người dân khó khăn ở huyện Tây Giang. Ông hiện còn vận động, nuôi đỡ đầu 2 cháu học sinh lớp 1 và lớp 7 ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên) có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng đến khi học hết lớp 12.

 

Năm 1987 khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đoàn Như (thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, Phú Ninh) lên đường nhập ngũ và nhận nhiệm vụ tại mặt trận biên giới phía Nam. Trong một lần tuần tra, trinh sát ông Đoàn Như trúng mìn của quân địch và mất đi 1/3 chân phải. Ông phục viên với mức thương tật hạng ¼, cơ thể thường đau nhức vì vết thương hành hạ và lúc trái gió trở trời.

Trở về nhà với phần cơ thể không lành lặn, nỗi đau thể xác không ít lần khiến ông Như nhụt chí, buông tay. Song với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ không cam chịu nghịch cảnh và đói nghèo, thương binh Đoàn Như đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nhiều nơi trong và ngoài huyện. Ông rất quan tâm các mô hình làm kinh tế của các đồng đội, những tấm gương điển hình được giới thiệu trên truyền hình, trên tạp chí cựu chiến binh...

 

“Biết mình không có vốn nhưng bù lại có đất đai, tôi xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi, làm vườn, ao cá... Từ những năm 1995, cả gia đình dành hết sức cải tạo đất đồi và vườn tạp trồng chuối, trồng cỏ, lập gia trại chăn nuôi” – cựu chiến binh Đoàn Như kể chuyện.

Và đất không phụ lòng người. Gia đinh người cựu chiến binh này dần trở nên khấm khá, vượt qua đói nghèo. Đặc biệt, từ năm 2000 tới nay ông Như đã đầu tư mạnh vào chăn nuôi lợn, trâu và gà thả vườn, hoàn chỉnh mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, thu lãi mỗi năm trên 120 triệu đồng.

 

 [VIDEO] - Mô hình kinh tế của thương binh Đoàn Như

Không chỉ sản xuất giỏi, cựu chiến binh Đoàn Như còn là gương thương binh gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong thôn vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Dương Văn Thịnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Vinh nhận xét: “Thương binh Đoàn Như là một trong những gương cựu chiến binh, thương binh điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí còn là người luôn gương mẫu trong các phong trào chung của hội, của địa phương như đóng góp tiền làm đường bê tông nông thôn, giúp đỡ đồng chí, đồng đội gặp hoạn nạn, khó khăn; ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19….

Từ đó, đồng chí Như luôn được anh em đồng chí, đồng đội cũng như nhân dân tin yêu, quý mến. Cũng từ mô hình điển hình của thương binh Đoàn Như và một số hội viên khác, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Tam Vinh đã tuyên truyền, vận động hội viên làm theo.”

 

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Phẫn (51 tuổi, thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) từng là người lính cầm súng bảo vệ biển suốt những năm 1989 – 1992 nên ông càng thấm thía thêm cái giá của hòa bình. Vì vậy, khi trở về định cư tại thôn Phú Bình (xã Tam Phú) ông quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu từ chính ý chí, kinh nghiệm mà ông đã được rèn dũa thời còn trẻ.

 

Lâu nay, hầu hết người dân xã Tam Phú chỉ gắn bó với cây lúa và dù đã tích cực trong việc đâu tư chọn giống, chăm sóc nhưng vẫn không mang lại hiệu quả cao. Vậy là ông quyết định tìm tòi loại cây phù hợp với đất Tam Phú. Ông chọn thử nghiệm trồng 100 gốc bưởi da xanh ruột hồng. Thấy loại cây trái này phát triển và cho thu nhập tốt ông mở rộng quy mô lên 1ha.

Bằng sự siêng năng cần cù, ham học hỏi, ông Phẫn dần dà rút ra bài học kinh nghiệm, tự tay ông làm nên hệ thống tưới tiêu nhằm giảm công chăm sóc và hạn chế chi phí nhân công. Ông Phẫn chia sẻ, sau hơn 3 năm đổ công trồng, chăm sóc, vườn bưởi của ông có thể thu được 10 tấn bưởi mỗi năm.

 

Với ông Nguyễn Ngọc Phẫn, tuổi thanh xuân của ông đã cống hiến cho Tổ quốc là quá khứ rất đỗi tự hào, còn hôm nay, dù tuổi đã nhiều nhưng ông vẫn còn sức lao động, vườn bưởi của người cựu chiến binh này mùa nào cũng trĩu quả như minh chứng cho bản lĩnh của người lính Cụ Hồ dám nghĩ dám làm và làm điều có ích cho quê hương và bản thân mình.

Tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Phẫn năng nổ, gương mẫu đã trở thành động lực cho rất nhiều hộ dân địa phương trong việc thay đổi về tư duy làm kinh tế để cải thiện thu nhập của gia đình để cuộc sống trở khấm khá, ổn định hơn.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Khi người lính rời quân ngũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO