[eMagazine] - Quảng Nam trong mùa thu cách mạng

LÊ AN - THÀNH TRÍ 19/08/2022 09:06

(QNO) - Ngày 28.3.1930, Đảng bộ Quảng Nam được thành lập. Đây là sự kiện đánh dấu mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Nam dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thông cáo thành lập Đảng bộ nêu rõ: “… chúng tôi, những người trong Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”.

Với sứ mệnh tranh đấu “bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”, sau 15 năm thành lập, dù là một Đảng bộ còn non trẻ, số lượng đảng viên ít, nhưng với sự nhạy bén, linh hoạt, kịp thời chớp thời cơ, Đảng bộ Quảng Nam đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu cách mạng năm 1945, đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh thành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

 
 

Sau khi quân Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm toàn cõi Đông Dương, tại Quảng Nam, toàn bộ quân Pháp bị Nhật tước vũ khí bắt giam trong đêm 9.3.1945. Nhân lúc Nhật đảo chính Pháp, ta phát động phong trào quần chúng đấu tranh phối hợp với phong trào đấu tranh của tù chính trị đòi trả tự do. Một số anh em vượt ngục, có nơi nổi dậy phá nhà giam thoát tù về địa phương, lực lượng này được bổ sung ngay vào đội ngũ kiện toàn hệ thống lãnh đạo các cấp.

 
Địa điểm Cây Thông Một (xã Cẩm Hà, nay là phường Tân An, TP.Hội An), nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam (28.3.1930). Ảnh tư liệu

Giữa tháng 3.1945, Tỉnh uỷ Quảng Nam và Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổ chức hội nghị liên tỉnh tại Hóc Cỏ (nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành), phân tích những nguyên nhân Nhật đảo chính Pháp, vạch rõ những thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp rất nguy hiểm của phát xít Nhật. Hội nghị quyết định phối hợp hoạt động, đẩy phong trào hai tỉnh lên nhanh để kịp thời cơ khởi nghĩa. Đồng thời cử cán bộ đi bắt liên lạc với Trung ương, với các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc để cùng nhau phối hợp hành động cách mạng.

Các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (28.3.1930 - 28.3.1980). Ảnh tư liệu
Các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (28.3.1930 - 28.3.1980). Ảnh tư liệu

Trước tình hình phong trào cách mạng có sự phát triển mau lẹ, tháng 4.1945, cơ quan Tỉnh uỷ từ Tam Kỳ chuyển ra Bà Rén, đứng chân tại nhà ông Nguyễn Sang (Cửu Sang), làng Dưỡng Mông nay thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn.

Tại đình làng Dưỡng Mông, Tỉnh ủy liên lạc được với Trung ương Đảng và nhận được một số tài liệu của Trung ương đưa vào. Quan trọng nhất là bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12.3.1945.

Trong bản chỉ thị này Trung ương chủ trương thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp” trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và dự kiến các khả năng có thể làm cho cuộc khởi nghĩa của ta nổ ra giành thắng lợi. Trung ương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ trong cả nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đây là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, giúp cho các địa phương nhận thức để chủ động trong mọi tình huống thời cơ có thể xảy ra. 
Đình Làng Dưỡng Mông - nơi cơ quan Tỉnh ủy nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta“. Ảnh tư liệu
Đình Làng Dưỡng Mông - nơi cơ quan Tỉnh ủy nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta“. Ảnh tư liệu

 

Trên cơ sở nắm vững quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy Quảng Nam đã kịp thời đề ra chủ trương đấu tranh thích hợp, nhanh chóng xây dựng lực lượng chuẩn bị chớp thời cơ khởi nghĩa. Trong tháng 5.1945, Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (nay thuộc thôn Vân Ly, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn). Hội nghị chủ trương đẩy mạnh xây dựng khu căn cứ cách mạng từ Duy Xuyên - Quế Sơn - Giằng. Chú trọng đẩy nhanh việc móc nối xây dựng cơ sở trong thành phố Đà Nẵng, vùng xung yếu, vùng núi. Tổ chức đón tiếp tù chính trị trở về bố trí tham gia công tác và liên lạc với các nhà tù để tìm cách đưa cán bộ ra hoạt động.

Để nhanh chóng phát triển lực lượng và các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 6.1945, Tỉnh ủy họp mở rộng tại nhà ông Cả Đáng (Lê Đạt), làng Thọ Khương, phủ Tam Kỳ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh sử dụng hình thức mít tinh tuyên truyền xung phong các lễ hội hợp pháp của quần chúng để phát động quần chúng, nhanh chóng phát triển đội tự vệ vũ trang cơ sở, xây dựng đội du kích Vũ Hùng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh - tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam ngày nay.  

 

Ở Quảng Nam, những ngày đầu tháng 8.1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.

Trước tình thế đó, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ung Tòng (Ung Bá Tòng - tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, phủ Tam Kỳ nay là thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2) vào ngày 12 và 13.8.1945 bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13.8.1945, từ Đà Nẵng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng Minh”.

Nhờ quán triệt Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương về các khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Nguyễn Đình Chiến - thôn Khương Mỹ nay thuộc xã Tam Xuân 1) đêm 13 và ngày 14.8.1945. Hội nghị Tỉnh ủy đã chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định:

- Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.

- Chuyển tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

- Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí. Bộ phận Thường trực Ủy ban Bạo động giành chính quyền gồm 5 đồng chí: Trần Văn Quế, Trưởng ban; Nguyễn Thúy, phụ trách tại cơ quan Thường trực tại Bà Rén; Lê Thanh Hải phụ trách Tam Kỳ; Võ Toàn phụ trách Hội An; Nguyễn Xuân Nhĩ phụ trách Hòa Vang. 

Hội nghị nhanh chóng kết thúc vào chiều ngày 14.8.1945. Các đồng chí dự hội nghị toả về địa phương triển khai cấp tốc kế hoạch.

Vào tối 14.8.1945, cơ quan Thường trực của Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động tỉnh từ Bà Rén chuyển ra Bích Trâm nay thuộc xã Điện Hòa, Điện Bàn để chỉ đạo khởi nghĩa.

Ngay trong đêm, hàng loạt các chỉ thị hoả tốc của Thường trực Ủy ban bạo động gửi đi các phủ, huyện hướng dẫn và đôn đốc chuẩn bị hành động. Theo kế hoạch dự kiến của tỉnh, sẽ tiến hành giành chính quyền phủ, huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An...

Trong khi đó, từ đêm 13.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương đã ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc (lúc này Quảng Nam chưa nhận được) làm cho chủ trương khởi nghĩa của Tỉnh ủy Quảng Nam kịp thời và phù hợp với mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương.

Sáng 17.8.1945, Ủy ban bạo động Hội An họp tại xóm Ngọc Thành, làng Kim Bồng thì đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nễ vừa ở tỉnh về cùng dự họp. Khi thấy thời cơ cách mạng chín muồi, đồng chí Võ Toàn đã thống nhất chủ trương của Ủy ban bạo động Hội An và nhanh chóng báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban bạo động tỉnh cho phép Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 17, sáng ngày 18.8.1945.

Đồng chí Võ Chí Công - Thường trực Ủy ban bạo động giành chính quyền Quảng Nam năm 1945. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Chí Công - Thường trực Ủy ban bạo động giành chính quyền Quảng Nam năm 1945. Ảnh tư liệu

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Văn Ưng báo cáo tình hình, Thường trực Ban bạo động tỉnh quyết định đồng ý và ra mệnh lệnh cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hội An trong đêm 17 rạng ngày 18.8.1945. Đồng thời ra mệnh lệnh cho Ủy ban bạo động khởi nghĩa các phủ, huyện huy động quần chúng vũ trang khởi nghĩa xuống đường biểu tình thị uy, bao vây giành chính quyền ở các phủ, huyện cùng với Hội An trong ngày 18.8 sau đó tỏa về thành lập chính quyền ở các tổng, xã.

Ngay trong đêm 17.8, Thường trực Ban bạo động tỉnh phân công các đồng chí trong Ban Thường trực của tỉnh đi phổ biến và chỉ đạo kịp thời các phủ, huyện toàn văn mệnh lệnh như sau:

Các cấp bộ Việt Minh!

Toàn thể đồng bào ái quốc!

Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng - Minh, giặc Nhật - Pháp ở Đông Dương sắp bị tước vũ khí, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và bọn Việt - gian phản quốc cũng như Bảo - An - Binh hoang mang rệu rã. Ủy ban dân tộc Giải - phóng và Tổng - bộ Việt - Minh đã ban hành mệnh lệnh Tổng - khởi - nghĩa, đồng bào ái - quốc đã võ - trang bạo động khắp nơi; đội quân cách mạng đang tiến vào Hà Nội, Huế, Sài Gòn để giành chính quyền về tay nhân dân.

Vận mệnh lịch sử của cả dân tộc ta ngàn năm có một, toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến - sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt - Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy hy sinh vì Tổ quốc xông vào chiếm lĩnh Toà Công - sứ, Tỉnh - đường, các phủ huyện đường, các đồn - binh, công - thự… bắt bọn bù nhìn tay sai và bảo - an - binh đầu hàng nộp khí giới cho cách mạng, diệt trừ bọn Việt - gian phản quốc, giành toàn thắng về tay nhân dân.

Hỡi đồng bào yêu nước hãy dũng cảm tiến lên!

Đánh đổ phát xít Nhật - Pháp!

Đánh đổ bù nhìn tay sai!

Giành chính quyền về tay nhân dân!

Việt Nam hoàn toàn độc lập! 

Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu của Ngô Văn Minh
Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu của Ngô Văn Minh

Đồng thời, chỉ thị cho các phủ, huyện Điện Bàn, Tam Kỳ, Đại Lộc có kế hoạch ngăn chặn không cho quân Nhật ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Tân (Đại Lộc) đưa quân đi cứu viện bọn tay sai. Chỉ đạo Hội An sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi đưa vũ khí, tài liệu, tiền bạc... thu được về chiến khu Duy Xuyên, đề phòng sự phản kích của địch.

 

Được sự thống nhất của tỉnh, ngay trong đêm 17.8 kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An đã được thông qua và triển khai.

3 giờ sáng ngày 18.8.1945 lệnh xuất quân phát ra. Đoàn quân khởi nghĩa đến đâu hô vang khẩu hiệu, phất cờ, kêu gọi quần chúng hưởng ứng tiếp tục gia nhập đoàn quân đến đó.

Nhân dân Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ngày 18.8.1945. Ảnh tư liệu
Nhân dân Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ngày 18.8.1945. Ảnh tư liệu

Đoàn quân khởi nghĩa nhanh chóng kéo lên bao vây Toà tỉnh đường.

Tỉnh trưởng Tôn Thất Gián run sợ giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách cho cách mạng. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền thắng lợi khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên.

Lúc 6 giờ ngày 18.8.1945, một cuộc mít tinh lớn tràn ngập quần chúng cả trong và ngoài hàng rào của Tòa tỉnh đường, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền Hội An và toàn tỉnh Quảng Nam đã về tay nhân dân, kêu gọi nhân dân toàn thị xã ra sức bảo vệ, xây dựng chính quyền của mình, kêu gọi quần chúng tiếp tục làm việc cho chính quyền cách mạng và đọc 10 chính sách của Việt Minh.

Sau khi chiếm tỉnh lỵ, Ủy ban khởi nghĩa Hội An đưa hai đại đội tự vệ vũ trang của Hội An trang bị súng đạn đầy đủ và đoàn xe ô tô chở tài liệu quan trọng, vũ khí và tiền bạc lên chiến khu Duy Xuyên, hộ tống đồng chí Võ Toàn, Phan Thị Nễ đi hỗ trợ các địa phương trong tỉnh giành chính quyền.

Tại phủ Duy Xuyên, đội tự vệ vũ trang huyện cùng đông đảo quần chúng bao vây phủ đường, bắt phủ trưởng Nguyễn Tú giao nộp ấn tín, tài liệu, tiền bạc cho cách mạng vào lúc 8 giờ ngày 18.8.1945. Vừa lúc đó đoàn xe chở đội tự vệ và đồng chí Võ Toàn từ Hội An đến nhận bàn giao tài liệu, tiền bạc vừa tịch thu được ở tỉnh đường cho phủ Duy Xuyên bảo quản.

Ở phủ Điện Bàn, lệnh khởi nghĩa về đến các xã trong ngày 17, rạng sáng 18.8. Quần chúng vũ trang kéo về giành chính quyền ở phủ lỵ và chặn đường quân Nhật để bảo vệ khởi nghĩa ở Hội An. 9 giờ ngày 18.8.1945, Phủ trưởng Nguyễn Bá Luân đầu hàng giao nộp vũ khí.

Tại phủ Thăng Bình, chiều 18.8.1945 trong lúc đoàn biểu tình đang trên đường tiến về phủ lỵ thì một nhóm phản đế ở Chợ Được giả danh Việt Minh kéo đến phủ đường buộc phủ trưởng giao chính quyền. Lúc đó đoàn xe của lực lượng võ trang tỉnh từ Duy Xuyên vừa đến thị trấn Hà Lam. Đồng chí Võ Toàn ra lệnh tước vũ khí của bọn phản đế. Phủ trưởng Nguyễn Phổ đầu hàng, giao nộp 6 khẩu súng và toàn bộ hồ sơ, giấy tờ. Chính quyền phủ Thăng Bình thuộc về tay nhân dân.

Tại phủ Tam Kỳ, cũng trong ngày 18.8.1945, theo kế hoạch của Ủy ban bạo động phủ, lực lượng tự vệ vũ trang chiếm đồn Thương Chánh Hiệp Hoà (nay thuộc thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) tịch thu 4 khẩu súng. Lực lượng quần chúng và tự vệ các xã tập trung vào các địa điểm quy định chuẩn bị đánh đồn Đại Lý (nay là Trung tâm Văn hóa thành phố Tam Kỳ, số 56 Trần Cao Vân).

Chiều ngày 18.8, đoàn xe lực lượng vũ trang tỉnh vào đến Tam Kỳ, phối hợp với lực lượng tự vệ vũ trang của phủ chiếm đồn Đại Lý, bắt tên đồn trưởng gian ác, thu toàn bộ súng đạn, sau đó chuyển lên chiếm phủ lỵ. Quần chúng các mũi kéo vào tràn ngập phủ đường. Đồng chí Khưu Thúc Cự thay mặt Ủy ban bạo động thu nhận giấy tờ, con dấu do phủ trưởng Trần Kim Lý giao nộp. Tối 18.8.1945, chính quyền ở phủ Tam Kỳ đã về tay nhân dân.

Đoàn xe vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Toàn tiến về hỗ trợ cho huyện Tiên Phước tiến hành khởi nghĩa. Tại đây, dưới sự chỉ huy của Ủy ban bạo động Việt Minh huyện Tiên Phước, trong chiều và tối 18.8.1945 quần chúng các xã đã kéo về tiếp cận quanh khu vực quận lỵ. Đêm 18.8.1945, chính quyền huyện Tiên Phước thuộc về tay nhân dân.

Đồng chí Võ Chí Công thứ ba phải sang (hàng đầu) cùng ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền Quảng Nam năm 1945. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Chí Công (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) cùng ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền Quảng Nam năm 1945. Ảnh tư liệu

Ở huyện Đại Lộc, từ sáng đến chiều ngày 18.8.1945 hầu như phần lớn các tổng, xã trong huyện đã giành được chính quyền. Ủy ban bạo động huyện và các đội tự vệ vũ trang phải đối phó với quân Nhật nên đến sáng ngày 19.8.1945 quần chúng vũ trang tập trung về sân vận động huyện để giành chính quyền. Trước áp lực mạnh mẽ của đông đảo quần chúng và lực lượng tự vệ vũ trang, huyện trưởng Trần Điền phải đầu hàng, giao nộp 8 khẩu súng và tiền bạc giấy tờ cho cách mạng.

Cùng thời gian với các phủ, huyện giành chính quyền, phủ huyện lỵ Hoà Vang giành chính quyền xong ở hầu hết các tổng, xã và đồng thời chuẩn bị kế hoạch giành chính quyền ở huyện lỵ. Sáng ngày 22.8.1945, tên huyện trưởng Ngô Khắc Trâm đầu hàng giao nộp chính quyền.

Tại Đà Nẵng, theo kế hoạch đúng 8 giờ sáng ngày 26.8.1945, khi tiếng còi của thành phố vừa vang lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định, đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Lập tức tại các đồn bảo an binh được cơ sở nội ứng của ta hướng dẫn binh lính, cai đội hưởng ứng cuộc khởi nghĩa đem nộp cho cách mạng 20 khẩu súng. Tất cả các công sở, nhà máy, cán bộ, cơ sở ta đã bố trí tập hợp công nhân, viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xoá bỏ bộ máy điều hành cũ, thành lập Ban điều hành mới của cách mạng.

Tại cuộc mít tinh lớn tổ chức trước Tòa thị chính, đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt cho Ủy ban Nhân dân cách mạng thành Thái Phiên tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân, công bố 10 chính sách của Việt Minh và nhận hồ sơ, ấn tín do Thị trưởng Nguyễn Khoa Phong giao nộp. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Toà Thị chính Đà Nẵng.

9 giờ sáng ngày 26.8.1945, khắp các công sở và trên đường phố lực lượng tự vệ vũ trang mang phù hiệu sao vàng canh gác và kiểm soát. Nhân dân phấn khởi hưởng ứng treo cờ. Đà Nẵng rực màu cờ đỏ sao vàng. Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng đã thành công. 

Nhân dân Quảng Nam xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tranh vẽ, nguồn Quảng Nam - 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tranh vẽ nhân dân Quảng Nam xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Nguồn: Quảng Nam - 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc).
Lực lượng Bảo an của địch sau khi làm binh biến và tham gia khởi nghĩa đã cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng diễu hành trong lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam tại Hội An (25.8.1945). Ảnh tư liệu
Lực lượng Bảo an của địch sau khi làm binh biến và tham gia khởi nghĩa đã cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng diễu hành trong lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam tại Hội An (25.8.1945). Ảnh tư liệu

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ ngày 18.8 đến 26.8.1945, công cuộc giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi.

Sau khi giành được chính quyền trong toàn tỉnh, ngày 2.9.1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và tổ chức ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam. Buổi lễ đã tổ chức tiếp âm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Đại diện chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thuộc địa, phong kiến trong tỉnh, tuyên bố xoá bỏ các chính sách phản động hiện hành của chúng; ban bố chương trình hành động của chính quyền cách mạng và 10 chính sách lớn của Ủy ban giải phóng Việt Minh. Hàng vạn quần chúng và đại biểu các phủ, huyện trong tỉnh về dự lễ reo hò hưởng ứng, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm"! "Hồ Chủ tịch muôn năm”!

Theo đồng chí Chu Huy Mân, Trưởng ban tổ chức buổi lễ, tại cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam vào chiều 2.9.1945 tại Hội An, ban tổ chức buổi lễ tiếp âm lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) nhưng do phương tiện kỹ thuật tiếp âm của ta lúc mới giành chính quyền chưa đảm bảo, tiếng nghe không rõ ràng đầy đủ, nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham dự mít tinh đều biết đó là tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên rất phấn khởi.

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam thăm cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế. Ảnh tư liệu
Đại tướng Chu Huy Mân (bên trái) - nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam thăm cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế. Ảnh tư liệu

Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam đã thành công rực rỡ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn.

Thắng lợi khởi nghĩa ngày 18.8.1945 của Quảng Nam là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất thắng lợi trọn vẹn góp phần hỗ trợ, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc.

Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), NXB Sự thật xuất bản năm 2018 đã giành những dòng trang trọng nhất về sự kiện này:

“Ngày 18.8.1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, song do thời cơ thuận lợi xuất hiện, thấm nhuần chỉ thị lịch sử ngày 12.3.1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng ở các tỉnh trên là biểu hiện sinh động tinh thần chủ động, sáng tạo, năng lực cách mạng dồi dào của các cấp bộ đảng, Việt Minh và quần chúng các địa phương”. 

 
Di tích Phủ Đường Tam Kỳ.
 
Đồng chí Phan Việt Cường Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thăm di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một. Ảnh tư liệu Báo Quảng Nam
 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Quảng Nam trong mùa thu cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO