[eMagazine] - Tăng trưởng xanh – "Chìa khóa" phát triển bền vững

VĨNH LỘC - TRẦN HỮU 02/02/2022 09:02

(QNO) – Quảng Nam theo đuổi con đường phát triển bền vững bằng cách phục hồi ngành du lịch theo các tiêu chí xanh và khởi động mô hình công nghiệp sinh thái. Đây sẽ là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt để tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trước diễn biến khó lường của biến đối khí hậu.

Du lịch xanh không chỉ hướng đến sự phát triển bền vững mà còn mang đến nhiều giá trị khác biệt cho du khách khi tham quan du lịch đến Quảng Nam.
Du lịch xanh không chỉ hướng đến sự phát triển bền vững mà còn mang đến nhiều giá trị khác biệt cho du khách khi tham quan du lịch đến Quảng Nam.
 
Ngày 10.8.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 5177 phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025. Mục đích, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thị trường khách. Thu hút khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.

Tháng 12.2021, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh, nội dung tập trung vào 6 nhóm đối tượng dành cho khách sạn; homestay; dành cho khu nghỉ dưỡng; dành cho doanh nghiệp lữ hành; điểm du lịch dựa vào cộng đồng và cuối cùng là Bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm tham quan.

 
Xu hướng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên đang được nhiều doanh nghiệp đưa vào trong các sản phẩm lưu trú, nghỉ dưỡng.

Không phải đến khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch và xây dựng Bộ tiêu chí về du lịch xanh, du lịch Quảng Nam mới chú trọng đến vấn đề này. Từ vài năm trước, ngành du lịch và các địa phương phát triển rộng rãi các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, chống biến đổi khí hậu như làng du lịch Trà Nhiêu, Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn); du lịch sinh thái Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm (Hội An)…

 
Du khách nước ngoài tham quan mô hình trồng rau sạch ở Hội An.

Gắn với đó là phát động rộng khắp chiến dịch nói không với túi ny lông, chai nhựa, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, tuần hoàn rác thải… Một số doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm du lịch bắt đầu thay thế các sản phẩm, vật dụng thân thiện với môi trường, biến rác thải thành tài nguyên, từng bước tạo sự thay đổi nhận thức cho du khách, cộng đồng về sự phát triển bền vững. 

Tour du lịch dạy tái chế rác thải thành phân hữu cơ:

Ngày càng xuất hiện nhiều tour du lịch như “thu gom rác thải”, “tái chế rác thể”, “phục hồi tài nguyên”,… được doanh nghiệp triển khai, chào bán khách như một sản phẩm du lịch khác biệt, gắn với đó là các sản phẩm tái chế sinh học từ các loại thức ăn, hoa quả, dầu ăn, xà phòng thừa, vải… bỏ đi. Điều mà trước đây chưa hề được doanh nghiệp đề cập.

Theo bà Vũ Mỹ Hạnh – thành viên nhóm Green Youth Collective, đã đến lúc nhìn rác thải ở góc độ tích cực chứ không chỉ là câu chuyện phiền toái. Trong đó, giải pháp phù hợp nhất chính là thúc đẩy vòng tuần hoàn của rác, biến rác thải trở thành nguồn lực mới.

 

Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Emic Travel (Hội An) cho rằng, sau dịch bệnh việc định hình lại các sản phẩm du lịch dựa trên xu hướng tái tạo tài nguyên trở nên hết sức quan trọng. Trong đó, biến quy trình xử lý rác thải trở thành một sản phẩm du lịch chính là một trong những cách đi mới.

Từ năm 2020, Emic Travel đã trở thành đơn vị tiên phong tại Hội An triển khai loại hình du lịch phục hồi tài nguyên thông qua việc giới thiệu đến khách các mô hình thực tế và các sản phẩm được tái chế từ rác, hướng đến mục tiêu lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững.

 

Hiện tại, doanh nghiệp này đã xây dựng 5 tour du lịch liên quan đến môi trường và trách nhiệm với cộng đồng, gồm tour “xà phòng hy vọng”, “vải cho cuộc sống”, “ủ phân compost”, “trồng sậy và ống hút sậy”, “ươm cây thảo dược”. Đây không đơn thuần chỉ là một trải nghiệm du lịch mà còn hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt thay đổi quan điểm nhận thức về du lịch lâu nay không chỉ là nghỉ dưỡng hưởng thụ, mà du khách sẽ học được điều gì sau mỗi chuyến đi, nhất là trong việc bảo tồn và phục hồi tài nguyên.

 
Du khách tham gia trải nghiệm quy trình biến rác thải thành tài nguyên.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định, du lịch xanh đang và sẽ là xu hướng của du lịch thế giới, điều đó không chỉ bó hẹp trong các sản phẩm, điểm đến, tour tuyến tham quan và còn hướng đến thay đổi nhận thức cộng đồng. Các mô hình, sản phẩm sẽ dựa trên những tiêu chí xanh, sinh thái, môi trường và hướng đến 3 trụ cột chính gồm lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, tuần hoàn tài nguyên, bảo tồn văn hóa.

 
Du lịch xanh, thân thiện với môi trường đang lan tỏa mạnh mẽ tại Quảng Nam.

Du lịch xanh đã bắt đầu dịch chuyển không gian lên vùng tây, những ý tưởng mở các tour du lịch mới “trở về với thiên nhiên” đã hình thành từ lâu bây giờ mới có hội phát triển. Đó là hàng loạt điểm tham quan mới đã và sẽ mở như Vườn quốc gia Sông Thanh, các làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), rừng cây di sản pơmu (Tây Giang), vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước). Du khách sẽ lưu trú dài ngày hơn với biển, với di sản và trải nghiệm rừng xanh.

 
 Du khách tham gia dọn rác nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, kể cả lập quy hoạch tăng trưởng xanh với tầm nhìn dài hạn, là con đường phát triển bền vững mà Quảng Nam đang lựa chọn và hướng tới.

 

Trong cơ cấu kinh tế tỉnh, khu vực công nghiệp chiếm 28,4%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp bị đứt gãy bởi chuỗi cung ứng nhưng năm 2021, tăng trưởng của ngành công nghiệp vẫn tăng 9,1%. Kinh tế Quảng Nam có phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm được tài nguyên hay không dễ nhìn thấy nhất nằm ở lĩnh vực công nghiệp.

“Sức khỏe” nền kinh tế không chỉ nằm ở chỉ số tăng trưởng mà ở cách thức sản xuất có sạch, đảm bảo môi trường và tiết kiệm được tài nguyên hay không. Hiện nay, Sở Công thương là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chí quy hoạch và đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) sinh thái, cụm công nghiệp (CCN) sinh thái trên địa bàn tỉnh.

 
Nhà máy sản xuất gạch tại CCN Đại Quang (Đại Lộc) đang nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, mô hình KCN, CCN sinh thái sẽ yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất mới bắt buộc phải xử lý nước thải tuần hoàn, nước xả ra hồ xử lý môi trường cuối cùng mà cá phải sống được; quy định mật độ cây xanh tối thiểu; doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo… “Nói nôm na dễ hiểu, nước thải, rác thải, vật liệu, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác” – ông Dự nói.

 

Ngành nghề thu hút vào các KCN, CCN tương đồng theo phân khu, ưu tiên công nghiệp sạch; phân theo nhóm ngành, xác định một số ngành chính và các ngành nghề phụ trợ; ưu tiên loại hình sản xuất không có mùi hôi, không có khí thải hoặc nồng độ khí thải (nếu có) phải ở mức thấp nhất trong quy định hiện hành.

Theo Sở Công thương, dự kiến quy định KCN sinh thái nằm trong quy hoạch được đầu tư mới có quy mô diện tích tối thiểu 75ha; CCN sinh thái có quy mô diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 30ha. Kể cả các CCN đầu tư dở dang hiện nay, hay nằm trong quy hoạch cũng được khuyến khích ưu tiên phát triển theo hướng sinh thái.

Giám đốc Sở Công thương Đặng Bá Dự nói về loại hình công nghiệp sinh thái tương lai:

Thực tế, thời gian tình trạng “quy hoạch treo” CCN diễn ra ở nhiều địa phương. Qua rà soát, có 8/57 CCN trên địa bàn tỉnh đã có quyết định thành lập nhưng chưa hoạt động ở Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Thời điểm này, cả tỉnh chỉ có 22 CCN đang hoạt động có hồ sơ về môi trường; các cơ sở hoạt động trong CCN tự xử lý nước thải nhưng chưa đạt quy chuẩn, xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, nhiều hạng mục CCN đầu tư xong không kết nối, khai thác sử dụng nên gây lãng phí về nguồn lực ngân sách. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, nhiều DN thứ cấp được cấp đất nhưng chưa sử dụng hết đất, sử dụng đất không hiệu quả gây lãng phí. Sản xuất công nghiệp mỗi ngày gia tăng tỷ lệ chất thải nguy hại, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đe dọa đến sức khỏe người dân sống chung quanh. Cho nên các CCN này cũng sẽ nằm trong đối tượng hướng tới mô hình công nghiệp sinh thái.

 
Dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải trong KCN Bắc Chu Lai luôn tự động hóa.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong KCN, CCN trên địa bàn Quảng Nam cũng như cả nước chưa liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh, tương hỗ cho nhau phát triển.

Phân tích lý do vì sao phải phát triển công nghiệp sinh thái, ông Đặng Bá Dự cho rằng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi mà các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú không còn là thế mạnh, đòi hỏi các KCN, CCN cần có những mô hình mới, phù hợp với bối cảnh thực tế, thì mô hình KCN sinh thái với những lợi ích mang lại từ cộng sinh công nghiệp chính là xu hướng tất yếu trong giai đoạn sắp tới.

 
KCN, CCN sinh thái sẽ hướng tới sản xuất an toàn, giảm tối đa lượng khí thải ra môi trường. TRONG ẢNH: Nhà máy Sản xuất cồn Ethanol Đại Tân (Đại Lộc).

Hiện nay, vùng Đông đang xúc tiến đầu tư các dự án, trong đó Thăng Bình có nhiều dự án phát triển du lịch, khu đô thị quy mô diện tích lên đến hàng nghìn héc ta. Địa phương này cũng đăng ký thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển theo mô hình công nghiệp sinh thái. Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cam kết sẽ tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự hợp tác trong sản xuất để hoạt động cộng sinh công nghiệp.

 
Việc chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện.

Tiết kiệm, sử dụng điện năng lượng mặt trời thay thế hệ thống điện chiếu sáng là một giải pháp tăng trưởng xanh được các địa phương, ngàng công thương quan tâm. Từ nguồn vốn tăng trưởng xanh của Trung ương, đoạn đường Võ Chí Công (địa phận Thăng Bình) đã đầu tư 3km hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Hay từ nhiều năm trước, Quảng Nam chủ trương phát triển kinh tế xanh, yêu cầu các địa phương miền núi không đầu tư các nhà máy chế biến dăm gỗ để hạn chế sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai do các nhà máy này tiêu thụ rừng trồng chu kỳ ngắn.

Đã xuất hiện một số doanh nghiệp trong KCN ở Điện Nam- Điện Ngọc, dần dần chia tay với mô hình kinh tế sản xuất kiểu “khai thác - sản xuất - xả thải” để chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tập trung phát triển không rác thải nhờ phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng tỷ lệ tái sử dụng nguyên liệu.

 
Doanh nghiệp trong KCN Tam Thăng đang chú trọng tiếp cận mô hình công nghiệp sinh thái.

Theo UBND tỉnh, hiện Chính phủ chỉ mới ban hành Nghị định 82 về KCN sinh thái chung chung, chứ chưa quy định cụ thể. Cho nên, trên cơ sở hành lang pháp lý này, cùng với thực tiễn phát triển tại địa phương, Quảng Nam mạnh dạn lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí quy hoạch và đầu tư xây dựng KCN sinh thái, CCN sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Khi có các tiêu chí, sẽ dễ dàng lập quy hoạch xây dựng chi tiết, lựa chọn được nhóm doanh nghiệp mang tính cộng sinh. “Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ dành chi phí lớn hơn khi tham gia vào quá trình sản xuất tuần hoàn, tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường” – ông Dự nói.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, quan trọng chiến lược cho 5 năm, 10 năm đến của Quảng Nam là chuyển dần phát triển công nghiệp ở vùng đông theo hướng sinh thái an toàn trên cơ sở ban hành bộ tiêu chí về xây dựng khu công nghiệp xanh phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất chấp hành quản lý đầu tư hoạt động trong KCN, vừa phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự tương tác hỗ trợ giữa các ngành công nghiệp trong KCN.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có mô hình KCN sinh thái hơn phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực thi cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất cuối năm 2021 là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngày 2.10.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658 về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42%, ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng trên cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiên tiến, tiết kiệm nước. Tiến tới xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
 


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Tăng trưởng xanh – "Chìa khóa" phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO