Người Quảng tự lực tự cường

HOÀNG DIỄM (thực hiện) 11/02/2021 20:08

(Xuân Tân Sửu) - Nhân dịp đầu xuân mới Tân Sửu 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh câu chuyện vượt qua khó khăn thách thức để đi lên trong thời gian tới. Cùng với phát huy truyền thống quê hương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến ý chí, khát vọng vươn lên bằng bản lĩnh, sự tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là niềm tin vào một thế hệ cán bộ sẽ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo” vì Quảng Nam phát triển.

 

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khởi đầu cho kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ tỉnh; cũng là năm kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam. Trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua năm 2020 - một năm đầy khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, suy giảm kinh tế; thưa đồng chí, tinh thần và phương hướng chung Quảng Nam đặt ra với năm 2021 là gì?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Năm 2021 dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt đời sống. Bối cảnh quốc tế và trong nước tạo ra những cơ hội, thuận lợi; đồng thời đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo nền tảng phát triển cho những năm tiếp theo.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Tỉnh ủy đề ra phương hướng chung cho năm 2021 là: Tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; triển khai thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Quyết liệt hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 
* Lịch sử phát triển Quảng Nam mấy trăm năm qua đã minh chứng rằng, trong những thời điểm khó khăn nhất, người Quảng càng thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí, khát vọng, sự sáng tạo và đã lập nên nhiều kỳ tích. Truyền thống quý báu đó có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Quảng Nam xưa nay được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, với những trang sử hào hùng về những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào của vùng đất địa linh nhân kiệt, trung dũng kiên cường. Kể từ ngày giải phóng đến nay, sau 45 năm xây dựng và phát triển, Quảng Nam đã phấn đấu đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung và là một trong các tỉnh, thành phố có đóng góp cho ngân sách Trung ương; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Để có được thành quả đó, bên cạnh phát huy truyền thống anh hùng, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, năng động, sáng tạo, thể hiện rõ ý chí, khát vọng vươn lên, không khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào. Điều đó đã trở thành giá trị tinh thần, truyền thống quý báu của người dân xứ Quảng. Đây là nền tảng quan trọng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã, đang và sẽ làm được.

Dù bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều biến động, khó khăn, thách thức; nhất là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; song, với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống của quê hương đất Quảng, cùng những thành quả đã được bồi đắp, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước; tôi tin tưởng rằng, trên chặng đường sắp tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

* Có thể nói, chưa bao giờ việc khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân được lãnh đạo Đảng, Chính phủ quan tâm như hiện nay; điều này đã được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đồng chí, chúng ta sẽ có những giải pháp cụ thể nào để trước hết khơi dậy ý chí, khát vọng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với yêu cầu đặt ra là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo” vì Quảng Nam  phát triển?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Trong bối cảnh hiện nay, để nước ta có thể phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sớm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì việc khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển quốc gia, dân tộc của mỗi người dân là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Có thể nói rằng, đó là nguồn nội lực xã hội quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; và trước hết, điều này cần được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện trong thời gian đến, như sau:

Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy trình, quy định, quy chế trong công tác cán bộ và đảng viên theo quy định, hướng dẫn của Trung ương; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, quy trình về công tác cán bộ, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ.

Xây dựng Bộ tiêu chí cụ thể (có định lượng) theo hướng lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để thực hiện việc nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ một cách thực chất nhất, tránh hình thức.

Tạo môi trường thuận lợi phát huy cao nhất năng lực cán bộ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, trọng dụng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Triển khai tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ; trong đó, chú ý quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học và công nghệ; có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài. Xây dựng Đề án về luân chuyển cán bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ để có kế hoạch đào tạo, rèn luyện cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh. Triển khai xây dựng và thực hiện Đề án bí thư cấp ủy huyện không phải là người địa phương; Đề án về chuyển đổi vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng giữa các cơ quan khối Đảng, Nhà nước và Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh...

 

* Sau đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vừa qua, một thế hệ cán bộ mới đã hình thành, được bầu cử, bổ nhiệm ở nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng chí kỳ vọng gì ở lớp cán bộ này; và có lời nhắn nhủ gì đối với những cán bộ trẻ vừa được giao những trọng trách mới?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu thực tế, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã đề ra: “Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ”. Đó là chủ trương đúng đắn với kỳ vọng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời thể hiện sự trân trọng tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ nữ.

Quảng Nam đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Kết quả, cấp ủy tỉnh có 3/53 đồng chí dưới 40 tuổi, 8/53 đồng chí cán bộ nữ; cấp ủy huyện và tương đương có 151/781 đồng chí dưới 40 tuổi, 132/781 đồng chí cán bộ nữ; cấp ủy cơ sở có 913/6.272 đồng chí cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, có 1.312/6.272 đồng chí cán bộ nữ. Sau Đại hội, cấp ủy các cấp đã tiến hành rà soát, kiện toàn bộ máy chính trị từ tỉnh đến cơ sở; qua đó, một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mới đã hình thành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian đến (trong đó, có nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ). 

Là Bí thư Tỉnh ủy, tôi mong rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, đặc biệt là cán bộ trẻ phải luôn có tư tưởng, lập trường kiên định, vững vàng; gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Phải biết kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ đi trước, qua đó có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới. Bên cạnh đó, phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, “nói đi đôi với làm”, có tác phong làm việc khoa học, đổi mới sáng tạo, không ngừng học tập, khát khao chiếm lĩnh tri thức, tư duy sáng tạo, sâu sát thực tiễn để tự tin, chủ động đưa ra chính kiến, ý tưởng của mình nhằm nâng cao hiệu quả công việc của bản thân, cơ quan, đơn vị cũng như hiến kế trong nhiều lĩnh vực khác góp phần xây dựng và phát triển Quảng Nam ngày một giàu đẹp hơn.

Trân trọng cám ơn đồng chí!

 
“Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, có trí tuệ, có nghiên cứu, lên tiếng phản biện, đóng góp cho những báo cáo của các bộ ngành, Chính phủ. Để chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sắp đến, tôi đề nghị cấp ủy, Mặt trận các cấp của tỉnh cần nêu cao vai trò, phát huy trách nhiệm trong việc chọn người biết làm nhiệm vụ Quốc hội, trung thành với Tổ quốc để giới thiệu ứng cử cho cử tri bầu vào Quốc hội khóa XV.

Tôi đánh giá cao công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ, phòng chống dịch bệnh của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai được Quảng Nam thực hiện rất tốt. Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến, các cấp ủy, chính quyền phải chăm lo cho đời sống nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần chỉ đạo khắc phục mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa hậu quả bão lũ gây ra; chăm lo tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công, hộ khó khăn do thiên tai, không để bất cứ hộ dân nào phải chịu cảnh đói rét, nhất là người dân vùng sâu vùng xa”.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021) và tổng kết hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) tại Tam Kỳ ngày 3.1.2021)

 

“Quảng Nam đã cố gắng thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xây dựng nông thôn mới. Các quyết sách cho người dân vùng sạt lở cần giải quyết một cách căn cơ, trước mắt là ổn định đời sống cho người dân, hướng tới mục tiêu lâu dài. Du lịch gặp khó, thu nhập người dân giảm rất nhiều, cho nên định hướng thu hút các dự án du lịch gắn với lựa chọn nhà đầu tư xứng tầm là đúng, trong bối cảnh tiềm năng còn lớn. Về tình hình khắc phục thiên tai, cần quy hoạch vị trí thích hợp, sau đó sẽ đầu tư để ổn định đời sống, sinh kế người dân...

Trong những năm tiếp theo, thiên tai, biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp, Quảng Nam phải luôn sẵn sàng tâm thế dự lường mọi tình huống, có giải pháp khắc phục nhanh, sớm để người dân đỡ khó khăn. Tỉnh nên lập kế hoạch, bàn giải pháp tái định cư, cách tổ chức để báo cáo Trung ương, Quốc hội sẽ xem xét”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam vào ngày 20.12.2020)

 

“Sau khi xảy ra sự cố tại Trà Leng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân khu 5, đặc biệt là Đảng ủy, hệ thống chính trị của xã Trà Leng đã kịp thời bắt tay ngay vào công tác khắc phục, giúp đỡ người dân. Và hiện nay, công việc đó vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Hàng trăm, hàng nghìn người đã có mặt để hỗ trợ, khôi phục ổn định cuộc sống cho người dân trở lại bình thường. Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My cần tiếp tục tập trung giúp đỡ người dân Trà Leng về chỗ ở, sớm khôi phục sản xuất, cũng như khắc phục hư hỏng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cần sắp xếp, bố trí các nguồn lực giúp đỡ cho hợp lý và có hiệu quả nhất, đảm bảo các điều kiện để người dân an tâm đón tết.

Hy vọng lần sau về thăm Trà Leng, tôi sẽ nhìn thấy đời sống người dân được phát triển hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Khi cuộc sống người dân quay trở lại bình thường và có sự phát triển, tôi xin nói đó là niềm vui chung, không chỉ của Đảng, của Nhà nước mà còn của nhân dân cả nước đang hướng về Trà Leng”.

(Trích phát biểu của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại chuyến thăm bà con vùng sạt lở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My vào ngày 12.1.2021)

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng tự lực tự cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO