Không chỉ có Nga lên tiếng, Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối dự luật trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker. Ảnh: EPA |
Với 419 phiếu ủng hộ và chỉ có 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật mới trừng phạt 3 nước bao gồm Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên. Trong đó, biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, “can thiệp” vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và động thái quân sự của Nga tại cuộc chiến Syria. Dự luật trên đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác, đặt giới hạn về các công ty nước ngoài đầu tư hoặc giúp thăm dò năng lượng của Nga. Như công ty Mỹ sẽ không được tham gia các dự án thăm dò năng lượng mà công ty Nga có cổ phần từ 33% trở lên. Ngoài ra, dự luật còn cho phép Quốc hội Mỹ quyền ngăn chặn Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ trừng phạt với Nga.
Chỉ sau một ngày Hạ viện Mỹ có động thái mới về lệnh trừng phạt trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker cho biết, EU sẵn sàng hành động “trong vài ngày tới” nếu cảm thấy các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ tác động đến lợi ích an ninh năng lượng của khối. EU bất bình bởi nhiều công ty của khu vực đang làm ăn với Nga, đặc biệt trong các dự án khí đốt cũng nằm trong diện đối tượng trừng phạt của dự luật nói trên trong khi nhiều đồng minh Mỹ tại EU đang phụ thuộc Nga về khí đốt. Hiện nay, có 5 công ty phương Tây đang hợp tác với Gazprom (Nga) - một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, bao gồm hai công ty của Đức là Wintershall và Uniper, Tập đoàn Royal Dutch Shell (Liên doanh Anh - Hà Lan), OMV (Australia) và Engie của Pháp. Pháp kêu gọi các thành viên EU họp khẩn cấp nhằm thống nhất quan điểm chung. Trước đó, EU cho biết bất kể Mỹ muốn làm gì cũng không được đụng chạm đến nguồn cung khí đốt của Nga sang EU. Theo thống kê, nhu cầu về khí đốt của Nga cho châu Âu tiếp tục tăng. Kể từ đầu năm đến nay, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang EU tăng 11,3 tỷ m3 (12,3%).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan gọi dự luật trừng phạt mới là một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử và sẽ siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất để đảm bảo cho nước Mỹ luôn được an toàn. Trong khi đó, Hãng tin TASS của Nga dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Serguei Riabkov rằng: “Các tác giả và những người ủng hộ dự luật (trừng phạt Nga) đang tiến thêm một bước nghiêm trọng theo chiều hướng phá hoại viễn cảnh bình thường hóa quan hệ với Nga”. Đồng thời Nga cảnh báo đáp trả những hành động trừng phạt Nga của Quốc hội Mỹ. Đến nay, Moscow vẫn phủ nhận các cáo buộc của Mỹ.
Để dự luật trên đi vào hiệu lực sẽ còn phải được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi Tổng thống Mỹ Trump ký ban hành và tổng thống có quyền phủ quyết dự luật. Dự luật này được cho đang làm khó Tổng thống Trump vì ông muốn tăng khả năng kiểm soát việc áp lệnh trừng phạt, tương tự muốn theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ với Nga như cam kết lúc nhậm chức. Tuy nhiên, trường hợp ông Trump phủ quyết thì Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu lại, nếu được 2/3 số phiếu ủng hộ thì dự luật sẽ đương nhiên có hiệu lực.
QUỐC HƯNG