Euro 2016: Cú hích cho kinh tế Pháp

QUỐC HƯNG 17/06/2016 10:36

Vòng chung kết bóng đá châu Âu (Euro) 2016 đang diễn ra tại Pháp được kỳ vọng tạo cú hích cho nền kinh tế nước đăng cai.

Suốt một tháng diễn ra một trong những giải bóng đá sôi động nhất hành tinh, Pháp đón thêm hàng triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài việc mua vé, những du khách đến đây chi tiêu không nhỏ cho việc ăn ở, đi lại và mua sắm hay chi tiêu khác trong mùa Euro. Pháp hiện là quốc gia thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, đón khoảng 85 triệu du khách vào năm 2015. Riêng trong mùa giải Euro năm nay, Pháp đón thêm gần một triệu du khách. Pháp ước tính chỉ riêng việc phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho các cổ động viên từ nước ngoài tới các sân vận động là 593 triệu euro, 195 triệu euro khác đến từ du khách tại các fan-zone (khu vực dành cho các cổ động viên không có vé vào sân và xem trực tiếp các trận thi đấu qua truyền hình).

Những cổ động viên xinh đẹp của mùa Euro 2016. (Ảnh: worldcupgirls)
Những cổ động viên xinh đẹp của mùa Euro 2016. (Ảnh: worldcupgirls)

Trước khi tổ chức Euro 2016, cơ sở hạ tầng tại Pháp để phục vụ các sự kiện thế thao như các sân vận động diễn ra các trận đấu đều đạt chuẩn quốc tế và chỉ cần nâng cấp và trùng tu một số hạng mục. Được biết, Chính phủ Pháp chi tổng cộng khoảng 1,7 tỷ euro, trong đó hơn một nửa số tiền đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Bộ trưởng Thể thao Pháp, ông  Patrick Kanner cho biết, nước này hy vọng thu về gần 1,3 tỷ euro từ chi tiêu của các du khách sau khi giải đấu này khép lại. Giải bóng đá tầm cỡ Euro có quy mô chỉ sau Olympic và World Cup đang mang lại những con số kỷ lục như khoản tiền 3 tỷ euro từ bản quyền truyền hình, vé và quảng cáo trong sân, tính trung bình khoảng 150 triệu euro cho mỗi trận. Đó là chưa kể số tiền tài trợ của các tập đoàn kinh tế lớn có thể lên tới một tỷ euro.

Kế tiếp phải kể đến thời điểm cực kỳ ăn nên làm ra của các nhà hàng, khách sạn, đặc biệt tại những thành phố sở hữu 10 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu như Stade de France (Paris), Stade Velodrome (Marseille), Stade Pierre Mauroy (Lille), Stade Bollaert-Delelis (Lens)… Phát biểu trên đài truyền hình France 3 vùng Provence Côtes d’Azur, Denis Cippolini -  Chủ tịch nghiệp đoàn quản lý khách sạn cho biết, trung bình vào mùa du lịch, tỷ lệ đặt phòng tại thành phố Nice là khoảng 80%. Với giải bóng đá châu Âu Euro 2016, có đến 4 trận diễn ra trên sân cỏ ở Nice, nhờ đó tỷ lệ đặt phòng lên tới 90%. Ngoài ra, nhiều dịch vụ đi kèm như tiệc chiêu đãi, sự kiện, hội họp… mang lại doanh thu đáng kể cho hoạt động kinh doanh của thành phố, qua đó tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Còn tính tổng thể trên toàn nước Pháp, sự kiện Euro 2016 tạo ra 20.000 việc làm, trong đó 5.000 việc làm sẽ tiếp tục tồn tại bền vững sau giải.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết Chính phủ Pháp buộc phải chi số tiền rất lớn cho các hoạt động gìn giữ an ninh suốt mùa Euro 2016 trong bối cảnh an ninh nước Pháp bị đe dọa, nhất là sau loạt khủng bố đẫm máu tại Pháp hồi tháng 11 năm ngoái. Hàng loạt thiết bị an ninh được trang bị và lắp đặt khắp mọi nơi. Thêm váo đó, Bộ Nội vụ Pháp thông báo, tất cả lực lượng an ninh đều đươc huy động tối đa như hơn 90.000 nhân viên an ninh, trong đó có 77.000 nhân viên công lực và 13.000 nhân viên thuộc các hãng tư nhân chuyên về an ninh để bảo đảm an toàn cho mùa giải.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Euro 2016: Cú hích cho kinh tế Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO