Fair play

AN NHI 05/08/2016 09:17

Phút bù giờ của trận đấu giữa chủ nhà Sanna Khánh Hòa BVN và QNK Quảng Nam cuối tuần qua, một cầu thủ của đội khách chủ động đá bóng ra ngoài đường biên khi nhìn thấy đồng đội của mình bị chấn thương. Ở trong trường hợp này, thông thường, với tinh thần fair play (chơi đẹp), khi ném biên thì cầu thủ phải trả lại bóng cho đối thủ. Tuy nhiên, các cầu thủ Sanna Khánh Hòa BVN lại không “trả” mà chủ động cầm bóng tổ chức tấn công bất chấp sự phản ứng của các cầu thủ đối phương và ghi được bàn thắng. Trước tình huống diễn ra rất nhanh này, trọng tài chính Phùng Đình Dũng quyết định không công nhận bàn thắng vì “các cầu thủ Sanna Khánh Hòa BVN đã chơi không fair play khi không trả bóng cho QNK Quảng Nam”.

Trọng tài Phùng Đình Dũng đã phạm sai lầm khi không công nhận bàn thắng của Sanna Khánh Hòa BVN.  Ảnh: AN NHI
Trọng tài Phùng Đình Dũng đã phạm sai lầm khi không công nhận bàn thắng của Sanna Khánh Hòa BVN. Ảnh: AN NHI

Với hành động đó, suốt cả tuần qua, đã có nhiều ý kiến tranh luận chung quanh tiếng còi của trọng tài Phùng Đình Dũng và chuyện không fair play của đội bóng Sanna Khánh Hòa BVN. Những phân tích của Trưởng ban Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi cũng như các chuyên gia bóng đá đều khẳng định vị trọng tài người Hà Nội xử lý không đúng, phạm sai lầm khi tước bàn thắng hoàn toàn hợp lệ này. Ngay cả bản thân ông Dũng cũng lên tiếng thừa nhận mình bị “nhầm lẫn”. Về mặt lý thì rõ ràng trọng tài Dũng đã sai khi không công nhận bàn thắng. Nhưng xét về yếu tố fair play thì có nhiều điều đáng bàn, không chỉ ở bàn thắng cụ thể này mà rộng ra cả một nền bóng đá.

Thực tế, rất nhiều trận đấu khi bị dẫn bàn, ở các tình huống tương tự, các đội bóng hành xử theo cách không trả bóng cho đối phương. Một phần họ muốn nhanh chóng đưa bóng vào cuộc và có bàn thắng. Một phần là để “đáp trả” chiêu trò nằm vạ câu giờ của đối thủ (chuyện này thì bóng đá Việt Nam khá phổ biến). Trong trường hợp này, đội chủ nhà Sanna Khánh Hòa bị dẫn bàn và họ không thể đưa bóng cho đối thủ khi mà thời gian trận đấu đang trôi đi ở những phút bù giờ cuối cùng.

HLV Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa BVN cho rằng “đối thủ đâu có chơi fair play đâu mà đòi hỏi đội bóng của tôi fair play”. Điều đó không sai nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục. Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng đều đề cao tinh thần fair play. Trước mỗi trận đấu diễn ra, đi trước hai hàng cầu thủ luôn là lá cờ fair play như nhắc nhở tất cả phải thể hiện rõ tinh thần thể thao trung thực, cao thượng. Và thực tế trên sân cỏ thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều hành động đẹp đáng để tôn vinh như cầu thủ chủ động đá ra ngoài trước quả phạt 11m không đáng có. Hay cựu tuyển thủ quốc gia Đức Klose đề nghị không công nhận bàn thắng khi bóng chạm tay mình nhưng trọng tài không nhìn thấy.

Dù sự cố là rất đáng trách nhưng dù sao cũng phải… cám ơn trọng tài Phùng Đình Dũng vì qua sự việc này đã gióng lên một hồi chuông báo động về tinh thần thiếu fair play của các đội bóng và cầu thủ. Cụm từ fair play được thể thao đề cao trong bất cứ giải đấu nào nhưng lại bị chính những người trong cuộc dìm xuống thành thứ “có cũng được, không cũng chẳng sao”. Chính vì vậy, xem bóng đá Việt Nam càng ngày càng chán, từ đôi chân đến cái đầu của các huấn luyện viên, cầu thủ. Và cũng đừng trách vì sao nhiều người hâm mộ ngày càng quay lưng với sân cỏ bóng đá nước nhà.

AN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Fair play
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO