Ngoài một mâm cỗ thịnh soạn, được bài trí hài hòa, phản ánh rõ nét tinh hoa văn hóa ẩm thực của các vùng miền, trong mâm cúng giao thừa ở hầu hết gia đình người Việt dường như không thể thiếu một con gà trống, được tạo dáng ngạo nghễ bên cỗ xôi gấc đỏ tươi…
Không biết tự bao giờ, nét văn hóa độc đáo ấy trong đêm trừ tịch vẫn được tái hiện và duy trì, trở thành lệ “bất thành văn” trong đời sống tâm linh của dân tộc.
Mâm cúng giao thừa.Ảnh minh họa |
Theo nhiều tư liệu cũng như lời kể của các vị cao niên, lệ cúng gà trống trong đêm giao thừa xuất phát từ một sự tích dân gian. Thần thoại của một số dân tộc kể rằng: khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, ngài bèn sai 10 mặt trời (10 người con của ngài) ngày đêm chiếu sáng để mặt đất ấm áp, không bị tối tăm, ẩm thấp. Có điều, khi mặt đất đã ấm lên, đến khô rang, nứt nẻ thì ngài quên thu mặt trời về khiến dương gian khổ sở vì mất mùa, nắng hạn. Sau đó, bỗng xuất hiện một chàng dũng sĩ có sức khỏe phi thường, sở hữu chiếc cung thần mầu nhiệm. Chàng đã giương cung bắn hạ 9 mặt trời rơi xuống biển. Mặt trời còn lại sợ hãi, trốn biệt, từ đó khiến mặt đất lạnh lẽo, tối tăm như trước. Ngày nọ, có chú gà trống choai khỏe mạnh, vạm vỡ bất ngờ nhảy bổ ra, vươn cổ, dùng hết sức bình sinh cất lên một tiếng gáy dội vang trời đất. Nghe tiếng gáy, mặt trời vén mây nhìn xuống, quên cả sợ hãi, từ từ hạ thấp độ cao và mặt đất bừng sáng trở lại.
Cũng từ đấy, theo quan niệm của người Việt, đêm trừ tịch đón giao thừa là đêm trời đất tối tăm nhất, mặt trời ẩn mình sâu nhất, nên người ta thường có câu cửa miệng “tối như đêm ba mươi”. Vì vậy, nhà nhà đều bảo nhau nên cúng một con gà trống trong mâm cỗ giao thừa với mong muốn chú sẽ đánh thức mặt trời, soi rọi ánh sáng ấm áp cho cả năm. Từ ý nghĩa đó, về sau, gà không chỉ là vật nuôi quen thuộc, gần gũi mà còn là người bạn đồng hành với nhà nông như một chiếc đồng hồ báo thức trung thành, gọi họ ra đồng mỗi sớm. Đặc biệt, chú gà trống đã trở thành một biểu tượng tâm linh đi cùng với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền văn minh lúa nước.
Từ chuyện cũ trong tích xưa, người ta ngày càng chú trọng hơn đến những kiêng kỵ và cả mặt thẩm mỹ trong việc chọn lựa, bài trí, tạo dáng gà trống trong mâm cúng giao thừa. Gà được chọn phải là gà trống choai, mới gáy le te với ý nghĩa khỏe mạnh, thuần khiết. Đó là ước mong “mưa thuận gió hòa” của nghề nông. Ngoài ra, chú gà phải sở hữu chiếc mào đỏ tươi, lông mượt, da căng vàng, ức đầy, chân nhỏ… Khác với làm gà để ăn thường ngày, gà cúng cần tuyệt đối phải sạch sẽ, làm một cách cẩn thận, khi luộc phải chú ý để đạt độ chín tới, tránh làm rạn da, miếng huyết luộc, cặp chân giò phải nguyên vẹn, đầy đặn. Bởi vậy, khi làm được một con gà đẹp, vừa ý thì gia chủ sẽ rất vui vẻ, an tâm đón một năm mới nhiều tài lộc.
Việc đặt gà trên bàn thờ gia tiên trong mâm cúng giao thừa hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều vị cao niên cho rằng, phải đặt đầu gà quay về phía bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này nghĩa là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Vậy nên, nếu đặt gà quay đầu ra được coi là “gà không chịu chầu”.
một ý kiến khác, với mâm cúng giao thừa, nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ông thần Hành khiển coi việc nhân gian đi qua. Dân gian tin rằng, mỗi năm âm lịch đều có một ông thần Hành khiển, nếu gặp ông thần giỏi giang, anh minh, liêm khiết thì hạ giới sẽ được độ trì như: được mùa, ít thiên tai, không chiến tranh, bênh tật. Ngược lại, nếu gặp ông thần lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới sẽ gặp nhiều tai ương, địch họa. Hết năm, thần nọ sẽ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng giao thừa là để “tống cựu nghinh tân”, nhất thiết phải hướng đầu gà ra ngoài để đón ông thần mới.
Quan niệm là vậy, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc cúng tế cốt mang ý nghĩa tâm linh, trọng lòng thành chứ không đặt nặng hình thức, quy chuẩn cụ thể.
Trong tín ngưỡng của người Việt, gà trống là con vật hội tụ và là biểu tượng của ngũ đức, hơn hẳn các loại gia cầm khác. Đó là những đức tính rất cần có của những bậc dũng sĩ: Văn (đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp), Võ (chân cứng, có cựa), Dũng (thấy đối thủ sẽ xông vào chiến đấu), Nhân (có thức ăn sẽ gọi đồng loại), Tín (đúng giờ sẽ cất tiếng gáy). Trong lễ cúng giao thừa, ở nhiều gia đình, người ta thường cho gà trống ngậm một bông hồng đỏ, với ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời trong ngày đầu tiên của năm mới, mang lại vận đỏ, may mắn cho gia chủ.
Đã trở thành một tập quán lâu đời, một nét đẹp văn hóa đặc sắc không dành riêng cho một vùng quê nào, nên ngoài những nhu yếu phẩm được mua sắm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, hầu hết gia đình người Việt luôn dành một sự ưu tiên đặc biệt cho việc chọn lựa, chuẩn bị một con gà trống thật đẹp cho mâm cỗ giao thừa của gia đình mình.
Bên cạnh đĩa xôi gấc đỏ tươi, chú gà trống choai vàng ươm, được tạo dáng ngạo nghễ, miệng ngậm hoa hồng càng làm cho bàn thờ gia tiên ngày tết thêm sang trọng, đầy đặn, ấm áp. Nhìn vào biểu tượng đó, người ta sẽ lạc quan tin rằng, gia đình mình sẽ đón được một năm mới nhiều tài lộc, thịnh vượng, an vui.
NGÔ THẾ LÂM