Gác đêm

VĂN HÀO 16/12/2013 09:52

Cơm tối xong, các anh tập trung tới trạm gác rồi chia nhau đi tuần. Lặng lẽ, nhiệt huyết, công việc tại các trạm gác tự quản an ninh xã Điện Hòa (Điện Bàn) kéo dài tới tận tờ mờ sáng để giữ gìn bình yên cho xóm làng.

Lập lại trị an

Điện Hòa là địa phương có nhiều cụm công nghiệp, đây còn là vùng giáp ranh với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) nên tình hình rất phức tạp. Để giữ vững trị an, Điện Hòa thành lập các trạm gác tự quản - mô hình “lạ” so với các mô hình an ninh tự quản khác trên địa bàn tỉnh. Manh nha từ cuối năm 2012, đến nay sau tròn một năm triển khai, Điện Hòa có tới 36 trạm gác an ninh trải rộng ở 8 thôn.

Nhóm tuần tra tại tổ đoàn kết số 2 (thôn La Thọ 2) trước giờ “xuất quân”. Ảnh: VĂN HÀO
Nhóm tuần tra tại tổ đoàn kết số 2 (thôn La Thọ 2) trước giờ “xuất quân”. Ảnh: VĂN HÀO

Từ năm 2012 trở về trước, Điện Hòa được biết đến là một “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội. Trưởng Công an xã - ông Lê Dững cho biết, hồi đó tình hình trộm cắp trên địa bàn diễn ra công khai, táo tợn, rồi gây hấn đánh nhau khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp. Hồi đó, trời chập choạng tối là “đèn nhà ai nấy sáng”. Bọn trộm cắp chủ yếu là ở các địa phương khác tới, có băng nhóm, trong khi lực lượng công an xã quá mỏng không thể tuần tra kiểm soát hết. “Xuất phát từ ý nguyện của người dân, các thôn kiến nghị UBND xã xây dựng trạm gác tại các khu dân cư. Trong đó, lực lượng công an xã, dân phòng phối hợp chặt chẽ cùng các đội tuần tra và người dân để đẩy lùi tội phạm, giữ vững trị an” - ông Dững nói.

Dạo quanh các tuyến đường, có rất nhiều trạm gác được dựng lên. Ông Dững nói thêm, mỗi trạm có diện tích khoảng 5m2, kinh phí xây dựng 5 - 7 triệu đồng, do người dân tự nguyện chung tay đóng góp. Ông Hồ Đắc Tân - Trưởng thôn La Thọ 2 cho biết, thôn có 6 tổ đoàn kết, mỗi tổ thành lập một trạm gác, rồi tổ chia làm 7 nhóm thay nhau đi tuần hằng đêm. “Khi đi tuần tra, nếu phát hiện tội phạm, nhóm sẽ vây bắt sau đó báo cáo lại với công an viên của thôn. Nếu phát hiện tội phạm dùng xe máy để tẩu thoát, chúng tôi dùng loa cầm tay báo động để toàn dân cùng vây bắt. Còn đối với những đối tượng hung hãn, có hung khí, chúng tôi liên lạc với công an xã hỗ trợ” - ông Tân nói.

Lịch trực của nhóm tuần tra được phân chia rõ ràng tại trạm gác.
Lịch trực của nhóm tuần tra được phân chia rõ ràng tại trạm gác.

Bà Trần Thị Mốt (65 tuổi, thôn Quang Hiện) cho biết chỉ mới năm ngoái, người dân nhốn nháo và bất an về nạn trộm chó, trộm gà, có nhà mất trộm cả hàng chục triệu đồng tiền mặt. “Hồi đó bọn trộm ở đâu tới cứ xộc thẳng vào nhà dân lấy đồ. Vì chúng mang theo hung khí hăm dọa nên ai cũng sợ, nhất là người già và trẻ nhỏ. Nhưng bây chừ hết rồi, đêm nào cũng có người đi tuần tra nên bọn trộm không dám bén mảng tới nữa” - bà Một phấn chấn.

Trắng đêm đi tuần

Tiết trời mùa đông, mưa rả rích. Ăn xong chén cơm tối, anh Nguyễn Văn Dũng (ở tổ đoàn kết số 1, thôn Quang Hiện) choàng vội chiếc áo ấm rồi tới trạm gác đầu đường. Theo lịch, tối nay đến phiên nhóm anh Dũng đi tuần, là nhóm trưởng nên anh đến sớm hơn. Bật điện, pha trà chừng vài phút thì 5 người khác trong nhóm cũng đến đông đủ để làm nhiệm vụ. Bây giờ là lúc ti vi bắt đầu chương trình thời sự. Đội mũ, cầm đèn pin, loa, gậy… nhóm anh Dũng đi khắp các nẻo đường của tổ dân cư mình. Anh chia sẻ: “Tổ đoàn kết chúng tôi có 5 nhóm, lực lượng gồm cựu chiến binh, cựu quân nhân, thanh niên ưu tú… tự nguyện tham gia để bảo vệ xóm làng. Lịch trực, thành tích bắt trộm của các nhóm được ghi rõ ràng trên bảng đặt tại trạm gác và sổ tay”. Gần một giờ đồng hồ đi tuần không phát hiện động tĩnh hoặc dấu hiệu gì lạ, nhóm quay về trạm gác. Chuyện nhà nông, nuôi dạy con cái ăn học… là những “đề tài” mà các anh ngồi bàn tán, cũng là cách để xua tan cái lạnh, rút ngắn đêm dài.

Sau một năm ra đời các trạm gác tự quản, số vụ trộm cắp, gây rối trật tự trên địa bàn xã Điện Hòa giảm dần. Năm 2013, các lực lượng địa phương phối hợp bắt và xử lý hành chính 16 vụ; trong khi đó con số năm 2012 là 26 vụ, 2011 là 45 vụ.

Về khuya, cái lạnh luồn từng kẽ áo. Tại tổ đoàn kết số 3 (thôn La Thọ 2), đang đánh dở ván cờ sau khi đi tuần về, bỗng nghe tiếng chó sủa ở cuối đường, anh Phạm Ba (nhóm trưởng) cùng 4 thành viên trong nhóm vội lấy “đồ nghề” hướng về phía có tiếng chó sủa. Quan sát kỹ lưỡng nhưng không có động tĩnh gì bất thường, nhóm quay về trạm gác tiếp tục đánh cờ, trò chuyện. “Cứ một tiếng đồng hồ chúng tôi đi tuần một lần. Khi mới thành lập trạm gác, anh em bận tất bật vì phát hiện xử lý nhiều vụ trộm cắp. Sau đó tình hình giảm dần, vài tháng nay trên địa bàn không xảy ra một vụ mất cắp hay gây gổ đánh nhau nào” - anh Phạm Ba chia sẻ.

Công việc của những người đàn ông “cơm nhà áo vợ” còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở thôn xóm, tạo được sự kết dính trong cộng đồng dân cư. Thấu được lợi ích chung nên hằng tháng người dân tự nguyện đóng góp năm mười nghìn đồng để các anh mua bao trà, gói mỳ, khích lệ tinh thần. Ông Phan Minh Mãi - Bí thư Đảng ủy xã Điện Hòa cho biết, nhờ làm tốt công tác giữ gìn trật tự trị an thôn xóm nên thời gian qua có nhiều tổ đoàn kết nhận được bằng khen của các cấp. “Tình hình an ninh trên địa bàn được cải thiện rõ nét từ khi các trạm gác ra đời. Thời gian đến chúng tôi tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình này tại 4 thôn còn lại” - ông Mãi nói.

Đêm chuyển dần về sáng, mọi thứ vẫn yên bình, chỉ có những bước chân quen thuộc và ánh sáng mờ nhòe hắt xuống từ các bóng điện đường. Tiếng gà gáy mỗi lúc rõ dần, các nhóm tuần tra trở về nhà để chuẩn bị bắt đầu công việc của ngày mới.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gác đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO