Đồng bào Cơ Tu nơi miền ngược đã bắt đầu “biết” sửa sang nhà cửa để đón khách theo kiểu homestay, mở ra hướng sinh kế mới.
Căn nhà gỗ 2 tầng của Bh’riu Nheng dựng trên một mỏm đồi cao. Trước mặt nhà là con đường bê tông chạy xuyên qua làng, thấp thoáng bóng cây và sau lưng là cánh rừng xanh um, róc rách tiếng suối. Trên con đường dốc ngược ấy luôn có bóng dáng của những phụ nữ Cơ Tu địu con hoặc mang củi về nhà. Mấy hôm nay, ngày nào nhà Nheng cũng đông người. Vài người thợ miền xuôi thi công công trình vệ sinh cạnh nhà gần xong. Những người thợ ở làng chặt tre, đan vách nứa chuẩn bị ngăn hai phòng trên căn gác gỗ để đón khách trọ vào tháng 6 tới. Bh’riu Nheng nói mấy hôm trước đã được đi tập huấn ở Bhơ Hôồng, Mỹ Sơn về kỹ năng bán hàng, thương thảo, nấu ăn và cả cách tạo sự hấp dẫn của căn nhà để đón khách, khởi đầu cho cái nhìn mới về chuyện “làm ăn” cho những gia đình trên rẻo cao thông qua con đường du lịch.
Hình ảnh đời sống dân dã vùng cao giờ được “kết nối” với ý tưởng du lịch. Ảnh: NAM KHA |
Cách nhà Bh’riu Nheng khoảng 100m, đi qua gươl làng Đhờ Rhồng, căn gác gỗ đẹp của Pling Xéch cũng đang được tất bật dọn dẹp, sửa sang để đón khách. Căn nhà thoáng rộng, có cầu thang gỗ, bên ngoài tạo không gian “biệt lập” cho du khách ở lại. Họ có thể sống, trò chuyện cùng người nhà và yên giấc trên những gác trọ thơm mùi gỗ…
Căn nhà gỗ của Bh’riu Nheng sửa sang phục vụ homestay. |
Không chỉ có hai căn nhà ở làng thổ cẩm Đhờ Rhồng (Tà Lu), hai căn nhà khác của đồng bào Cơ Tu ở làng Bhơ Hôồng (Sông Kôn) chừng 16km theo quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ) cũng đã hoàn tất khu vệ sinh và góc nhỏ đón khách. Khác với hai căn nhà gỗ trên Đhờ Rhồng, nếu khách trú qua đêm “kiểu homestay” ở làng này lại có thể sống chung với gia đình đồng bào ngay trong những căn nhà cấp 4 giữa làng. Chỗ ngủ chỉ vừa đủ kê một chiếc giường nhỏ. Có cái gì đó rất giống nhau giữa 4 căn nhà. Chỉ cần đến làng, nhìn thấy những khu nhà vệ sinh dựng bằng xi măng, quét vôi màu xanh ngọc thì biết ngay đó là “nhà homestay”. Dân làng nói khách đến có thể sẽ không được nhìn thấy những điệu múa, món ăn “đặc biệt” quen thuộc của đồng bào như món bánh sừng trâu, cơm lam hay món chà rá trong ngày thường, nhưng nếu “đặt hàng” (từ 5 - 10 người) thì làng sẽ đáp ứng. Những ngày ở làng, khách có thể nhờ người địa phương hướng dẫn mở những cuộc thám du nhỏ, ngược suối, ngắm cảnh, lội rừng hoặc ngắm những nương chiều mênh mông lúa vàng.
Những hình ảnh quen thuộc ở vùng cao. |
Những căn nhà sửa soạn cho dịch vụ homestay trên miền ngược đã mở. Khách không cần phải vội vã trở lại thành phố ngay trong ngày hoặc phải ngược lên thị trấn P’rao (Đông Giang) để tìm chỗ trú qua đêm nữa. Tất nhiên, đó là lý thuyết khi “nhà homestay” đã có. Còn thực tế, ai sẽ ở lại cùng người làng qua đêm thì… chưa thể biết được? Trọn một ngày, chúng tôi thử ngồi ngay bên cổng làng nhìn những chiếc xe máy cuốn bụi đỏ của khách vụt ngang qua và không thấy bất kỳ ai dừng lại. Liệu bao nhiêu người trong số ấy cư trú cùng dân làng một đêm.
Ý tưởng xây dựng làng homestay cho dân làng là ý định tốt, nhưng liệu dân làng có “sống” được với ý tưởng này vẫn còn là câu chuyện dài. Có lẽ những người tổ chức cũng chỉ muốn vẽ ra con đường sơ khởi để người dân vùng cao vốn quen dựa vào nương rẫy có thêm một cuộc sống mới bằng du lịch. Trước mắt, còn phải chờ đợi một thời gian nữa, vì chưa có công ty lữ hành nào hợp tác với dân làng hoặc có kế hoạch truyền thông để giới thám hiểm hay lữ hành đơn lẻ nhận biết. Bh’riu Nheng nói, nhà của anh, anh đâu có tốn tiền của để cải tạo mà được “người ta đã đầu tư một nhà vệ sinh, khách tới ở thì tốt, không cũng chẳng sao!”.
NAM KHA