(QNO) - Tính đến ngày 26.7, thế giới ghi nhận hơn 16,2 triệu người nhiễm và gần 650 nghìn người tử vong vì Covid-19. Đặc biệt, gần 40 quốc gia công bố sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm trong tuần qua, khoảng gấp đôi so với tuần trước.
Tân sinh viên quốc tế không được vào Mỹ nếu học online 100%
Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 với số ca nhiễm khoảng 4,2 triệu người và hơn 149 nghìn ca tử vong.
Trước tình hình này, cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo rằng tân sinh viên quốc tế dự định đăng ký các lớp học online (trực tuyến) 100% vào mùa thu này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Tuy nhiên, quy định trên sẽ không áp dụng đối với sinh viên quốc tế đã đăng ký vào những trường cao đẳng hoặc đại học Mỹ từ học kỳ trước hoặc quay trở lại học tại nước này, kể cả trong trường hợp trường của họ học hoàn toàn online.
Tính đến tháng 11.2019, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ. 12% trong số hơn 1.250 trường đại học, cao đẳng đang chuyển sang mô hình chỉ dạy và học online vào mùa thu này nhằm ngặn chặn lây lây dịch bệnh Covid-19.
Hàn Quốc tăng số ca mắc trong một ngày
Ngày 25.7 vừa qua, Hàn Quốc báo cáo 113 trường hợp nhiễm Covid-19, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ ngày 31.3 nhưng chủ yếu là từ người lao động Hàn Quốc trở về từ Iraq và là các thủy thủ của Nga. Các quan chức Hàn Quốc cảnh báo diễn biến bệnh rất phức tạp khi những người mang mầm bệnh từ nước ngoài.
Như vậy, đến nay Hàn Quốc ghi nhận hơn 14 nghìn trường hợp và khoảng 300 người chết vì đại dịch Covid-19.
Hàn Quốc cho biết nước này sẽ bổ sung 4.000 sinh viên y khoa trong vòng 10 năm tới để tăng số lượng bác sĩ và tăng cường ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng trong tương lai.
Cũng tại châu Á, tình hình dịch bệnh cũng xấu đi tại Ấn Độ khi đến nay nước này ghi nhận gần 1,4 triệu người mắc và hơn 32 nghìn người tử vong.
Nhiều nước châu Âu xét nghiệm Covid-19 ngay tại biên giới
Lúc này được xem là mùa cao điểm du lịch tại khu vực. Từ đầu tháng này, nhiều nước châu Âu mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Do vậy, để tránh nguy cơ bùng phát đợt dịch lần hai, Pháp và Đức - trong số những quốc gia bị ảnh hướng nặng do Covid-19, chọn tăng cường xét nghiệm tại biên giới, dù khác nhau về đối tượng được xét nghiệm bên cạnh kêu gọi người dân tục thực hiện giãn cách xã hội.
Kết quả xét nghiệm được thông báo qua điện thoại hoặc thư điện tử và những trường hợp dương tính với Covid-19 sẽ được cách ly.
WHO kêu gọi người dân toàn cầu nỗ lực phòng chống dịch
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang như một cách để làm chậm sự lây lan của vi rút corona bởi loại vi rút này có thể lây lan qua các giọt bắn truyền qua khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
WHO cũng khuyến nghị mọi người rửa tay thường xuyên, duy trì khoảng cách với người khác và tránh đến những nơi đông người. Nếu bạn bị sốt, ho và khó thở, hãy đi khám, nhưng gọi điện thoại trước nếu có thể và làm theo chỉ dẫn của cơ quan y tế địa phương.