Trong những năm gần đây, hoạt động của Hội LHTN Việt Nam tỉnh chú trọng đến yếu tố gần hơn với thanh niên, gắn với nhu cầu, sở thích của họ; quan tâm chăm lo lực lượng thanh niên đặc thù. Thông qua hoạt động của các phong trào, đã đoàn kết, tập hợp được nhiều thanh niên đến với tổ chức hội.
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Phan Văn Bình tặng quà cho bà con cụm dân cư Petapooc, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang. Ảnh: MỸ LINH |
Đổi mới nội dung, hình thức
Thời gian qua, nhiều phong trào, ngày hội thanh niên được tổ chức đã tập hợp đông đảo thanh niên tham gia, như ngày hội Thanh niên công nhân, chương trình Tình nguyện mùa đông, hoạt động tình nguyện quốc tế tại Lào, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia điều tiết giao thông, ngày hội nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, Ngân hàng máu sống trên internet... Mỗi phong trào, ngày hội được tổ chức đều đề cao tinh thần đoàn kết, làm sao để tập hợp nhiều nhất thanh niên tham gia. Anh Phan Văn Bình - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho hay, việc xây dựng và phát triển tổ chức hội đã được thực hiện với nhiều cách thức mới, như thành lập các tổ chức hội theo ngành nghề; nhân rộng mô hình chi hội, câu lạc bộ (CLB) trực thuộc ủy ban hội các cấp. Đặc biệt, việc linh hoạt chuyển đổi chi hội hoạt động kém hiệu quả sang mô hình CLB, tổ, đội, nhóm đã giúp thanh niên đến với hội nhiều hơn. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức sinh hoạt được củng cố theo hướng sát hơn với tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong thanh niên.
Hướng đến thanh niên đặc thù Lâu nay nhìn các bạn trẻ cùng trang lứa có công ăn việc làm ổn định, anh Phan Văn Hải (xã Tam Xuân 1, Núi Thành; bị liệt tay trái) cũng ước ao tìm được cho mình một công việc phù hợp. Niềm vui đã đến với anh, khi vừa qua Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật tại huyện Núi Thành. Anh Hải đã chọn học công nghệ thông tin. “Tôi cảm thấy rất thích thú khi được tiếp cận với công nghệ thông tin, có kiến thức tin học. Sau khóa học này, có thể tôi sẽ mở dịch vụ tổng hợp photocopy, xử lý và in văn bản hoặc mở tiệm internet” - anh Hải chia sẻ. Không chỉ anh Hải mà còn rất nhiều thanh niên khuyết tật khác được tham gia các lớp dạy may công nghiệp, mây tre đan... Hội LHTN Việt Nam tỉnh còn phối hợp mở lớp nghề cho thanh niên sắp chấp hành xong án phạt tù, thanh niên hoàn lương nhằm giúp họ có một cái nghề để có thể tự lo cho bản thân, tự tin hơn trong cuộc sống. |
Một trong những việc làm đầy ý nghĩa mà Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã thực hiện là thành lập CLB Ngân hàng máu sống, được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng tham gia. Bất cứ thời gian nào, khi nhận thông tin có bệnh nhân cần máu gấp, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục thành viên của CLB Ngân hàng máu sống đã có mặt sẵn sàng cho máu cứu người. Hay như việc hình thành các CLB, đội, nhóm tình nguyện, những nhóm, hội theo sở thích, ngành nghề là động lực cho nhiều bạn trẻ địa phương tìm được sân chơi của mình với những môn yêu thích. Và đây cũng là một cách để tập hợp thanh niên...
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Phan Văn Bình cho biết thêm, để tạo sức hút với thanh niên, thay vì phương thức sinh hoạt truyền thống, các hoạt động của hội luôn quan tâm đến nội dung và hình thức sao cho gần gũi, tạo sự thoải mái, không gượng ép, để thanh niên đến với hội một cách tự nguyện, từ đó khơi dậy được tinh thần trách nhiệm trong mỗi người trẻ, giúp họ sống trách nhiệm vì cộng đồng. Câu chuyện của bạn Nguyễn Hương Trang - thành viên Hội đồng hương Phú Ninh (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện Phú Ninh) là một ví dụ. Với tinh thần tuổi trẻ, Trang cùng những người bạn của mình đã mang đến cho các em thiếu nhi vùng khó khăn nhiều niềm vui qua chương trình bữa cơm có thịt, đêm hội Trung thu, hay các dự án ngôi trường nhân ái, trao tặng sách vở, quần áo giúp các em đến trường… “Con đường mà chúng tôi đã đi qua, hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai chưa hẳn đã có điều dễ dàng… Nhưng sau ngày mai, chúng tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đó là niềm tin về cuộc sống mà thành viên trong hội đã tìm được từ những chuyến tình nguyện” - Hương Trang chia sẻ.
Xã hội hóa nguồn lực
Một trong những nỗ lực rất lớn của các cấp Hội LHTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua là huy động hiệu quả nguồn lực để tổ chức chương trình, hoạt động. Trong điều kiện ngân sách cấp rất hạn chế, các cấp hội đã tìm kiếm mọi cách kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp,… để có nguồn kinh phí hoạt động. Anh Đoàn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thị xã Điện Bàn cho hay, mỗi lần tổ chức hoạt động hay thực hiện chương trình tình nguyện, hội đều tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Mỗi nơi giúp một ít, có đơn vị tài trợ chi phí đi lại, có đơn vị ủng hộ nước uống, quần áo, sách vở; doanh nghiệp ăn nên làm ra có khi hỗ trợ nguồn kinh phí lớn để trao tặng sinh kế cho thanh niên nghèo… Chỉ cần cố gắng và biết cách vận động, hội sẽ có được nguồn kinh phí tổ chức hoạt động.
Khai hoang đất trồng lúa nước ở miền núi là công trình được tuổi trẻ Quảng Nam chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Ảnh: PHAN TUẤN |
Trong những năm qua, ý nghĩa của những hoạt động tình nguyện mang lại đã giúp các cấp hội trong tỉnh kêu gọi được sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Nguồn kinh phí lớn được xã hội hóa đã giúp hội tổ chức nhiều hoạt động quy mô, ý nghĩa như xây nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai, xây nhà nhân ái, tặng công trình nước sạch, khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà cho nhân dân, tặng học bổng cho học sinh khó khăn,… với trị giá hàng tỷ đồng. “Việc giúp đỡ bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh nghèo bằng những mái nhà nhân ái, các công trình, phần việc thanh niên là hoạt động thường xuyên của các cấp đoàn - hội trong tỉnh. Từ nhiều nguồn vận động khác nhau, những năm qua hàng trăm ngôi nhà nhân ái, hàng nghìn suất học bổng, quà tặng… đã được trao, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, giúp họ có cuộc sống ổn định” - anh Phan Văn Bình nói.
Nhiều hoạt động do Hội LHTN Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức đã thực sự chạm đến trái tim những người trẻ, giúp họ sống tốt hơn, nghị lực hơn, cống hiến nhiều hơn cho gia đình và xã hội.
MỸ LINH