Gắn kết di sản chung Đông Dương

SONG ANH 06/04/2013 08:38

Câu chuyện về những di sản văn hóa, từ Angkor, Preah Vihear, Vat Phou đến Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Khu di tích Mỹ Sơn… đã làm nên chuỗi gắn kết các giá trị văn hóa chung 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Bảo tàng tưởng tượng”

Tham vọng tạo nên không gian bảo tàng với các hiện vật nằm tại những di sản văn hóa thế giới ở 3 nước Đông Dương đã thành hiện thực. Một hành trình khám phá từ dòng Mê Kông và sông Hồng, đến những ngôi đền ngập tràn mùi nhang trầm và hương hoa dâng lên các vị thần linh đã mở ra. Người thưởng lãm sẽ được biết từng chi tiết nhỏ trong một di sản, ý nghĩa của từng hoa văn, cây lá. Đây cũng chính là mục đích của UNESCO khi thực hiện ý tưởng làm những bảo tàng “xuyên quốc gia” trong dự án Nâng cao năng lực và hợp tác giữa 9 bảo tàng liên quan đến 6 di sản thế giới tại 3 quốc gia. Các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn cho rằng đây sẽ là địa chỉ giúp chia sẻ thông tin về lịch sử của các di sản văn hóa thế giới ở khu vực Đông Nam Á, khơi dậy cảm hứng khám phá các bảo tàng và di sản thế giới đối với thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ thích thú khi xem những hình ảnh, hiện vật tại cuộc triển lãm.
Thế hệ trẻ thích thú khi xem những hình ảnh, hiện vật tại cuộc triển lãm.

Cuộc trưng bày “Di sản chung của chúng ta – Khám phá di sản thế giới” (khởi động ngày 29.3 tại Mỹ Sơn, dự kiến kéo dài trong vòng 1 năm) chia làm nhiều mảng với những thông tin đáp ứng nhu cầu của du khách muốn biết sâu hơn lịch sử cũng như giá trị của các di tích trên “cung đường di sản”. Các phần của phòng trưng bày như những mảng màu tương tác với nhau để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Chủ đề “Thiên nhiên và thần thoại” giới thiệu về thiên nhiên và đời sống thông qua các biểu hiện văn hóa – kết quả giao thoa giữa các yếu tố bản địa và ảnh hưởng ngoại lai. Chủ đề “Thương mại và trao đổi” phản ánh cuộc giao lưu giữa các cư dân bản địa với các lãnh thổ và nền văn minh láng giềng thông qua quá trình di cư, liên minh, trao đổi thương mại và chiến tranh. Chín điểm trưng bày tại 3 quốc gia sẽ tạo thành một mắt xích liên tưởng về giá trị của những di sản văn hóa tại các quốc gia này.

Không chỉ mang tính chất giới thiệu về lịch sử, giá trị văn hóa… của mỗi di sản, “bảo tàng tưởng tượng” còn làm công việc tìm những điểm tương đồng giữa các nền văn hóa, từ đó khu biệt thành những điểm nhìn chung. Việc trang trí hoa lá trên các kiến trúc, tưởng đơn giản, vậy mà lại mang những ý nghĩa rất lớn, và luôn có điểm chung giữa 6 di sản. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, họa tiết trang trí hoa lá được chạm trổ trên các đền tháp là biểu tượng của sự tinh khiết và bất tử luôn bừng nở, bất chấp sự hủy diệt của thời gian. Đơn cử tại khu đền tháp Mỹ Sơn, kiểu trang trí hoa văn mang đậm tính bản địa và được sử dụng khá phổ biến vào thế kỷ thứ VIII. Phần lớn các biểu tượng ở đền tháp bắt nguồn từ hệ thống biểu tượng và văn học Phật giáo, Ấn Độ giáo. Các biểu tượng đó chính là sự cộng hưởng giữa những tín ngưỡng bản địa lâu đời và sự hội nhập của các nền văn hóa mà dấu vết còn để lại đến hôm nay. Bà Katherine Muller-Marine - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc tổ chức những cuộc trưng bày như thế này nhằm đánh động ý thức của mọi người về những “di sản chung của chúng ta”. “Trước hết chúng ta phải ý thức rằng, cần phải đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, nâng cao năng lực và quan trọng là giáo dục thế hệ trẻ về những di sản văn hóa. Cuộc trưng bày lần này là cơ hội tốt để người dân 3 nước Đông Dương hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của những di sản, từ đó nâng cao tầm hiểu biết của người dân về vốn văn hóa” - bà Katherine nói.

Một số hiện vật, hình ảnh trưng bày.Ảnh: S.A
Một số hiện vật, hình ảnh trưng bày.Ảnh: S.A

Giới trẻ với di sản

“Trước hết chúng ta phải ý thức rằng, cần phải đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, nâng cao năng lực và quan trọng là giáo dục thế hệ trẻ về những di sản văn hóa. Cuộc trưng bày lần này là cơ hội tốt để người dân 3 nước Đông Dương hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của những di sản, từ đó nâng cao tầm hiểu biết của người dân về vốn văn hóa”.
(Bà KATHERINE MULLER-MARINE,
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam)

Tham gia lễ khai mạc triển lãm tại Mỹ Sơn, có khá nhiều chuyên gia trùng tu khảo cổ đến từ Italia. Mara Landoni, nữ kiến trúc sư có hơn 7 năm gắn bó với Mỹ Sơn, cho biết triển lãm rất hữu ích bởi giúp mọi người định hình về văn hóa của khu vực Đông Nam Á. “Đây còn thể hiện mối quan hệ hữu nghị rất tốt giữa các quốc gia. Thông qua văn hóa, sự nối kết giữa các quốc gia cũng sẽ bền vững hơn”, Mara cho biết. Còn với tiến sĩ Patrizia Zolese, cuộc trưng bày mang đến rất nhiều điều thú vị: “Những tấm pa-nô, hình ảnh mang nội dung rất hay, “nói” hộ những hiện vật đang ở rất xa khi các bạn chưa có điều kiện trực tiếp đến các di sản của Lào, Campuchia. Nhưng qua những hình ảnh và nội dung trên pa-nô, bạn cũng đã có thể hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của nó. Du khách sẽ biết được cư dân 3 nước khu vực Đông Dương và lưu vực sông Mê Kông trong quá khứ, những tương đồng về văn hóa, kinh tế, giao thương và nét sinh hoạt nổi bật”.

Khi chúng tôi hỏi về phương cách để “kéo” thế hệ trẻ đến với những di sản văn hóa và hào hứng tham gia những cuộc trưng bày như thế này, Patrizia chia sẻ rằng, muốn gìn giữ hay bảo tồn văn hóa thì trước tiên phải dạy cho giới trẻ về lịch sử, văn hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả tại buổi khai mạc cũng cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu quê hương và những giá trị văn hóa của địa phương. Ông đề nghị UBND huyện Duy Xuyên và Phòng Giáo dục huyện “gắn” hình ảnh trưng bày với quá trình giáo dục về văn hóa lịch sử cho các em. Với kỳ vọng này, hình ảnh nhiều học sinh xã Duy Phú (Duy Xuyên) tham dự hôm khai mạc triển lãm, say sưa nghe thuyết minh về từng hiện vật của Mỹ Sơn và các di sản khác… thật đáng quý.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết di sản chung Đông Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO