Gắn kết giúp nhau trong cuộc sống

ALĂNG NGƯỚC 29/06/2017 08:41

Không chỉ tạo nên sức mạnh cộng đồng, việc giao lưu gắn kết giữa các thôn bản trên địa bàn huyện Đông Giang trong thời gian qua còn góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Làng A Điêu xã Arooih được hình thành trên diện tích đất của người làng Tu Ngung (xã Arooih) hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Làng A Điêu xã Arooih được hình thành trên diện tích đất của người làng Tu Ngung (xã Arooih) hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Điểm sáng Kà Dăng

Sau gần 20 năm gắn kết, mới đây, lần đầu tiên đồng bào Cơ Tu ở thôn Nhiều 2 và Kà Đâu (xã Kà Dăng, Đông Giang) tổ chức ngày hội đoàn kết giữa nhân dân hai làng, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân các địa phương lân cận. Ngày hội đã để lại dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng vùng cao, như một dịp để người dân hai làng ôn lại truyền thống gắn kết tốt đẹp và xây dựng hương ước bền vững cho con cháu sau này. Theo ông Alăng Linh - Bí thư Chi bộ Kà Đâu, mối tình gắn kết giữa hai làng được vun đắp từ nhiều năm qua, với mong muốn thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết cộng đồng, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất,  phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. “Như năm ngoái, làng Kà Đâu dựng gươl, cũng nhờ nhiều anh em ở thôn Nhiều 2 đến giúp đỡ và hỗ trợ, từ vận chuyển gỗ, đào sân cho đến đục đẽo kiến trúc cho gươl. Suốt mấy tháng trời, người dân hai làng cùng bỏ công sức để hoàn thành các công đoạn làm gươl mới. Sau đó, phía làng Kà Đâu chúng tôi cũng tình nguyện cùng bà con làng Nhiều 2 tổ chức phát rẫy giúp gia đình ông Alăng Vun đang gặp khó khăn. Vì thế, người dân giữa hai làng cùng quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa và làm kinh tế gia đình. Làng bên này làm đám cưới hay công việc trọng đại gì cũng đều có mặt của làng bên kia và ngược lại, bởi chúng tôi xem nhau như anh em một nhà” - ông Linh cho biết thêm.

Ông Alăng Den - Chủ tịch UBND xã Kà Dăng cho hay, không chỉ giúp nhau trong lao động sản xuất, giữ gìn nếp sống văn hóa vùng cao, người dân ở hai làng Kà Đâu và Nhiều 2 còn hỗ trợ nhau trong đời sống kinh tế và thực hiện nhiều hoạt động tình nghĩa, mang giá trị nhân văn cao cả. Thông qua các dịp lễ tết, hội làng truyền thống Cơ Tu, ngoài thăm viếng nhau, nhân dân hai làng còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. “Hàng năm, dân làng hai bên đều đến thăm hỏi, tặng quà nhằm chia sẻ với những trường hợp khó khăn ở đôi bên, qua đó kịp thời động viên, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài Kà Đâu và Nhiều 2, tại xã Kà Dăng cũng có nhiều thôn bản lân cận tự kết nghĩa với nhau, tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng vùng cao, góp phần đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống đời thường” - ông Den nói.

Phát huy truyền thống tốt đẹp

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - bà ATing Tươi cho rằng, chính sự gắn kết giữa cộng đồng làng vùng cao trong những năm qua đã dần đẩy lùi những hiềm khích, những bất đồng trong đời sống của đồng bào. Do vậy, tinh thần đoàn kết phải luôn được phát huy, tạo sức lan tỏa lớn trong đời sống người dân ở các làng bản, để tiếp nối những truyền thống tốt đẹp vốn có.

Tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng vùng cao nói chung và đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang nói riêng được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Để lại nhiều câu chuyện cảm động từ việc gắn kết cộng đồng tại địa phương phải kể đến nghĩa tình đẹp đẽ giữa các dân làng Sơn với Bút Tưa (xã Sông Kôn); Aréh - Đhrôồng (xã Tà Lu); Tu Ngung - A Điêu (xã Arooih)… với nhiều hành động ý nghĩa dành cho nhau. Như chuyện của làng Tu Ngung, vào năm 2009, khi chứng kiến hàng chục hộ dân ở A Điêu phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” sau trận sạt lở đất kinh hoàng, đã tình nguyện đóng góp lương thực và hiến tặng hơn 6.000m2 đất để người A Điêu làm nơi lập làng mới. Ngày làng A Điêu được khánh thành, một cuộc vui chung giữa hai dân làng được tổ chức trong niềm vui khó tả. Từ làng Tu Ngung, đồng bào mang đến một vài vật dụng cần thiết, cắt cử thanh niên cùng hỗ trợ công sức cho ngày hội, ghi dấu thêm về mối tình đẹp đẽ giữa người dân hai làng. Bây giờ, khi cuộc sống đã dần ổn định, người làng A Điêu vẫn nhắc nhớ con cháu về câu chuyện ngày trước - những ân tình mà người làng Tu Ngung dành cho họ, để tiếp nối thêm những câu chuyện cảm động mới giữa hai làng.

Cũng như Tu Ngung và A Điêu, vào đầu năm nay, người dân ở làng Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn) cũng đã tổ chức ngày hội kết nghĩa, sau hàng chục năm gắn bó, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Mối tình đoàn kết giữa hai làng tiếp tục được thắt chặt hơn khi sự cố về “cái chết xấu” xảy ra tại làng Bút Tưa vào đầu năm 2014. Sau sự cố đó, bên cạnh giúp các hộ dân vận chuyển nhà cửa, tài sản, nhiều thanh niên ở làng Sơn còn trực tiếp tìm đến để động viên, giúp họ dần ổn định tâm lý, vượt qua hủ tục. Rồi, đích thân ông Alăng Dứi cũng tình nguyện hiến tặng hơn 200m2 đất, cùng vườn cây lòn bon để người làng Bút Tưa làm nơi dựng gươl mới, khiến nhiều người cảm động. Già làng Sơn - ông Alăng Prót khẳng định, người dân ở hai làng bây giờ đều hỗ trợ nhau trong cuộc sống, cùng phát nương chung, uống nguồn nước chung, hòa thuận như anh em một nhà. “Tình đoàn kết giữa hai làng sẽ mãi vững bền như cột gươl chính, không thể tách rời nhau” - ông Prót khẳng định.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết giúp nhau trong cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO