Nhận thấy thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của làng rau Trà Quế thiếu ổn định, Ban quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Cẩm Hà nhận làm đầu mối thu gom và tìm kiếm thị trường cho làng rau. Đến nay, làng rau Trà Quế đã tạo được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ rộng rãi…
Tìm đầu ra ổn định
Thôn Trà Quế nằm phía đông bắc xã Cẩm Hà với diện tích tự nhiên khoảng 60ha với làng rau Trà Quế vang tiếng từ bao đời nay. Năm 2003, UBND thị xã Hội An (cũ) đầu tư kinh phí hơn 2 tỷ đồng để san ủi mặt bằng, quy hoạch khu dân cư, tạo nên một vườn rau tập trung với diện tích 8ha. Năm 2004, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới ra đời. Tuy nhiên, lúc này việc tìm đầu ra cho sản phẩm là một trong những vấn đề bức thiết. Chị Võ Thị Bảy, một người trồng rau chia sẻ: “Trước khi HTX trở thành đầu mối tiêu thụ, rau Trà Quế chưa tìm được thị trường ổn định, giá cả bấp bênh, hay bị tiểu thương ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều gia đình đã không giữ nổi nghề truyền thống của quê hương. Làng rau Trà Quế đứng trước nguy cơ mai một. May mà có HTX vào cuộc nên làng rau vẫn còn giữ được cho đến bây giờ…”.
Phát triển du lịch làng rau Trà Quế là hướng đi được đẩy mạnh trong thời gian tới. Ảnh: M.HẢI |
Ra đời năm 1978 với gần 3.000 xã viên, HTX Nông nghiệp Cẩm Hà là tổ chức kinh tế tập thể gắn kết nông đân trên địa bàn phường Thanh Hà, phường Tân An và xã Cẩm Hà. “HTX đã sớm nhận ra việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng rau Trà Quế là một nhiệm vụ quan trọng để vừa có thể mang lại sự phát triển ổn định cho làng rau, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chính vì vậy, khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, HTX đã đảm nhận vai trò đầu mối thu gom và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho làng rau…” - ông Nguyễn Hoang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cẩm Hà cho biết.
Tháng 12.2005, HTX liên kết với siêu thị Metro Đà Nẵng về việc cung ứng rau cho siêu thị, nhờ đó, rau Trà Quế nhanh chóng có mặt tại siêu thị, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường. Để rau Trà Quế có thể vào được các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được “thương hiệu”. Năm 2007, HTX tiến hành lập thủ tục để sản phẩm rau Trà Quế được công nhận bản quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Với sản lượng lớn, chất lượng đáp ứng được yêu cầu thị trường, năm 2008, HTX đã tiếp cận với siêu thị Big C (Đà Nẵng) đưa sản phẩm rau vào tiêu thụ tại siêu thị và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Năm 2009, rau Trà Quế lại có mặt trong siêu thị CoopMart Đà Nẵng. Thu nhập của người dân trồng rau cũng được cải thiện từ đó… Hiện nay, mỗi ngày HTX nhập cho các đầu mối tiêu thụ từ 0,8 - 1 tấn rau. “Tính ra, mỗi sào rau người dân sẽ thu về 200 nghìn đồng trên mỗi sào/ ngày. Đó là mức thu nhập rất ổn định, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình” - ông Hoang cho biết thêm.
Phát huy thương hiệu
Để đẩy mạnh phát triển làng rau, trong những năm qua, TP.Hội An tiếp tục đầu tư 3,5 tỷ đồng cải tạo 10ha đất để đưa vào sản xuất. Đến nay, tổng diện tích vùng rau là 18ha với 200 hộ sản xuất và có trên 18 chủng loại rau như cải ngọt, cải xanh, cải trắng, mồng tơi, rau muống, húng, hành hương... Hiện nay, trung bình mỗi ngày làng rau Trà Quế sản xuất trên 2 tấn rau các loại. Rau Trà Quế cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng từ 1 - 1,2 tấn rau/ngày; số lượng còn lại được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hội An, Đà Nẵng và các chợ đầu mối. Năm 2011, HTX tiêu thụ gần 720 tấn rau, đạt doanh thu trên 8,6 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2012, HTX tiêu thụ 540 tấn rau, đạt doanh thu 8,1 tỷ đồng. Nghề trồng rau tại Trà Quế tăng thu nhập thêm cho người nông dân từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. “Ngoài việc trở thành đầu mối tiêu thụ rau cho các hộ nông dân, HTX còn là đơn vị trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rau sạch, đúng tiêu chuẩn để giữ gìn thương hiệu, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Yếu tố chất lượng luôn được Ban quản trị và người trồng rau đặt lên hàng đầu. Đã kinh doanh thì phải giữ được chữ tín mới có thể duy trì được…” - ông Nguyễn Hoang nói.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu, HTX đã chủ động phối hợp với Phòng VH-TT thành phố Hội An tổ chức tour du lịch sinh thái tại làng rau Trà Quế. Hàng ngày, làng rau đón từ 50 - 70 khách du lịch nước ngoài đến tham quan và đăng ký trải nghiệm việc trồng, tỉa như một nông dân thực thụ. Những ngày lễ, chủ nhật có lúc đón từ 100 - 150 lượt khách tham quan. Việc phối hợp tổ chức du lịch sinh thái ngoài tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, còn tạo được nguồn thu nhập nhằm góp phần đầu tư thêm cơ sở vật chất tại làng rau. Như vậy, có thể nói HTX Cẩm Hà đã làm tốt vai trò “bà đỡ” của các hộ nông dân sản xuất rau.
NGUYỄN DƯƠNG