Gần lắm Cầu Đất!

Minh Kiệt 08/02/2013 10:59

Lẫn trong khói lam chiều cao nguyên, bất chợt trước mắt kẻ du hành đơn độc vỡ òa hình ảnh thân quen với chợ nhỏ ven đường bày hàng rổ rá tre, chổi đót… Và, nước mắt chực trào ra khi nghe “Cái ni bán bao nhiêu ri? Bữa mô ghé nhà tui nấu mỳ Quảng ăn nghe!”...

Cầu Đất - Xuân Trường (Đà Lạt), nơi đóng chân “Sở trà cổ” nổi tiếng được ghi trong sách hướng dẫn du lịch. Nhưng với tôi, nơi đây gần gũi, đầm ấm hơn vì có cộng đồng người Quảng Nam đang làm ăn, sinh sống.

Người đầu tiên tôi dừng lại hỏi thăm trúng y người Quảng. Bà Nguyễn Thị Lài (70 tuổi - gốc Thăng Bình) bán bánh tráng nướng ở chợ Cầu Đất  đã hơn 10 năm nay. Bà chỉ tay quanh chợ nói: “Con hỏi 10 người thì hết 7 người là gốc Quảng rồi đó! Người Quảng mình vào đây lâu lắm rồi. Hồi xưa cực khổ vì đi làm phu nhưng giờ thì cuộc sống đã khá hơn nhiều”. Nhá nhem, khí trời lạnh buốt, ngồi bên bếp than hồng của bà Lài nghe bà kể chuyện ngày xưa mà tôi ngỡ đang ngồi bên bếp củi của ngoại. Năm bà 10 tuổi, cha bà mất đi người vợ hiền yêu dấu nên ông đã rời vùng quê cát trắng Thăng Bình để đi theo dòng người hướng về phía cao nguyên Lâm Đồng. Những năm 50 của thế kỷ trước, Sở trà Cầu Đất có nhiều người Quảng Nam vào đây làm nông phu cho những ông chủ người Pháp. Bà Lài móm mém nhai trầu rồi bảo: “Hồi đó dân Quảng mình vô đây làm phu trà. Cả ngày phơi lưng trên đồi trà, cặm cụi lựa trà, sấy trà. Làm mà không đúng thì bị mất cái ăn. Cái xứ ni, hồi nớ cọp beo cũng nhiều lắm. Đàn ông ngoài giờ làm ở Sở trà thì hay vào rừng cưa gỗ bán kiếm tiền thêm để phụ giúp gia đình. Được cái là ai mà đau ốm, nghèo khổ là mọi người xúm lại đỡ đần nhau”.

Những quán mỳ Quảng với nước nhưn đúng kiểu Quảng được bán ở Xuân Trường.Ảnh: MỸ DUNG
Những quán mỳ Quảng với nước nhưn đúng kiểu Quảng được bán ở Xuân Trường.Ảnh: MỸ DUNG

Xã Xuân Trường nằm cách thành phố Đà Lạt 25km về phía đông nam, trong đó Trường Xuân là ngôi làng có mặt sớm nhất ở Xuân Trường do 11 vị tiền hiền lập nên. Phần đông dân cư ở làng Trường Xuân là người Quảng Nam, Quảng Ngãi. Có gia đình sống hơn 3 thế hệ ở đây vẫn nói tiếng Quảng, ăn kiểu Quảng… Bà Lài nói tôi phải ở lại nhà bà một đêm để bà hỏi chuyện quê kiểng của mình. Đã lâu lắm rồi bà không được về thăm quê, cơn tai biến nhẹ đã khiến bà không đi lại xa được nữa và  ký ức chợ Quán Gò của cô bé 10 tuổi ngày nào vẫn còn như trước mắt của người đàn bà nay đã 70.

Chợ Cầu Đất buổi chiều mờ mờ trong sương, hình ảnh những người mẹ, người vợ tảo tần cứ khiến con người ta chỉ muốn đứng yên một chỗ mà tìm về tuổi thơ. Vì là giữa nơi thật xa đất Quảng lại có thể ăn tô mỳ Quảng đúng như tô mỳ mẹ nấu ở nhà, nghe lẫn trong gió là mùi cá kho dưa, là tiếng ai đó ru cháu ầu ơ: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”

Theo lời chỉ của bà Lài, tôi ghé nhà ông Trần Văn Cào tên thường gọi là  Năm Cào ở Xuân Thọ - Xuân Trường. Ở tuổi 93 mà trông ông như 70, mới nghe tôi cất tiếng chào, ông đã oang oang: “Mi người Quảng Nam phải không con? Tau nghe là nhận ra ngay!”. Ông Cào nhớ như in gia đình những người Quảng vô Xuân Trường cùng thời với mình, rồi ông trầm ngâm kể: “Thời của ông thì cực khổ chứ chừ thì khác rồi. Bà con mình chủ yếu làm la-gim, làm trà, trồng cà phê nhưng khá lắm! Nhà nào cũng khang trang, con cái học hành giỏi giang và luôn tự hào mình là người Quảng Nam”.

Không nói ra nhưng người Quảng Nam ở Lâm Đồng họ có quyền tự hào về gốc gác của mình. Ông Hoàng Hận - Phó Tổng biên tập báo Lâm Đồng hào hứng cho tôi biết: “Trong thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng từng có 13 người gốc Quảng, còn trước đó cũng có người gốc Quảng giữ những vị trí chủ chốt của Lâm Đồng và họ làm rất tốt nhiệm vụ của mình bằng tinh thần trách nhiệm rất cao”. Ông  Hận còn nhỏ nhẹ: “Tôi và nhiều người Quảng khi nào nhớ quê, thèm hương quê thì lại chạy xuống Xuân Trường”.

Suốt chặng đường trở về thành phố ngàn hoa, tôi cứ nhớ mãi những đôi má rám nắng đỏ ửng của những người đàn bà gốc Quảng ở chợ Cầu Đất. Nhớ đôi bàn tay xỉn màu vì phải lựa búp trà của cô Hai Thi. Nhớ cái cười móm mém của ông Năm Cào, bà Lài. Sẽ chẳng thể nào nói hết được cảm xúc của mình trong hành trình đi tìm đồng hương.

Minh Kiệt

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gần lắm Cầu Đất!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO