Gánh cá, gánh đời

Ghi chép của QUỐC TUẤN 12/01/2017 08:43

Những người đàn bà tuổi 50, 60 vẫn quang gánh chầu chực nơi cảng cá, những mong chắt chiu từng cắc bạc gửi về quê, nuôi con học hành. Họ nương tựa vào nhau, sớt chia nhọc nhằn giữa chợ đời mênh mông tối - sáng.

1. Hai giờ sáng, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, TP. Đà Nẵng đã náo nhiệt bởi âm thanh xình xịch từ tàu cá cập cảng, tiếng người í ới gọi nhau và xen lẫn cả tiếng kẽo kẹt từ đôi quanh gánh của những người đàn bà gánh thuê. Dưới ánh đèn loang lổ nơi cảng cá, từng đôi quang gánh ăm ắp hải sản cùng dáng người khắc khổ của những người đàn bà gánh cá thuê hắt xuống mặt đường phảng phất mặn tanh mùi biển cả. Bà Miền chồng đôi gióng lại một, kê chiếc đòn gánh vào giữa rồi ngồi thụp xuống bờ kè hướng đôi mắt về phía biển ngóng tàu cập cảng. Bà mới ra đây được hơn 2 tuần, vẫn còn lạ nước, lạ cái theo chỉ dẫn của một người hàng xóm tại xã Bình Dương, Thăng Bình. Lập cập ăn vội bát cơm lấy sức, bà Miền tất tả ra đây đợi từ khi đồng hồ chưa điểm qua 1 giờ sáng với hy vọng “vớ” được vài gánh cá từ các tàu cập bến sớm.

Mỗi gánh cá thuê thông thường chỉ có giá khoảng 2 nghìn đồng. Ảnh: Q.T
Mỗi gánh cá thuê thông thường chỉ có giá khoảng 2 nghìn đồng. Ảnh: Q.T

Bà Miền là một trong số hàng chục người phụ nữ ở xã Bình Dương hiện không có công việc ổn định do đã đứng tuổi, chồng thì đau ốm không thể bám trụ với biển khơi. Cứ luẩn quẩn ở nhà mãi với vồng khoai, sào lúa thì cuối tháng lại chạy vạy khắp nơi để kiếm vài đồng ít ỏi đong gạo nuôi bầy con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà Miền đành liều ra đây với hy vọng sẽ dằn túi được một ít về trang trải cho gia đình khi Tết Nguyên đán lại sắp về. Mấy ngày đầu, chẳng mấy thương lái chịu thuê bà gánh bởi sợ khuôn mặt lạ hoắc này sẽ làm mất gánh cá bạc triệu họ mua lại từ các chủ ghe. Bà Miền trầm ngâm: “Có bữa ngồi co ro đợi ghe cập bờ chuyển cá hơn nửa tiếng đồng hồ để gánh, ai ngờ có mối khác quen bên thương lái lại hớt mất”. Vòng đường của một gánh cá thuê 20 - 30kg dài khoảng 100m lại gánh từ dốc kè nên lắm cực nhọc nhưng chỉ có 2 nghìn đồng, nếu gánh sao biển hoặc loại gì đắt giá hơn thì đầu nậu cho thêm 1 đến 2 nghìn đồng. Cứ thế, đến khi mặt trời hửng nắng, người đàn bà khắc khổ ấy lại cẩn thận móc ra vuốt phẳng phiu mấy chục nghìn đồng để về trả tiền trọ và chắt bóp số tiền ít ỏi còn lại.

 Ở nơi chợ búa lắm thị phi này thì việc thân ai nấy lo là chuyện hiển nhiên, nhưng những người đàn bà xứ Quảng vẫn dành cho nhau cái tình của các mảnh đời cùng cảnh ngộ. Họ nhường người già gánh cá nhẹ, chia nhau “mối cá” khi ế hàng và cả đỡ đần nhau lúc trái gió trở trời.

Ở cảng cá Thọ Quang, đội quân gánh thuê lên đến vài trăm người có quê tứ xứ phần lớn là ở các tỉnh miền Trung bởi vậy nghề “nhặt bạc lẻ” này cũng lắm khốc liệt. Những người cùng tỉnh hay chụm lại ở với nhau để đỡ đần, chia sẻ, riêng Quảng Nam thì ở với nhau cùng huyện, thậm chí cùng xã do quá nhiều. Vì có quá nhiều “quang gánh” chực chờ nên hễ “sễnh” ra thì các đối thủ lại hớt mất mối cá. Làm nghề này buộc phải nhạy, vừa thỏa thuận được mối gánh thì phải cố giao hàng nhanh để còn làm gánh khác chứ thương lái chẳng hơi đâu mà chờ. Trong màn sương quặn mùi tanh mặn mòi của biển cả, những người đàn bà gánh thuê phải đảo mắt, sục sạo, quần thảo liên hồi để phát hiện ra những cái vẫy tay, tiếng í ới tìm mối gánh giao cá. Ở đây không có chuyện ngã giá, lươn lẹo để làm khó thương lái bởi mấy nghìn đồng cho một gánh cá đã là giá trần không thể lên mà cũng chẳng thể xuống thấp hơn được nữa. May ra, gặp mối hàng nào “sộp” một tí với các loại hải sản cao cấp thì được thêm ít tiền.
2. Ở nơi chợ búa lắm thị phi này thì việc thân ai nấy lo là chuyện hiển nhiên, nhưng những người đàn bà xứ Quảng vẫn dành cho nhau cái tình của các mảnh đời cùng cảnh ngộ. Bà Trần Thị Đoàn (trú xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) năm nay đã 68 tuổi, đến với nghề rất muộn chỉ cách đây 2 năm cũng vì chuyện cơm áo. Những người đồng hương luôn nhường bà những gánh cá nhẹ hơn. Bà Đoàn định cố nốt mấy ngày nữa hết năm sẽ về quê hẳn bởi cứ dăm ba ngày thì lại phải dùng thuốc nam xoa bóp khắp người để dịu đi cái ê ẩm từ đôi quang gánh hằn lại khiến mấy chị, em ái ngại và thương cảm vô cùng.

Lui hui nấu ăn trong gian trọ ẩm thấp chừng 10m2, chị Nguyễn Thị Thu Tâm (trú xã Bình Chánh, Thăng Bình) được phân công nấu ăn cho gần chục người trong “hội đồng hương tây Thăng Bình” sống cùng phòng trọ đang ngủ lấy lại sức trên gác lửng. Họ đều đến từ các xã Bình Định Bắc, Bình Lãnh, Bình Trị… và có điểm chung đều không có việc làm ổn định. Do phần nhiều làm thời vụ, nên tiền trọ ở đây được trả theo ngày với giá khoảng 10 nghìn đồng/người/ngày. Giá nào thì phòng đấy, cả khu trọ đều ọp ẹp không khác mấy khu nhà “ổ chuột” nhưng chẳng ai lấy làm phiền lòng bởi giá rẻ và chỉ là chỗ nghỉ tạm bởi thời gian họ bám víu ở cảng cá nhiều hơn số giờ nghỉ ngơi tại đây.

Chị Tâm đã “bám trụ” với nơi này được gần 5 năm nên cũng thạo nghề, thạo người và cũng “mai mối” được công việc cho không ít người đàn bà khác cùng quê. Hồi đó, thằng con trai đầu lòng của chị vừa đỗ Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh trong niềm vui khôn xiết nhưng cũng vương vấn ưu tư của hai vợ chồng. Chồng chị Tâm cũng chỉ quanh quẩn với 6 sào ruộng khó lòng đảm đương được cho con cái đang vào giai đoạn ngả rẽ cuộc đời. Nhờ dẫn dắt của một người chị hàng xóm, chị Tâm cũng dò dẫm bước vào nghề với bao trắc trở, nhiêu khê. Bây giờ, chị đã có được nhiều mối quen, gánh được các mối tôm tít đến gần trưa hoặc làm thêm được một ít vào buổi chiều nên hầu như ít có thời gian về quê.

Trên sàn gác lửng tạm bợ, tất cả đều đang ngái ngủ sau một đêm làm việc mệt mỏi. Chị Tâm vừa lặt mớ rau khoai dập, úa để nấu canh với số cá xin được ở chợ vừa nói vọng lại, mùa này thì thưa người chứ vào mùa hè biển êm có khi hơn 20 người nằm la liệt trông không khác gì cảnh sơ tán tránh bão lũ. Họ đến rồi đi theo thời gian, có người về lo đồng áng, mùa vụ xong lại tất tả quay ra, có người chỉ mấy ngày đã không bao giờ trở lại bởi nghề quá bạc. Chị Tâm năm nay cũng đã gần 50 tuổi, sức khỏe cũng không còn dẻo dai như trước nhưng ngặt cái cậu con út chỉ mới vừa vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm đầu. Trong cơn mưa rào phập phù chớm sáng, chị Tâm ước thời gian qua thật nhanh cho hai đứa con trai sớm tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Lúc đó chị sẽ cắp quang gánh về lại quê nhà, để tâm trí bớt hằn nỗi lo toan và để đôi vai gầy bớt những vết dằm của gió sương, biển cả.

Ghi chép của QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gánh cá, gánh đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO