Gánh nặng môi trường

TRẦN HỮU 30/11/2016 08:45

Thiếu nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý môi trường, các “điểm đen” ô nhiễm vẫn chậm khắc phục... luôn là lực cản với các địa phương trong phát triển bền vững.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải.  TRONG ẢNH: Công trình xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.  Ảnh: HỮU PHÚC
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải. TRONG ẢNH: Công trình xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC

Xử lý chưa triệt để

Từ năm 2010, UBND tỉnh đã lên danh sách 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý, nhưng đến nay vẫn còn 5 cơ sở công ích tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc phục. Tại các bệnh viện - nơi cần hệ thống xử lý chất thải rắn cũng tạo ra “khoảng trống” trong đầu tư. Hầu hết trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh chưa được chấp thuận tự xử lý chất thải y tế nguy hại vì hồ sơ môi trường chưa hoàn thiện, lò đốt cũ kỹ, xuống cấp không đảm bảo. Công tác xử lý chất thải rắn chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp thủ công. Khu vực đồng bằng và trung du được xử lý tập trung tại 3 bãi rác ở Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (huyện Núi Thành), bãi rác Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) và 1 nhà máy sản xuất phân compost đang hoạt động tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An) với tổng công suất thiết kế 55 tấn rác sinh hoạt/ngày. Còn khu vực miền núi là các bãi rác thủ công quy mô nhỏ lẻ với diện tích dưới 0,5ha. Ngoài ra, các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Núi Thành, Phước Sơn, Nông Sơn, Nam Giang còn đầu tư các lò đốt rác tại chỗ.

Năm 2015, tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh hơn 6.763 tấn nhưng các đơn vị chức năng mới xử lý khoảng 2.782,69 tấn (đạt 41%) chất thải nguy hại phát sinh. Hai đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam và Công ty TNHH An Sinh đầu tư nhà máy tái chế chất thải nguy hại tại huyện Đại Lộc.

Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây hơn 2 năm, nhưng ở nhiều nơi, nhất là các địa phương miền núi vẫn xoay xở khó khăn. Số liệu thống kê của Sở TN-MT cho thấy, tỷ lệ các hộ dân đăng ký thu gom rác thải khu vực miền núi chỉ đạt 30 - 40% tổng lượng rác xả ra. Rác thải công cộng, vô chủ còn nhiều, trong khi mức thu phí vệ sinh còn thấp. Vùng nông thôn của tỉnh đạt 70% và thành phố khoảng 80% giá thành dịch vụ dẫn đến tình trạng thu không đủ chi. Mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải ở nhiều địa phương lúng túng hoạt động do thiếu tiền chi trả cho người lao động. Các khu công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 43%, hiện chỉ có 3/27 đô thị trên địa bàn tỉnh có công trình xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Báo động là các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý này chỉ chiếm chưa đến 2%. Hầu như các cụm công nghiệp đều không đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Thăng Bình... mỗi cụm công nghiệp chỉ có 1 - 2 nhà máy.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, thực trạng chung là có quá nhiều cụm công nghiệp ra đời trên địa bàn tỉnh, nhưng hầu như “quên” đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Quan điểm của sở sắp đến là tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, rà soát loại bỏ một số cụm công nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Tại TP.Hội An, phát triển kinh tế, du lịch đang tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Mấy năm nay, hơn  2.000 người dân của phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) và hơn 400 hộ dân Cẩm Hà (TP.Hội An) sống chung với ô nhiễm từ các bãi rác. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An chính là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các điểm quan trắc ở các khu vực nhạy cảm về môi trường. Thực tế các điểm quan trắc trên địa bàn còn khá thưa thớt, nên các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường vẫn chưa quyết liệt.

Không đánh đổi môi trường

Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Thị Tuyết Hạnh khẳng định, nhiệm vụ xuyên suốt của đơn vị là tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch vùng và phát triển địa phương, loại bỏ những cụm nhỏ lẻ (chỉ có 1 - 2 nhà máy). Nâng cao chất lượng hiệu quả các báo cáo đánh giá tác động môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp. Trước mắt, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông. “Một số điểm nóng về môi trường hoặc không được sự đồng thuận cao của cộng đồng như nhà máy sản xuất Sô đa, nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín, một số trang trại chăn nuôi... gây mất an ninh trật tự tại địa phương sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian đến” - bà Hạnh nói.

Thời gian qua, nhiều địa phương bám sát kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án quy hoạch chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Các khu công nghiệp, đô thị, bệnh viện xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; kiểm soát và xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, giải pháp quản lý hiệu quả nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về bảo vệ môi trường luôn được các địa phương đưa vào kế hoạch, nhiệm vụ năm. Từ năm 2017, Sở TN-MT tập trung thanh tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên và xả thải ra sông, ra biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, quan điểm nhất quán của tỉnh là xem xét không thu hút đầu tư các dự án về dệt nhuộm, sản xuất, chế biến và thuộc da, xi mạ luyện kim và sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại. Nếu thu hút đầu tư, thì cân nhắc lợi - hại, xem xét loại hình sản xuất phải theo quy hoạch chung của tỉnh. Không thu hút dự án mà đánh đổi môi trường. “Xét cho cùng, chúng ta phải kiểm soát được ô nhiễm và quản lý chất thải; tăng cường hậu kiểm và xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gánh nặng môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO