Mùa tựu trường đã vãn mà dư âm những “hoang mang” vẫn còn. Lang thang trên mạng, hay đọc báo, nghe đài, không thấy cái “hoang mang” dịu dàng như cái thời Thanh Tịnh tả mà chỉ thấy rộn chuyện long óc.
Nào là những con đường đến trường dằn xóc bao gập ghềnh ở nhiều vùng quê. Có nơi học trò vẫn qua sông bằng bao nilon. Có nơi bùn lầy lở núi, cầu sụp, nhà trôi do thủy điện xả lũ, thầy trò phải leo đồi đi trú tạm…
Nào là sách vở vẫn nặng nề, rối rắm tập đánh vần đến nội dung bài tập đọc như “quả bứa” chua chát. Lại nghe chuyện “áp phe” lợi ích nhóm trong in sách cho học trò, thu được mấy trăm tỷ rồi hàng chục nghìn tỷ đồng (?).
Rồi cũng đến khai giảng, nói mãi mà chả mấy cải tiến khi có nơi quan chức vẫn phát biểu dài dòng với bài giáo huấn đọc năm nào cũng thế, ở đâu cũng được. Còn nhà báo thì xúm xít quay phim chụp ảnh nhặng xị trước ánh mắt những cô cậu học trò ngơ ngác…
Những chuyện trên khiến người viết chợt nhớ hình ảnh đầy thách thức của dân gian xứ Quảng thường đố ai gánh nước bằng giỏ bội.
Giỏ bội của người Quảng Nam và nhiều vùng ở miền Nam thường đan bằng tre. Người ta hay dùng giỏ bội để gánh cỏ, gánh phân, gánh sắn… nhưng không ai dùng để gánh nước cả. Bởi giỏ có lỗ nan thưa, đựng nước gì được. Có lẽ câu đố gánh nước bằng giỏ bội nẩy ra từ thực tiễn, để rồi đem vào các cuộc hò khoan đối đáp làm cho đối thủ “nghẹn họng”, tựa như câu ca “đố ai ngồi võng không đưa” hay ru con không hát vậy.
Tuy thế, kiểu gánh nước bằng giỏ bội cũng có khi hữu dụng. Ấy là lúc gánh đôi bội đựng phân chuồng đi bỏ ruộng xong, anh chàng lười thì cứ chạy xuống sông hồ mà nhún lên xuống cho nước rửa sạch phân sót trong bội. Hay có khi gánh nguyên giỏ đựng khoai sắn mới đào đem nhúng và chao bùn đất trôi đi thì được việc mà đỡ tốn công.
Bây giờ làm sao ta gánh đôi giỏ bội như thế ra đời mà bàn chuyện nước non đây? Cứ mỗi ngày lên mạng, hay truyền thông đại chúng, dù có sưa sớt thì vẫn thấy vài ba câu chuyện khác nào gánh nước bằng giỏ bội. Quá thách thức cho trí tuệ để nghĩ suy cái gì cho phải lẽ, cho hữu dụng. Đôi bội gánh phân mà cứ rửa ra ao làng hay sông đời thì có thể sạch cho mình mà thêm dơ cho người. Như cái việc đổi mới, cải cách tứ tung lung xèng, vá víu mà vẫn đầy lỗ hổng, chỉ tổ chọc cho người ta chửi vung lên. “Vũ khí” chửi trên mạng cũng như dùng giỏ bội gánh nước, lọt đi nhiều mà người đáng nghe vẫn không nghe (hay không cần nghe). Có lúc giỏ bội gánh nước được như vụ mua bản quyền đá banh, chửi vung vít rồi cũng có anh chạy ra gánh giùm. Nhưng lắm chuyện chửi cũng không ăn thua, người bị chửi lì mặt không lên tiếng nên rồi sự việc cứ chìm dần. Lại có lúc lộ rõ “hiệu ứng đám đông” chửi một cách mù quáng, ném phân thêm vào giỏ cho thối um cả làng. Vậy nên nói người ngay ngắn, tử tế mà biết dùng giỏ bội để gánh gì cho hữu dụng, cho được việc hữu ích là nói sự chọn lựa và chọn lọc. Lựa gánh sắn mà lọc sạch bùn. Lựa khúc sông phía dưới người đang tắm mà rửa giỏ bội mới khỏi bị mang tiếng ác và bị chửi.
Cái giỏ bội của người Quảng, người Việt, khác chi cái giỏ đựng than trong câu chuyện bên Âu Mỹ? Chuyện rằng, một ông già đọc sách, đọc đi đọc lại nhiều lần đến sờn cũ cả sách mà vẫn say mê. Đứa cháu ông hỏi sao mỗi ngày cứ đọc sách hoài mà nó muốn thử vẫn không hiểu, và vì sao phải đọc sách. Ông già mới bảo cháu lấy giỏ đựng than đi gánh nước. Người cháu mấy lần đi gánh, dù chạy chậm hay nhanh thì về nhà vẫn không được giọt nước nào, nhưng vẫn cố sức làm. Cuối cùng ông già bảo cháu nhìn lại và chỉ cho cháu thấy chiếc giỏ đã sạch bóng. Nước có thể rửa sạch giỏ đựng than. Sách có thể gội rửa tâm hồn. Trang sách, hay trang báo, trang mạng mà làm được cái việc hữu ích thế còn gì bằng. Giáo dục - cái giỏ tri thức của xã hội, cần gánh những trang sách hữu ích, giàu tính nhân văn cho con trẻ và cả người lớn nữa, đừng vô lối gây “hoang mang”!
NGUYỄN ĐIỆN NAM