(QNO) - Suốt 8 năm qua, từ ngày mẹ bỏ đi biệt tích, Lê Trần Trọng Nhân (9 tuổi, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) lớn lên trong tình yêu thương của bà và đến trường bằng những đồng tiền ít ỏi mà bà ngoại kiếm được trong từng gánh rau.
Nhân thường ngồi trước nhà học bài đợi ngoại về. Ảnh: MAI QUANG |
Ngôi nhà của hai bà cháu Nhân nằm sâu trong con hẻm dẫn vào thôn Vân Tiên, xã Bình Đào. Trong ngôi nhà cũ tối màu xi – măng, điểm sáng nhất có lẽ là hai tấm giấy khen mà Nhân nhận được trong hai năm học qua.
Ngày Nhân cất tiếng khóc chào đời cũng là ba em có vợ khác. Không lâu sau đó, mẹ em cũng bỏ đi. Thương cháu, bà Hồ Thị Sáu (77 tuổi, bà ngoại Nhân) mang em về nuôi dưỡng.
Hằng ngày, trên chiếc xe cũ cọc cạch, bà Sáu chở Nhân đến trường rồi cần mẫn đạp gần 10 cây số để đến chợ bán rau. Trên chiếc yên sau gỉ sắt, bà Sáu chất đầy những bó rau: rau lang, rau cải… Những bó rau ấy một phần là do chính tay bà trồng, phần còn lại bà mua thêm về bán lại, đặng kiếm thêm ít tiền lo cho Nhân. Những bó rau chất cao che cả tấm lưng còng cõi vì năm tháng của bà.
Hôm nào bán hết rau thì bà kiếm được ba bốn chục nghìn, chắt chiu mua đồ ăn, dụng cụ học tập, sách vở cho Nhân. Những hôm trái gió trở trời khiến căn bệnh tim của bà trở nặng thì hai bà cháu đành ăn cơm trắng với nước mắm.
Từ ngày Nhân đi học mẫu giáo đến giờ, mọi chi phí học tập đều do một mình bà Sáu lo toan, bươn chải. Có những lúc ngặt nghèo, thiếu hụt nhưng Nhân chưa phải nghỉ học một buổi nào. Thiệt thòi hơn bạn bè nhưng Nhân học rất giỏi. Hai năm học qua, Nhân luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc với điểm thi Toán rất cao. Mọi người trong xóm vẫn thường gọi Nhân với cái tên “Siêu nhân tính nhẩm”, bởi Nhân tính nhẩm và làm toán rất nhanh. Không những thế, Nhân còn vẽ rất đẹp. Thi thoảng, em vẫn thường vẽ tặng cho ngoại những bức tranh về hai bà cháu, về luống ra trước nhà đã nuôi lớn em trong suốt những năm qua.
Nhân giúp ngoại mọi công việc lặt vặt trong nhà như quét nhà, rửa chén. Ảnh: MAI QUANG |
“Thương thằng nhỏ lắm, ba mẹ bỏ đi biền biệt, có mấy trung tâm bảo trợ ngỏ ý gửi nó vào đó để người ta nuôi dưỡng vì thấy hai bà cháu cơ cực quá, nhưng khi hỏi nó thì nó nói con chỉ muốn ở với ngoại thôi, không ăn cơm với thịt cũng được, ngoại đừng gửi con vào đó” - bà Sáu nghẹn ngào.
Xếp lại mấy bộ quần áo, Nhân nhanh nhẹn chỉ cho chúng tôi về bộ đồ em thích nhất. Đó chính là bộ quần tây áo trắng được mọi người may cho. Hai năm học qua, Nhân chỉ có một bộ đồng phục duy nhất. “Con sẽ học thật giỏi để trở thành thầy giáo dạy Toán, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại để ngoại không phải đi bán rau nữa”, Nhân hạnh phúc chia sẻ về ước mơ tương lai của mình.
Mặt trời khuất dần sau ngọn tre làng, hai bà cháu Nhân kết thúc một ngày với mâm cơm trắng với độc nhất dĩa rau lang luộc...
MAI QUANG