Gập ghềnh xuất khẩu lao động

TRẦN HỮU 31/05/2016 08:27

Con đường xuất khẩu lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 huyện nghèo Nam Trà My, Phước Sơn và Tây Giang theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã trở nên gập ghềnh và bộc lộ không ít bất cập khi nhiều trường hợp người lao động lâm vào cảnh nợ nần, vi phạm pháp luật...

Chị Jơđel Bún (xã Lăng, Tây Giang) gặp khó khăn sau khi về nước. Ảnh: TRẦN HỮU
Chị Jơđel Bún (xã Lăng, Tây Giang) gặp khó khăn sau khi về nước. Ảnh: TRẦN HỮU

Đột ngột “mất tích”

Từ năm 2015 đến nay, tại  huyện  Nam Trà My không có trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài theo Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Còn ở huyện Phước Sơn, dù đã tư vấn tới 433 thanh niên ở 29 thôn thuộc các xã của huyện nhưng chỉ có 2 lao động sang nước ngoài làm việc, chủ yếu đi lao động ở thị trường Malaysia. Hai năm gần đây, nhiều lao động dù đã hết hạn hợp đồng không về lại nước rồi “mất tích” một cách khó hiểu. Ông Hồ Văn Thôi (xã Phước Kim, Phước Sơn) từ ngày qua nước ngoài làm việc đến nay hầu như không liên lạc, cũng như gửi tiền về gia đình. Chính quyền địa phương, gia đình đã tìm mọi cách để nắm tung tích của lao động này nhưng bặt vô âm tín. Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn, trên địa bàn có 7 trường hợp ở lại trái phép khi lao động ở nước ngoài.

Thống kê tình hình xuất khẩu lao động tại huyện Nam Trà My từ 2009 - 2015 cho thấy, trong số 450 đối tượng lao động nước ngoài thì chỉ có 145 trường hợp đã về nước đúng thời hạn, 99 trường hợp về trước thời hạn, hiện còn 206 lao động quá hạn chưa về nước (195 đối tượng quá hạn, 11 đối tượng còn hạn hợp đồng).

Một số công nhân đang làm việc bất ngờ bỏ việc ở công ty, chuyển qua lao động “chui”. Chị Jơđêl Bún (23 thôn Aró, xã Lăng, Tây Giang) đi xuất khẩu lao động tháng 4.2010. Qua Malaysia làm việc được một thời gian, chủ trả lương thấp, ép tăng ca nhưng trả tiền 1 nửa, bị nợ lương, công ty môi giới bỏ rơi… nên Bún bỏ ra ngoài bán hàng ở chợ. Tuy nhiên, do hộ chiếu bị chủ cũ giữ nên chị bị phía cảnh sát Malaysia bỏ tù 6 tháng. Theo lời chị, trước đây nghe Công ty Liên Việt hứa hẹn qua Malaysia làm việc 3 năm dư được 150 triệu đồng nên đăng ký đi, nhưng không ngờ lại vướng vòng lao lý. “Chừ về nước tay không, nợ ngân hàng chưa trả hết trong khi em không có việc làm ổn định” - Bún cho biết.

Thống kê sơ bộ từ các các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, có hàng chục đồng bào dân tộc thiểu số hết hạn lao động ghi trong hợp đồng ký kết nhưng không chịu về nước, đột ngột “mất tích” nên hầu như doanh nghiệp, địa phương không nắm thông tin.  

Bất cập

Ông Võ Văn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn cho rằng, 3 năm gần đây, việc xúc tiến xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a gặp khó khăn do nguồn thu nhập thấp, không đủ hấp dẫn với đồng bào. Người lao động địa phương có nhu cầu lao động tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan nhưng không đáp ứng về khả năng tài chính, trong khi thị trường Malaysia có chi phí thấp, phù hợp với lao động phổ thông nhưng thu nhập đem lại không cao. Ông Ba nói: “Công tác xúc tiến lao động đa dạng nhưng thực chất chưa đem lại hiệu quả. Hoạt động tư vấn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến lao động của cán bộ cấp xã rất hạn chế. Đồng bào thiếu tay nghề, ngoại ngữ yếu…”.

Nhiều lao động thiếu ý thức kỷ luật, không phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc với cơ quan, tổ chức nhờ can thiệp mà tự ý bỏ ra ngoài làm việc nên bị sa thải và phải tự lo mọi chi phí về nước. Theo ông Ba, sự can thiệp giúp đỡ người lao động của doanh nghiệp còn chậm, cá biệt có đơn vị tuyển dụng, môi giới lao động còn vi phạm pháp luật. Hai năm nay, một số doanh nghiệp do không tuyển dụng được nguồn lao động địa phương nên lơ là luôn công tác thông tin, tuyển dụng. Đồng bào thì cũng ít quan tâm đến thị trường lao động nước ngoài. Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My khẳng định, bất cập là ngành chức năng địa phương rất thiếu thông tin về đồng bào mình khi làm việc ở nước ngoài, chỉ nắm số lượng lao động xuất cảnh, nhưng không nắm được số lao động về nước (hết thời hạn, vi phạm hợp đồng lao động...). Các công ty môi giới sau khi đưa lao động xuất cảnh, thiếu báo cáo về tình hình làm việc chấp hành kỷ luật của lao động, không báo cáo số lao động đã về nước.

Công bằng mà nói, doanh nghiệp nào có uy tín, trách nhiệm thì công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá và tích lũy được vốn để khởi nghiệp sau khi về nước. Thực tế có doanh nghiệp chỉ tập trung lo tuyển dụng người lao động cho đủ số lượng mà ít quan tâm xem họ có nhu cầu gì không trong khi làm việc hoặc sau khi hết hạn hợp đồng. Ông Ba kiến nghị, Sở LĐ-TB&XH cần chọn và giới thiệu những công ty tham gia đưa người dân đi xuất khẩu lao động có uy tín và trách nhiệm xã hội. Mặt khác, nhất thiết phải đào tạo lại tay nghề, kiến thức cơ bản cũng như giúp đồng bào tuân thủ nghiêm ngặt các quy định làm việc bên nước bạn. Định kỳ 6 tháng thông tin tình hình việc làm và thu nhập người lao động về địa phương và gia đình biết.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gập ghềnh xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO