Gặp gỡ tháng Tư

VINH ANH 28/04/2015 11:13

(QNO) - Lần thứ 2 kể từ sau ngày giải phóng, những người mẹ, người chị từng là đồng chí, đồng đội thời kháng chiến mới có cuộc trùng phùng trong nỗi xúc động ngẹn ngào xen lẫn niềm hạnh phúc vô bờ bến…

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh (TP.Tam Kỳ) vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử, do Ban Liên lạc phụ nữ kháng chiến Quảng Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức. Hơn 100 cán bộ phụ nữ Quảng Nam thời kỳ kháng chiến dự buổi gặp mặt.

Giây phút xúc động, hạnh phúc sau bao nhiêu năm gặp lại của các mẹ, các chị - những phụ nữ Quảng Nam thời kháng chiến. Ảnh: VINH ANH
Giây phút xúc động, hạnh phúc sau bao nhiêu năm gặp lại của các mẹ, các chị - những phụ nữ Quảng Nam thời kháng chiến. Ảnh: VINH ANH

Trùng phùng

Trong niềm xúc động sau nhiều năm, các mẹ, các cô không thể cầm nước mắt khi được gặp lại đồng chí, đồng đội cũ. Có những người đồng đội phải sau 40 năm mới có cơ hội gặp nhau. Và hạnh phúc nhất, như lời các mẹ, các cô chia sẻ, đó là họ vẫn nhận ra và gọi đúng tên nhau.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh nói: “Ôn lại những ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng ấy để thấy được những chiến công to lớn, những hy sinh thầm lặng của các mẹ, các chị cho quê hương, đất nước. Những chiến công ấy được bồi đắp để khẳng định sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam, của quê hương Quảng Nam trung dũng kiên cường. Những hy sinh của các mẹ, các chị là huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta đi đến ngày thống nhất đất nước. Các chị, các mẹ rất xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, là tấm gương sáng không chỉ cho phụ nữ mà cho các tầng lớp nhân dân noi theo…”.

Suốt buổi gặp mặt, mế Alăng Đog, 80 tuổi, quê ở xã Lăng, huyện Tây Giang (nay sống ở TP.Tam Kỳ) không rời người bạn cũ Cơlâu Năm nửa bước. Hai người cứ quấn quýt, hết ôm hôn rồi bẹo má, nắm tay… như hai đứa trẻ lâu ngày gặp lại. Trên hàng ghế dành cho huyện Tây Giang có 7 đại biểu dự buổi gặp mặt thì chỉ mỗi mế Đog không mặc áo truyền thống Cơ Tu. Nhìn vẻ bên ngoài không có ai biết mế là người Cơ Tu chính gốc. Mãi đến khi mế cất lời: “Mế là người Cơ Tu đây. Ngày trước mế sinh ra ở xã Lăng, Tây Giang, lớn lên theo cách mạng, theo Bác Hồ đánh giặc. Rồi mế gặp và lấy chồng bộ đội, theo về sống ở Tam Kỳ”.

Mế Đog là một trong những cán bộ làm công tác phụ nữ huyện Hiên (nay huyện Tây Giang) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những thế hệ như mế Đog, mế Cơlâu Năm đã trở thành niềm tự hào cho phụ nữ Cơ Tu. Họ là những người mẹ, người chị Cơ Tu từng tham gia đùm bọc, che chở, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, bộ đội. Những cán bộ phụ nữ như mế Đog còn lãnh đạo, vận động chị em phụ nữ Cơ Tu trực tiếp đấu tranh với giặc để bảo vệ cách mạng, bảo vệ bộ đội… “Bốn mươi năm rồi, hôm nay mới được gặp lại những chị em ở Tây Giang ngày đó. Mế rất vui và bất ngờ!” - mế Đog chia sẻ.

Xứng danh Anh hùng

Cô Phan Thị Yến Nhi - Trưởng Ban liên lạc phụ nữ Quảng Nam thời kháng chiến chia sẻ cùng đồng chí, đồng đội một thời: “Hôm nay, trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng ta có dịp gặp lại những người đồng chí, đồng đội thân thương. Giờ đây, chúng ta có thể hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh ác liệt đầy hy sinh và gian khổ, có cả máu và nước mắt của bao thế hệ phụ nữ. Đó cũng là thời kỳ oanh liệt, hào hùng của phụ nữ Quảng Nam”.

Lần theo ký ức của các mẹ, các cô, từ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đến thời kỳ chống Mỹ, phụ nữ Quảng Nam đã cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Những người chị, người mẹ Quảng Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng cùng nhau góp “Quỹ độc lập” mở “Tuần lễ vàng” để chuẩn bị kháng chiến lâu dài từ trong thời chống Pháp. Những phong trào như “Hội mẹ chiến sĩ” nhiệt tình đóng góp cho “Quỹ nuôi quân”, “Quỹ phản công”; rồi các phong trào “Đàn gà kháng chiến”, “Luống rau kháng chiến”,… là minh chứng sống động về những đóng góp của phụ nữ Quảng Nam cho kháng chiến.

Phụ nữ kháng chiến miền núi Tây Giang chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Phụ nữ kháng chiến miền núi Tây Giang chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Đặc biệt là những phong trào đấu tranh trực diện với kẻ thù như chống đàn áp, chống khủng bố, chống bắt lính… với tinh thần sắt đá “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Hay tinh thần kiên cường, anh dũng, gan dạ của những “Đội quân tóc dài”. Những người chị, người mẹ ở khắp các địa phương trong tỉnh, từ đồng bằng cho đến miền ngược đã quyết bám trụ quê hương với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời, “Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ”…

Ngợi ca đức hy sinh cao cả vì nghĩa lớn quên việc nhà, phụ nữ Quảng Nam thời bấy giờ lưu truyền và nhớ mãi về những câu thơ dành cho liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Huỳnh (quê Bình Giang, Thăng Bình): “Ở nhà con trẻ đừng trông/ Mẹ đi công tác chỉ trong ngày này/ Gạo kia, khoai mẹ để đây/ Các con trưa sẽ lấy ra mà dùng/ Chị bồng đứa bé sau cùng/ Nhìn con lòng lại bùi ngùi xót thương/ Nhưng chị cần phải khẩn trương/ Thu xếp đồ đạc lên đường đấu tranh…”.

Từ trong chiến tranh đã xuất hiện những biểu tượng cho lý tưởng anh hùng cách mạng, sự hy sinh của phụ nữ Quảng Nam như: Anh hùng Trần Thị Lý, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ,… được nhân dân cả nước ngợi ca và mãi nhớ đến. Cô Hồ Thị Kim Thanh - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Quảng Nam thời kháng chiến khẳng định: “Sự anh dũng, kiên cường của phụ nữ Quảng Nam đã được cả nước biết đến, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Và đến nay, chỉ có phụ nữ Quảng Nam mới được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba, và cũng chỉ có phụ nữ Quảng Nam được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là niềm tự hào của phụ nữ Quảng Nam mà các thế hệ hôm nay và mai sau cần biết đến để tiếp nối, phát huy truyền thống”.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gặp gỡ tháng Tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO