“Cơn mộng mị” là tựa đề tuyển tập thơ của Phạm Viết Thiên, do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 10.2021. Thơ người bạn cũ khiến tôi giật mình, đầy rung động.
Ngày ấy, có lần tình cờ tại một quán cà phê, tôi gặp nhóm thân hữu dăm ba anh em tụ tập vốn là bạn đồng môn, đồng thế hệ… trong đó có Phạm Viết Thiên. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thiên là dáng vẻ bên ngoài mộc mạc, hồn hậu, chân chất… Thế mà, anh lại rất say sưa trò chuyện về nghệ thuật, về thi ca, về một mối tình hoa mộng thuở học trò!
Từ sau lần đó, mấy chục năm liền, hầu như tôi chưa một lần gặp lại Thiên. Thỉnh thoảng, có nghe dăm ba tin tức về anh, rồi thôi. Nhưng giờ đây, trước mặt tôi, người đàn ông đứng tuổi, pha lẫn chút nét bụi bặm, phong trần, trong giây lát vẫn không thể khiến tôi nhầm lẫn ký ức: Phạm Viết Thiên - gã trai trẻ của một thời đầy đam mê, khát vọng.
Câu chuyện của Thiên từ mấy chục năm trước như vừa mới hôm qua, nay được tiếp tục với tập bản thảo thơ “Cơn mộng mị” trên tay: “Đá dựng nỗi sầu cao như núi/Nước trải lòng ta vợi biển khơi/Phải chi ta như là thanh củi/Cháy phức một lần xong quách thôi/Ước chi thân như là cát bụi/Ném cái xòa trước gió tả tơi” (Ở Hải Vân, 1976).
Không đợi phải nghe Thiên tự sự dài dòng về chuyện tình, chuyện đời thăng trầm, xuôi ngược mấy chục năm qua. Thơ của anh đã nói lên tất cả. Thơ ấy đã dự báo tự thuở mười tám, đôi mươi: “Ta cũng mấy phen đời lận đận/Hai bàn tay vỗ chẳng trọn lòng/Cát bụi đường xa vàng màu áo/Ta đi về chiếc bóng hư không” (Với thu xa, 1973).
Trong lời bạt, nhà thơ Đynh Trầm Ca viết: “...Phạm Viết Thiên dùng từ đơn giản trong thủ pháp lặp, điệp rất điêu luyện để tăng kịch tính và trúc trắc cho thơ khá hay. Đơn cử khổ 2 trong bài “Tự truyện”: “con đường ta đi, chỉ với con đường/vừa khóc vừa đi lò dò hụt hịt/bước thấp bước cao, rách da rách thịt/cô độc cô đơn, cô độc cô đơn” đủ thấy Phạm Viết Thiên giỏi tạo nhịp điệu và khắc họa hình ảnh trong thơ.
Câu đầu “con đường ta đi, chỉ với con đường”, từ “con đường” điệp ở đầu và cuối câu tạo nên một trạng thái. Trạng thái gì? Chưa rõ ràng. Ta đọc tiếp đến câu thứ 4 “cô độc cô đơn, cô độc cô đơn” thì vỡ lẽ “là trạng thái hoang mang trong cô độc”. Sự bắt đầu vô lý đến tầm phào của câu thơ “con đường ta đi, chỉ với con đường” hóa ra là do ta đang thất thần, thất thần đi trong hoang vắng lòng của chính ta”.
Đinh Thị Ca, một người bạn học cũ của Thiên chia sẻ: “Một phần hai thế kỷ đã trôi xa, những Hòa Vang, Đông Giang của thời áo trắng sân trường với gió thoảng, mây qua, ngày ươm nắng… vẫn in hằn kỷ niệm trong thơ bạn. Những vần thơ này sẽ đánh thức bao nhiêu kỷ niệm về bạn, về Hòa Vang một thời trong tâm cảm nhiều đồng môn cùng trang lứa 1967 - 1974, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm trường Hòa Vang tuổi 60 (1961 - 1921). Riêng tôi, xin gửi đến bạn lời cảm ơn chân thành về những vần thơ tặng”.
“Cơn mộng mị”. Với hơn 40 bài thơ về chặng đường dài bằng nửa thế kỷ. Phạm Viết Thiên gần giống như đi trên con đường mộng mị của riêng mình. “Con đường ta đi buồn lắm/Càng đi càng vắng chân người”.
Và đôi khi: “Mấy độ luân hồi sống qua sống lại/Chứng nào tật ấy ta đi…” (Tự truyện). Nay thật vui mừng, bạn đọc và những người thân quý ở chốn cố hương đã có dịp hội ngộ, chia sẻ cùng anh. Xin chúc mừng và mong Phạm Viết Thiên tiếp tục hành trình trong cơn mộng mị, rong chơi miên viễn, dẫu nhiều xót xa, nhưng cũng đầy hứng khởi và thăng hoa.