Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8.1945, Hội An là một trong những địa phương đứng lên đấu tranh và giành thắng lợi sớm nhất tại Quảng Nam, trước khi lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương được truyền đến. Rạng sáng 18.8, Hội An hoàn toàn giải phóng, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Tỉnh đường Hội An. Đã 69 năm trôi qua, ít ai biết rằng một trong hai người được giao nhiệm vụ may lá cờ ngày ấy đến nay vẫn còn minh mẫn và đang sống vui vẻ bên con cháu giữa lòng phố cổ yên bình.
Ông Phan Trí bên bia di tích lịch sử tại số 10 đường Trần Hưng Đạo, phường Minh An, TP.Hội An, nơi trước đây là tòa Tỉnh đường Hội An. |
Ông là Phan Trí (93 tuổi), hiện sống tại số nhà 7/22 đường Thái Phiên, khối phố Xuân Lâm, phường Cẩm Phô, TP.Hội An. Tuổi cao cùng với những vết thương trong tháng ngày bị tù đày tại Côn Đảo khiến việc đi lại của ông gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong ký ức của mình ông Trí vẫn nhớ như in thời khắc 3 giờ chiều 17.8.1945, khi mà ông và người đồng đội Lưu Quý Kỳ được Ủy ban bạo động Hội An giao nhiệm vụ may lá cờ đỏ sao vàng năm cánh chuẩn bị thay thế lá cờ của chính quyền địch khi khởi nghĩa giành thắng lợi, nhân dân chiếm được Tỉnh đường Hội An. Công việc may cờ phải gấp rút hoàn thành để kịp bàn giao cho Ban bạo động tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền. Ông Phan Trí nhớ lại: “Tôi và anh Kỳ đã bàn kỹ lưỡng và thống nhất chọn một ngôi nhà tại làng Kim Bồng làm địa điểm may cờ. Chọn địa điểm này vì lúc đó tôi đang làm Bí thư Phân đoàn Thanh niên Việt Minh làng Kim Bồng nên vấn đề địa hình và an ninh nắm rất rõ. Ngay trong chiều hôm đó chúng tôi tập kết tại địa điểm đã chọn, đến 9 giờ tối thì lá cờ được may xong. Diện tích của lá cờ tôi cũng không nhớ rõ lắm, nhưng chiều dài thì khoảng hai mét”.
Địa điểm số 10 đường Trần Hưng Đạo, phường Minh An hiện nay chính là nơi tọa lạc của Tỉnh đường Hội An xưa. Đến bây giờ, đã 69 năm trôi qua, ông Trí vẫn không thể nào quên khí thế sôi nổi vào đêm 17 rạng sáng 18.8, khi ông và lực lượng khởi nghĩa hơn 3.000 người từ khắp nơi đổ về trung tâm Hội An, bao vây các cơ quan đầu não của địch. Bia di tích lịch sử đặt tại số 10 Trần Hưng Đạo ghi: “6 giờ ngày 18.8.1945, đoàn quân khởi nghĩa của Hội An đã bao vây Tỉnh đường buộc tỉnh trưởng bù nhìn phải giao nộp ấn tín…, chấm dứt sự tồn tại của chế độ thực dân, phong kiến tại Quảng Nam”. Ông Phan Trí xúc động kể: “Tối hôm ấy, sau khi may xong lá cờ, chúng tôi gấp rút bàn giao lại cho chị Nể (bà Phan Thị Nể, vợ đồng chí Võ Chí Công - NV) rồi trực tiếp tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Lúc ấy tôi thu được 6 khẩu súng, phát cho anh em mỗi người một cây”. Theo lời ông Trí, sau khi khởi nghĩa tại Hội An thắng lợi, chính quyền thuộc về tay nhân dân, ông cùng lực lượng khởi nghĩa tiếp tục kéo lên chi viện cho phủ Điện Bàn, Duy Xuyên rồi vào Tam Kỳ, khí thế như chẻ tre, đi đến đâu chính quyền bù nhìn phải xin đầu hàng đến đấy không có nơi nào dám kháng cự.
Gần 70 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về ngày tổng khởi nghĩa với ông Trí như chỉ mới đâu đây. Đồng đội, chiến sĩ, bạn bè trang lứa - những người cùng ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ngày ấy nay chẳng còn được mấy người. Nhưng những câu chuyện về họ, về ông - những người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Tổ quốc sẽ còn được con cháu, thế hệ hôm nay và mai sau nhớ mãi.
XUÂN HIẾU - THANH NHẤT