Bà từ trên rẫy chạy về, nói trong hơi thở gấp, là vừa thăm mấy sào keo, vừa kiếm thuốc nam uống. Xuống Đà Nẵng chụp phim, toàn bộ xương sống, khớp tay, chân đã bị thoái hóa, thuốc tây chất cả rổ, ớn quá rồi. Tay sần sùi, đen đúa, người mỏng như hạt mưa, bà nói có chi mà kể…
Bà Hồ Thị Khuê và cháu ngoại. Ảnh: Trung Việt |
Thật là tôi hơi ngạc nhiên khi bà Hồ Thị Khuê, ở xã Quế Ninh huyện Nông Sơn - một nữ giao liên được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà không chức vụ phẩm hàm gì, chỉ là đội viên giao liên. Tôi có lần nghe một nhà báo nguyên xuất thân dân sinh viên tranh đấu, nói nếu có quyền, ông sẽ phong anh hùng cho tất cả các chiến sĩ giao liên trong chiến tranh. Chính họ chứ không ai khác, nếu có chết thì chết đầu tiên khi chiến dịch nổ ra, khi đưa các đội công tác từ núi xuống đồng bằng, từ vùng ven vào thành, dẫn quân lặng lẽ áp sát vành đai. Đi trước, hứng đạn đầu tiên, ngả nào, đường nào dẫn vào chỗ chết hoặc an toàn, chính họ nắm trong bàn tay, chính họ chọn lựa cửa tử sinh cho mình cùng mọi người khi tình huống bất ngờ xảy ra. Vì thế, tôi đọc lướt qua bảng thành tích của bà: từ năm 1966 đến 1974, làm việc dẫn đường đưa chỉ huy huyện Nông Sơn, Quế Sơn từ thượng nguồn Thu Bồn xuống các cơ sở hợp pháp chỉ đạo đấu tranh, bao lần ngậm công văn trong miệng giả điên, giả làm trẻ chăn mất em kêu khóc để lọt qua bót giặc, bao lần đối đầu với giặc càn dũng cảm cầm AK bắn thẳng chấp nhận hy sinh để chỉ huy thoát chết… Những gạch đầu dòng đơn giản, nhưng lằn ranh sinh tử hằn lên, mới thấm cái điều lâu nay người ta đã nói, anh hùng đâu phải là phải làm việc tày đình như thánh tướng, mà sự lớn lao đôi khi được quyết định bởi những suy nghĩ bé nhỏ nhưng cực kỳ dũng cảm và mưu trí của những con người bé nhỏ. Thời bình, bóng họ nhòa đi, lẩn khuất giữa những quân hàm, quân hiệu, thậm chí rơi vào quên lãng…
Bà nói, chuyện xét phong anh hùng trầy trật. Từ năm 1996, hồ sơ bà đã có, nhưng rồi người ta nâng lên hạ xuống này nọ. “Tôi chán, xuống huyện hốt giấy tờ về cất. Lúc tôi 7 tuổi, cha đi tập kết, mẹ tôi mới 25 tuổi, bị ép ưng người khác mới yên thân, nên tôi phải về sống với bà ngoại. Tôi có được học chữ mô đâu, 10 tuổi đã đi giữ trâu rồi theo cách mạng từ đó. Được kết nạp Đảng năm 17 tuổi, bao lần suýt chết, có tiếc chi đâu, nên người ta khi xét nói nặng - nhẹ, tôi bực. Đến khi chia huyện năm 2008, mấy anh ngoài Quân khu 5 nói nên làm lại. Mình đâu biết chữ, nhớ đâu kể đó, giấy khen trong chiến tranh, huân huy chương, lụt lội bao lần lút nhà, chỉ ôm giấy tờ chạy, nên còn nguyên đó, anh em viết giúp. Rồi mình cũng được phong tặng”. Về hưu năm 1978 vì mất sức và không có trình độ học vấn gì, bà trở về với ruộng đồng. “Có nghĩ được anh hùng đâu, lo làm ăn nuôi đàn con, Nhà nước xét thấy thì phong thôi”. Bà nói bình thản như đang nhai trầu. Bốn đứa con đã lớn đang ở cùng, nhưng chỉ một người có việc làm, thêm cháu nữa, lương của bà và chồng là chủ tịch xã đã về hưu, tằn tiện lắm mới đủ nuôi. “Được phong anh hùng, cô nghĩ gì?”. “Đó là an ủi cho mình, cho bao chị em giao liên đã chết. Hồi đó chỉ có nữ làm giao liên là chính thôi, bởi thuận tiện hơn nam, dễ lọt qua được dò xét. Biết bao chị em đã chết!”. Tôi nhớ những thước phim đã chiếu, cô giao liên đi đầu, súng ngang người, sau lưng là những cánh quân. Chiến tranh đi qua, những người đó, công trạng của họ bây giờ, hình như chỉ được nhớ trong những bài hát. Nhà thơ Bùi Minh Quốc, thời chiến tranh, sống chết tại Quảng Nam, từng có bài thơ “Người đàn bà đi dép một chân”, viết về một nữ giao liên vùng cát cháy Bình Dương. Chính người này đã dẫn đường cho ông cùng nhiều người khác thọc sâu xuống vùng địch, nhưng lại đi bằng một chân bởi chân kia đã cụt vì chuyến công tác trước dẫn đoàn đi bị vướng mìn. “Chỉ có những người thoát chết nhờ họ mà không mắc bệnh lãng quên, mới nhớ họ”. Bà gật đầu khi tôi nói điều này, rồi quày quả đi bồng đứa cháu ngoại đang khóc.
Vùng này, dù là thượng nguồn sông Thu Bồn, nhưng nổi tiếng là lụt to, năm nào nước cũng ngập nửa nhà. Bảy người chen chúc trong nhà chưa tới 25m2. “Đây thiếu chi đất, ở chật, lại thấp lụt, sao cô chú chịu nổi? ”. “Còn có miếng đất vườn của bà nội để lại, nhưng không có tiền. Tôi có đứa con gái đã lớn, nhưng đau bệnh chi không rõ, ở nhà ngày nào cũng tốn 70 nghìn đồng tiền thuốc giảm đau cho hắn, rồi mấy đứa kia ăn theo cha mẹ nữa, hỏi chú ở quê mà rứa thì tiền đâu làm nhà? Tôi chỉ trông Nhà nước giúp, rồi tôi bán cây, bán ruộng để làm cho rộng và cao hơn, chứ năm nào cũng chạy vài ba trận lụt, cực không chi bằng”.
TRUNG VIỆT