Ghi ở Nam Lào - Bài 2: Nghe và thấy

TRẦN HỮU PHÚC 13/08/2013 08:54

Từ lâu, các tỉnh Nam Lào đã tạo ấn tượng về sự đa dạng của sắc màu văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống tinh thần giàu tính nhân văn. Ở đó, các bộ tộc Lào và cộng đồng người Việt đoàn kết, yêu thương nhau như anh em một nhà.

  • Ghi ở Nam Lào - Bài 1 : Vào "cửa ngõ" đông - tây
Nhiều đường phố ở Lào thưa thớt phương tiện giao thông.
Nhiều đường phố ở Lào thưa thớt phương tiện giao thông.

Những người anh em

Nước Lào đất rộng người thưa, đường sá xây dựng thông thoáng nhưng không dễ gì bắt gặp cảnh phóng nhanh vượt ẩu của người lưu thông. Còn ở khu phố sầm uất như Paksé, dù lượng xe qua lại dày đặc nhưng ít khi xảy ra cảnh tắc đường. Ở đây cũng chẳng mấy khi nghe tiếng còi xe, bởi chỉ có những trường hợp khẩn cấp lái xe mới “được phép” bấm còi. Trên suốt chặng đường từ tỉnh Attapeu về Savanakhet dài hơn 700km, chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng một cảnh sát giao thông. Cái nếp nghĩ đi đứng đúng luật, nhường nhau khi tham gia giao thông đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi người Lào. Khi nhận biết có xe báo hiệu “xin đường”, người lưu thông sẵn sàng ép sát lề đường, hoặc dừng lại chờ cho xe vượt qua rồi mới tiếp tục đi. Phương tiện di chuyển chủ yếu trên đất Lào là ô tô. Ngay ở khu vực nông thôn, cảnh nông dân lái ô tô đi làm ruộng không phải là chuyện hiếm. Đại tá Chẹng Say-nhạ-vông  - Giám đốc Công an tỉnh Sê Kông cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông ở Lào chủ yếu xử lý những vụ tai nạn, tham gia điều tiết giao thông vào những ngày lễ hội, còn gần như ít tuần tra, chặn xe giữa đường vì người tham gia giao thông rất có ý thức chấp hành quy định. Nhiều người Việt sống lâu năm ở đây bảo, hỏi đường mà nếu gặp Cảnh sát giao thông Lào, có thể sẽ được họ mời lên xe chở đến tận nơi.

Trong những ngày theo đoàn công tác của tỉnh dự Hội nghị cấp cao thường niên Quảng Nam - Sê Kông năm 2013, chúng tôi thật xúc động trước những tình cảm, ứng xử của những người bạn Lào anh em. Do tốc độ đường truyền internet tại trung tâm La Mạn quá chậm, chúng tôi đành gửi nhờ cậu bé đang chơi game trong một tiệm internet chuyển mail giúp, để đi cùng đoàn cho đúng giờ. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, quay trở lại, tôi vẫn thấy cậu bé ngồi đấy. Hỏi sao nhịn ăn trưa, cậu bé thật thà bảo, cháu đợi chú về giao lại máy móc. Cậu bé giới thiệu tên là Soukanh, học sinh của một trường tiểu học tại La Mạn.

Hàng thủ công Lào bán dọc đường ở trung tâm huyện La Mạn.
Hàng thủ công Lào bán dọc đường ở trung tâm huyện La Mạn.

Đến những quán ăn bình dân ở Sê Kông, thực khách được đón tiếp niềm nở; nếu lỡ bị thối thiếu tiền, chủ quán lập tức tìm bạn để trả ngay. Hiền lành, thật thà, trung thực là những tính cách của người Lào. Ông Bô Nhơn (tên thật Lê Viết Muồn, quê Hội An), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, nguyên Bí thư, Tỉnh trưởng Sê Kông cho biết, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Phật giáo, nên cơ bản người Lào rất hiền, sống chân thành. “Nạn trộm cắp vặt, gây mất an ninh trật tự tại Lào rất ít xảy ra. Mọi người không phân biệt dân tộc nào, hễ sinh sống trên đất Lào đều rất đoàn kết, giúp đỡ nhau” - ông Bô Nhơn quả quyết.

Lang thang trên đất Lào, tôi còn biết phía bạn luôn ưu ái tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt định cư lâu dài. Gia đình chị Nguyễn Thị Dân (quê Tuy Hòa, Phú Yên) mở quán phở Hào Phong tại trung tâm huyện La Mạn hơn 10 năm nay, được chính quyền sở tại đến tận nhà giúp đỡ làm những thủ tục cần thiết. Theo quy định của Lào, muốn được công nhận là Việt kiều, phải biết nói, biết đọc và hiểu biết về phong tục, tập quán của người Lào. Việt kiều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn qua quá trình phỏng vấn mới cho nhập quốc tịch. Theo chị Dân, dù chưa nhập quốc tịch Lào, nhưng các quyền lợi mà gia đình chị đang hưởng cũng chẳng khác gì một công dân Lào.

Tình Việt nơi đất khách

Người Việt định cư, làm ăn ở Champasak, Sê Kông, Savanakhet… từ nhiều thế hệ nay. Trên đất Lào, ghé vào các khu phố ẩm thực, kinh doanh buôn bán, quán ăn bình dân ven đường thi thoảng nhìn thấy bảng hiệu ghi toàn tiếng Việt. Lang thang ở La Mạn, Paksé, Savanakhet mà cứ ngỡ như đang ở quê nhà. Chị Nguyễn Thị Anh (quê phường An Xuân, TP.Tam Kỳ), chủ quán cơm Huyền Anh, qua tỉnh Savanakhet buôn bán đã hơn 12 năm. Chị Anh bảo, người Việt sống ở đây ít hơn Paksé, hay La Mạn - Sê Kông. Quán chị rặt món ăn Việt với đặc sản mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống, cơm gà bà Luận, bán cả rượu gạo nữa. “Người Lào, Thái Lan cũng thích các món ăn này lắm, chứ đâu riêng gì xứ Quảng quê mình” - chị cười bảo. Người Việt ở Lào thường sống theo xóm, do vậy mà nhiều nơi tên đất tên làng cũng mang dấu ấn rất Việt Nam. Có người sinh ra, lớn lên tại đây không nói được tiếng Việt, nhưng những phong tục, tập quán ở quê hương họ vẫn luôn giữ gìn.

Thiếu nữ Lào rất mến khách.
Thiếu nữ Lào rất mến khách.

Tôi hỏi Văn Nà Sit - chuyên viên Sở Ngoại vụ tỉnh Sê Kông, nguyên là sinh viên của trường Đại học Quảng Nam - người Việt ở Lào sống chủ yếu bằng nghề gì, giàu có hơn người Lào không? Anh quả quyết, nếu là Việt kiều làm ăn lâu năm, chắc chắn giàu hơn. Họ sống đủ nghề từ mở quán cà phê, điện thoại di động, buôn bán phế liệu, cắt tóc, sửa chữa xe máy, ô tô… Riêng tại huyện La Mạn, số người Việt sinh sống lên đến con số hàng trăm. Theo Văn Nà Sit, người Việt ở Lào hầu như giữ nguyên phong tục văn hóa quê hương. Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt cũng nấu bánh tét, bánh chưng, làm dưa hành, rồi cùng rủ nhau đi chúc Tết. Khi đến tết cổ truyền của Lào, người Việt cùng ăn lễ chung. “Người Việt ở đây sống có tình lắm. Người nào đau ốm, hay gặp hoạn nạn, khó khăn đều được cộng đồng đùm bọc cưu mang” - lời Văn Nà Sít.

Những năm qua, khi Quảng Nam gặp thiên tai, bão lụt, cộng đồng người Việt ở các tỉnh Sê Kông, Champasak luôn quyên góp tiền về chia sẻ, ủng hộ. Hội người Việt ở các địa phương được thành lập, là cầu nối trao đổi thông tin, cùng giúp nhau phát triển. Tại các tỉnh Sê Kông, Attapeu, Champasak… đến nay đã xây dựng trường Hữu nghị Việt - Lào. Trường là nơi mà công dân hai nước Việt - Lào cùng tìm hiểu, học hỏi ngôn ngữ lẫn nhau. Nhiều người Lào đưa con em của mình đến trường Hữu nghị học với hy vọng sau này cho sang du học tại Việt Nam. Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Paksé, hiện có hơn chục nghìn người Việt sinh sống tại các tỉnh Nam Lào, nhiều nhất là ở tỉnh Champasak. Dấu ấn văn hóa Việt luôn in đậm trên đất Lào...

Một thoáng qua đất Nam Lào, tận mắt thấy và nghe mới cảm nhận vẻ đẹp quyến rũ của cao nguyên Boloven và tình người thẳm sâu nơi đất khách.

-----------------
Bài cuối: Nghĩa nặng tình sâu

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi ở Nam Lào - Bài 2: Nghe và thấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO