Ghi từ cơ sở

VĂN HÀO 18/08/2015 12:55

Cụ thể hóa 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều địa phương, tộc họ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tiếp nối thành tích đạt được để đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của địa phương.

 Thôn Thạnh Hòa 1 (xã Tam Đàn, Phú Ninh) đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện 6 năm liền. Ảnh: VĂN HÀO
Thôn Thạnh Hòa 1 (xã Tam Đàn, Phú Ninh) đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện 6 năm liền. Ảnh: VĂN HÀO

1. Câu chuyện xích mích giữa anh em nhà chị N.T.C. (thôn Thạnh Hòa 1, xã Tam Đàn, Phú Ninh) mới đây nhanh chóng được tổ hòa giải thôn giải quyết êm xuôi, tránh được việc đơn thư kiện tụng ra xã. Chị C. cho hay, chỉ vì con bò đi ăn cỏ vướng phải thép gai bị thương nhưng cô em chồng cho rằng do gia đình chị đánh đuổi nên mới vậy. Thế là người này viết đơn kiện, còn người kia tuyên bố sẵn sàng đi “hầu”. Tuy nhiên, chỉ qua vài giờ đồng hồ can thiệp, 7 thành viên tổ hòa giải thôn Thạnh Hòa 1 đã thuyết phục hai gia đình nhận ra điều gì nên làm, tình cảm gia đình vẫn là trên hết… thế là lại gắn kết như trước. Ông Ung Tấn Long - Trưởng thôn Thạnh Hòa 1 chia sẻ, đó chỉ một câu chuyện nhỏ, nhưng nếu không biết cách giải quyết sẽ bị xé ra to, gây mất đoàn kết, chia rẽ tình thân.

“Qua 20 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện những gương cá nhân, tập thể điển hình xây dựng phong trào. Cuộc vận động đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ vào nhận thức người dân để xây dựng nếp sống đẹp đẽ ở các khu dân cư” (Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

Về Thạnh Hòa 1 hôm nay, con đường bê tông chạy dọc cánh đồng lúa. Cách đây không lâu, điện đường được thắp sáng gần 2km càng tiếp thêm sức sống cho một làng quê có 245 hộ với 6 năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện. Chị Tạ Thị Thủy - Trưởng ban vận động thôn Thạnh Hòa 1 cho biết, để khơi dậy sức dân, đẩy mạnh phong trào, đảng viên luôn là người tiên phong đi đầu, những thiếu sót được kịp thời họp dân rút kinh nghiệm, chỉnh đốn. “Ngày hội đại đoàn kết hàng năm, chúng tôi ghi danh những gia đình đạt văn hóa vào sổ vàng rồi biểu dương trước toàn dân để tạo hiệu ứng lan tỏa. Quan tâm chuyện học hành của con em, 100% số hộ trong thôn tham gia đóng góp quỹ khuyến học, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - chị Thủy nói. Ông Ung Tấn Long cho biết thêm, ở địa phương không có người vi phạm pháp luật hay mắc tệ nạn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 2,5 - 3%; thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 25 triệu đồng/năm. Năm 2013, thôn Thạnh Hòa 1 được biểu dương khu dân cư tiêu biểu cấp tỉnh.

2. Là một trong những khu dân cư vùng đô thị có địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và có đông đồng bào theo đạo, nhiều năm qua, Ban công tác Mặt trận khối phố 4 (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) luôn chú trọng tuyên truyền, tổ chức đối thoại với nhân dân, phát động rộng rãi phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ông Phạm Xuân Đức - Trưởng khối phố 4 cho biết, để đạt được thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu khối phố văn hóa cấp phường, thành phố (giai đoạn 2009 - 2014), mặt trận, ban ngành, đoàn thể của khối phố phát động phong trào thi đua với hơn 10 mô hình. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên. Đặc biệt, là khu dân cư mà số người đăng ký tạm trú chiếm đến 50% tổng số dân nhưng trị an của khối phố 4 luôn đi vào nền nếp nhờ các mô hình tự quản. Hiện khối phố 4 còn 9 (trong tổng số 315) hộ thuộc diện nghèo; trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, khối phố đạt hơn 85% số gia đình văn hóa.

Bí thư Chi bộ khối phố 4 - ông Bùi Như Tri cho biết, địa bàn có 3 tổ chức tôn giáo. Giữa địa phương và các tổ chức tôn giáo thường xuyên kết nối để cùng tham gia các chương trình xã hội, hoạt động hướng thiện. “Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, chúng tôi thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện đến những gia đình chính sách, người có công. Ngoài ra, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên kịp thời nắm bắt nguyện vọng, cùng nhân dân giải quyết ổn thỏa những vướng mắc trong đời sống” - ông Tri nói.

3. Trong quá trình 10 năm phát động xây dựng tộc họ văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ Nguyễn Văn ở thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã cùng với địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ngay tại nhà thờ tộc họ, công tác răn dạy, nhắc nhở con cháu được thể hiện thông qua những hình ảnh hoạt động. Ông Nguyễn Thưởng - thành viên hội đồng gia tộc Nguyễn Văn cho biết, gia tộc có 98% số gia đình đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, nhiều năm liền tộc họ được TP.Tam Kỳ và tỉnh tuyên dương về mô hình tộc họ không có người sinh con thứ ba. “Cứ đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), tộc họ lại tổ chức gặp mặt để giáo dục truyền thống cho cháu con. Ngoài ra còn là dịp để mừng thọ, phát thưởng. Nhận thức được việc xây dựng tộc họ văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên các thế hệ đi trước luôn là tấm gương về lối sống, đạo đức nhân cách để cho con cháu làm theo” - ông Thưởng chia sẻ.

Trưởng tộc Nguyễn Văn Thái cho biết, tộc Nguyễn Văn tính đến nay đã là đời thứ 15, hiện có 8 phái. Gia tộc đã có 2 tiến sĩ, 10 thạc sĩ và nhiều con cháu đang học đại học. Nguồn quỹ khuyến học của tộc họ hiện có gần 200 triệu đồng. “Hàng năm, họ tộc Nguyễn Văn còn làm tốt công tác trợ giúp hộ nghèo, hộ khó khăn của thôn Ngọc Mỹ. Tình cảm của tộc chúng tôi còn được thể hiện thông qua những hành động tổ chức lễ mừng thọ, khen thưởng cho người dân của thôn; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đến với các tộc họ khác trên địa bàn” - cụ Thái chia sẻ.

Trên tinh thần đoàn kết, nhân dân thôn An Bình (xã Bình Chánh, Thăng Bình) sẵn sàng đóng góp xây nhà văn hóa thôn. Ảnh: VĂN HÀO
Trên tinh thần đoàn kết, nhân dân thôn An Bình (xã Bình Chánh, Thăng Bình) sẵn sàng đóng góp xây nhà văn hóa thôn. Ảnh: VĂN HÀO

4. Công trình Nhà văn hóa thôn An Bình (xã Bình Chánh, Thăng Bình) vừa khánh thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7.2015. Bên trong có dựng những tấm bảng lớn để “ghi công” người dân và bà con xa quê đóng góp vật chất xây dựng. Chỉ tay lên những con số không giống nhau, ông Nguyễn Văn Lăng - Trưởng thôn An Bình giải thích: “Chúng tôi vận động nhân dân trên tinh thần tự nguyện nên nhiều hộ khá giả đóng góp mức khá cao, có gia đình ủng hộ 5,5 triệu đồng, với mong muốn có được một nhà văn hóa thôn rộng rãi, tiện nghi. Riêng đội ngũ cán bộ ban quân dân chính thôn, đoàn thể (gồm 13 người) còn tự nguyện đóng góp mỗi người 30 ngày công để tiết kiệm chi phí, dành tiền cho các hoạt động khác. An Bình cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng đây là thôn đi đầu của xã Bình Chánh trong công tác bàn giao mặt bằng, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện nhờ làm tốt công tác dân  vận”.

Lấy kinh tế làm nền tảng, phát huy tinh thần học hỏi, giúp đỡ nhau vươn lên làm ăn, hiện thôn An Bình chỉ còn 5 (trong tổng số 215) hộ thuộc diện hộ nghèo. Theo như lời chia sẻ của ông Huỳnh Văn Mỹ (52 tuổi) - chủ cơ sở làm bún khô tại địa phương, từ những cách làm hiệu quả như mô hình trồng nấm, làm bún, đầu tư máy móc cơ giới hóa nông nghiệp hay chăn nuôi, nhiều gia đình học tập lẫn nhau để có những hướng phát triển kinh tế hiệu quả. “Làm ăn kinh tế luôn gắn liền với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa nên đã phát huy được vai trò tình làng nghĩa xóm ở địa phương. Như ngay trong các cuộc vận động quyên góp, nhà nào có điều kiện sẵn sàng “mát tay” đóng góp, coi như là bù luôn cho nhà còn khó khăn đóng góp ít hơn chứ không so đo, toan tính chi cả” - ông Mỹ nói. Trưởng thôn Nguyễn Văn Lăng còn cho hay, giai đoạn 2000 - 2014, An Bình đều giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa tăng theo từng năm và hiện đạt 96,6%.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO