Tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My bắt đầu giảm cước từ ngày 5.2 nhưng hầu như hành khách đều không được hưởng lợi.
Đầu giờ chiều ngày 6.2, tuyến xe buýt thị trấn Trà My đi TP.Tam Kỳ xuất phát từ thôn 2, xã Trà Đốc, tới khu vực thị trấn Trà My mới bắt đầu có khách lên xe. Trên hành trình các chặng còn lại trên tuyến, tất cả hành khách đều phải trả cước với giá cũ. Bảng giá cước cũ dán trên xe vẫn không thay đổi. Một hành khách tên H. (trú tại TP.Tam Kỳ), phản ứng: “Nghe nói giá cước xe buýt đã giảm vì giá xăng, dầu liên tục giảm, sao vẫn thu như cũ?”. Tài xế liền giải thích: “Giảm chứ, nhưng chỉ giảm cước 5 nghìn đồng/lượt cho khách đi suốt tuyến, còn lại thì không giảm”. Nghĩa là nếu hành khách nào đi suốt tuyến, đầu bến từ Trà Đốc đến TP.Tam Kỳ và ngược lại, được giảm cước từ 40 nghìn đồng xuống còn 35 nghìn đồng, bằng mức cước từ thị trấn Trà My đi TP.Tam Kỳ và ngược lại. Một hành khách khác phàn nàn: “Chỉ giảm cước cho khách đi suốt tuyến lên đến đầu bến Trà Đốc hoặc xuất phát từ đầu bến Trà Đốc để đi suốt tuyến đến Tam Kỳ thì có ích chi? Mấy khi có khách đi suốt tuyến để được giảm cước, giảm như vậy thì cũng như không!”. Trên tuyến xe buýt này, hành khách đi nhiều nhất là chặng chính từ thị trấn Trà My đến Tam Kỳ và ngược lại với giá cước 35 nghìn đồng/lượt; đoạn còn lại lên, xuống khu đầu bến Trà Đốc rất ít khách vì khu vực đầu bến dân cư thưa, rất hiếm khi có khách đi hết tuyến; xe buýt lưu thông lên, xuống chặn này đa phần xe chỉ chạy “gió”. Bởi vậy, việc giảm cước theo lý giải của tài xế trên chỉ mang tính hình thức, rất ít khi có hành khách được hưởng lợi.
Sau rất nhiều lần phản ánh, giá cước xe buýt tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ vẫn giữ nguyên mức cũ. Ngoài giá cước toàn tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại từ 32.000 đồng giảm còn 30.000 đồng từ cuối năm 2014, hành khách đi nửa chặng đều không được giảm. Một hành khách thường xuyên từ Vĩnh Điện - Tam Kỳ phản ánh: “Tôi đi xe buýt mỗi ngày hai lượt nhưng vẫn bị thu với mức giá 22.000 đồng/lượt. Khi thắc mắc thì được phụ xe trả lời như quát “giảm nữa có mà bán xe!”, khách từ Nam Phước cũng phải trả mức cũ là 18.000 đồng, trong khi đó giá một lít xăng hiện nay chưa đến 16.000 đồng”. Cũng theo nhiều ý kiến phản ánh của hành khách, khách đi nửa chặng tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ hoặc ngược lại phần lớn phải đứng nhiều hơn có ghế ngồi. Như vậy, việc quản lý giá cước xe buýt như hiện nay là thuộc cơ quan nào? Sở Tài chính quản lý giá, quy định, áp dụng giá, còn đơn vị nào giám sát hoạt động này của xe buýt?(A.T) |
Trong khi đó, theo ông Hồ Tấn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp (VT&KDTH) TP.Tam Kỳ, đơn vị chủ quản của tuyến xe buýt này, ngay sau khi có chỉ đạo giảm cước vận tải của cấp trên, đơn vị đã thực hiện việc giảm cước bắt đầu từ ngày 5.2. Mức giảm toàn tuyến là 5 nghìn đồng, các chặng còn lại trong tuyến đều có giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ vài ba nghìn đồng vì tuyến này đầu tư chi phí ban đầu quá lớn. Phương án giảm cước đã được đơn vị làm việc với cơ quan chức năng huyện Bắc Trà My và được các bên thống nhất. Ông Ba còn biện giải, do các chặng trong tuyến chỉ giảm nhẹ nên việc thu cước bị vướng phải thối tiền mệnh giá nhỏ, tiền lẻ, rất bất tiện nên khó tránh xảy ra trường hợp phụ xe thu cước hoặc hành khách trả cước như mức cũ (!?).
Để việc giảm cước thực hiện có hiệu quả, không xảy ra tiêu cực, nên chăng mức cước giảm cần được quy định rõ ràng cụ thể ở các chặng trên toàn tuyến, phải được niêm yết công khai cũng như cung cấp cả số điện thoại đường dây nóng để khách hàng biết rõ và phản ảnh khi cần thiết. Cho dù, giảm cước trên các chặng chỉ vài ba nghìn đồng, thậm chí 500 đồng cũng rất cần phải thực hiện công khai, minh bạch. Có như vậy, cho dù phải trả cước như mức cũ vì khi giảm cước, khách hàng, nhà xe sẽ gặp phải phiền toái liên quan đến tiền thừa, mệnh giá nhỏ… hành khách cũng sẽ thấy thoải mái, vui vẻ bởi họ được tôn trọng, không bị lừa dối. Đó cũng là cách hành xử có văn hóa, thể hiện trách nhiệm xã hội mà các đơn vị vận tải công ích Nhà nước cần phải tiên phong, gương mẫu thực hiện.
NGUYỄN VĂN