Giá dầu trên thị trường thế giới sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Ngày 14.7 vừa qua đã đi vào lịch sử thế giới khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức) đạt được thỏa thuận toàn diện, chấm dứt gần 13 năm tranh cãi có lúc “nảy lửa” về chương trình hạt nhân của Tehran. Mục tiêu thỏa thuận trên là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại, là bảo đảm không để Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran được bãi bỏ cấm vận quốc tế vốn bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia trung Á này hơn 10 năm qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, các điều khoản thỏa thuận rất rõ ràng nhưng việc nới lỏng lệnh trừng phạt sẽ được diễn ra theo trình tự. Như với lệnh cấm vận vũ khí tiếp tục được áp dụng trong thời gian 5 năm và lệnh cấm vận tên lửa là 8 năm.
Đại diện Ngoại giao châu Âu (trái) và Ngoại trưởng Iran trong cuộc họp báo sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử. Ảnh: vox |
Một trong những khía cạnh được nhiều người quan tâm sau thỏa thuận lịch sử đó là giá dầu sẽ diễn biến ra sao khi Iran hiện là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Thỏa thuận Iran và P5+1 đạt được đồng nghĩa với việc dòng chảy dầu mỏ vào thị trường thế giới, theo dự báo sẽ dồi dào hơn, khiến giá dầu có thể sụt giảm hoặc có thể xuống mức 40USD/thùng vào cuối năm nay hoặc năm 2016. Một khả năng nữa, giá dầu sẽ được giữ nguyên mức thấp hiện nay tức khoảng 53USD/thùng trong thời gian trung hạn và dài hạn. Lệnh trừng phạt từ năm 2012 làm giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran gần 50%, thu ngân sách từ dầu mỏ vào năm 2014 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua. Do đó, Iran sẽ cung cấp thêm dầu ra thị trường nhằm tăng ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Công ty khai thác dầu mỏ khổng lồ BP của Anh dự đoán, trữ lượng dầu của Iran hiện ở mức 158 tỷ thùng, có khả năng cung ứng cho quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới là Trung Quốc trong 40 năm. Còn theo số liệu của hãng tin Bloomberg (Mỹ), Iran hiện có 9 tàu chở dầu ngoài khơi với trữ lượng hàng chục triệu thùng dầu thô, chờ đợi tung ra thị trường sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ. |
Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế của Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran kiêm Thứ trưởng Dầu mỏ Mohsen Qamsari cho hay, một khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, Tehran sẽ trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế với sản lượng tối đa. Đồng thời châu Á được xem là thị trường ưu tiên cho mặt hàng dầu thô. Iran cùng 4 quốc gia khác xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới với lượng sản xuất dầu thô 2,8 triệu thùng mỗi ngày. Khi thỏa thuận đạt được, Bộ trưởng dầu mỏ Iran - Bijan Namdar Zanganeh tuyên bố trong vòng 6 tháng tới, Iran sẽ sản xuất thêm 500 - 800 nghìn thùng dầu mỗi ngày ra thị trường; kéo theo đó lượng dầu thô dư thừa sẽ tăng gấp đôi trong nửa cuối năm nay.
Thomas Pugh - chuyên gia kinh tế hàng hóa tại công ty tư vấn Capital Economics, thỏa thuận hạt nhân “mở đường” cho xuất khẩu dầu của Iran quay lại và bổ sung thêm vào nguồn cung dầu thế giới vốn đang dôi dư, có khả năng là nhân tố neo giá dầu ở mức thấp. Tờ Bloomberg của Mỹ nhận định, Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ khiến giá dầu giảm mạnh và làm lu mờ tất cả yếu tố khác hiện tác động đến thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, Iran sẽ trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài cùng với một thị trường tiêu thụ của 80 triệu dân ở Iran gia tăng mạnh, sau bãi bỏ cấm vận kinh tế.
NAM VIỆT