Giá dầu thế giới hiện tiếp tục phá đỉnh 3 năm trở lại đây và đang dần tiến sát ngưỡng 70USD/thùng.
Giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ảnh: Alamy |
Theo Reuters, sáng 10.1, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ đứng ở mức gần 64USD/thùng, đồng thời giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London (Anh) đạt mức 69,15USD/thùng, là mức cao nhất kể từ tháng 12.2014.
Chuyên gia phân tích William O’Loughlin thuộc Công ty Rivkin Securities ở Australia nhận định, giá dầu tăng kỷ lục trong vòng 3 năm qua do những quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đồng ý kéo dài thời gian thực thi thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày đến cuối năm 2018. Đây là nỗ lực nhằm vực dậy giá dầu sau đợt giảm sâu kéo dài từ năm 2014. Được biết, thỏa thuận này sẽ được xem xét lại vào giữa năm nay. OPEC và Nga hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu. Hơn nữa, xu hướng tăng trưởng rộng khắp trong nền kinh tế toàn cầu tất yếu kéo theo nhu cầu về năng lượng như dầu đang tăng lên. Như vậy kể từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 10 - 13%.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích Shane Chanel thuộc ASR Wealth Adisers có trụ sở tại Sydney (Australia) cho biết thêm, căng thẳng địa chính trị tại Iran, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới, khiến hoạt động khai thác dầu mỏ tại đây gián đoạn. Thêm số lượng giếng khoan dầu tại Mỹ giảm trong khi chính phủ nước này công bố số liệu cho thấy tồn kho dầu thô trong nước có tuần giảm thứ 8 liên tục và sản lượng giảm đáng kể. Tuy nhiên, tại khu vực châu Á, nơi tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, giá dầu hiện cao hơn các khu vực khác, vượt ngưỡng 70USD/thùng. Các nhà máy lọc dầu tại khu vực đang chịu sức ép từ giá dầu thô đầu vào cao và nguồn cung dồi dào các sản phẩm lọc hóa trên thị trường. Thực trạng này khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu giảm, dẫn tới việc họ có thể giảm hoạt động, giảm đặt hàng mua dầu thô.
Với tín hiệu mới này, nhiều nước lạc quan về doanh thu ngân sách từ dầu, kéo theo cơ hội việc làm mở ra và tiền lương sẽ được cải thiện hơn. Trong bối cảnh giá dầu lao dốc trước đó, chính phủ các nước đã cắt giảm trợ cấp và đưa ra một số loại thuế mới để tăng doanh thu phi dầu mỏ, giảm thâm hụt ngân sách ngày càng phình to, nhằm vực dậy nền kinh tế. Như Ả-rập Xê-út với 90% tổng thu ngân sách từ dầu mỏ, bị thâm hụt hơn 200 tỷ USD giai đoạn 2014 - 2016 nên chính phủ buộc phải áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm chi tiêu. Để bù đắp cho những thiếu hụt này, Ả-rập Xê-út không những rút hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại tệ quốc gia mà còn vay mượn từ thị trường quốc tế và trong nước.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường dầu lửa có thể đang ở trong tình trạng “quá nóng”. Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DASC) dự báo, giá dầu có thể tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn quý 1.2018, sau đó sẽ điều chỉnh giảm trong năm 2018 về thấp nhất khoảng 44 - 46USD/thùng, trước khi bước vào giai đoạn bùng nổ trong năm 2019 - 2020. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng.
NAM VIỆT