Giá dầu thế giới hiện tiến sát về ngưỡng 50USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.
Tính đến tháng 2.2016, giá dầu thế giới đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 13 năm qua khi đạt dưới ngưỡng 30USD/thùng. Nhưng trong các phiên giao dịch những ngày qua trên các thị trường lớn như New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh), giá dầu tăng lên gần 50USD so với mức hơn 40USD/thùng trước đó.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chủ yếu đẩy giá dầu lên cao là sản lượng dầu đá phiến của nhà sản xuất số một thế giới tại Mỹ giảm liên tục trong 8 tháng qua. Giá dầu rơi không phanh, chi phí khai thác ở mức cao, chính phủ Mỹ cắt giảm sản lượng khai thác và cho nghỉ việc hàng nghìn công nhân. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ thống kê, dự kiến tổng sản lượng dầu đá phiến giảm khoảng 113 nghìn thùng xuống còn 4,85 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, vụ cháy rừng nghiêm trọng vừa diễn ra tại Canada - khiến sản lượng dầu giảm đến 1,2 triệu thùng dầu/ngày; xung đột tại Lybia, sự cố ống dẫn dầu tại Nigeria, khủng hoảng chính trị tại Venezuela khiến sản lượng dầu giảm mạnh, giá dầu tăng. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.
Nhà máy lọc dầu của Na Uy. (Ảnh: gekocresearch) |
Tại hội nghị về năng lượng vừa mới diễn ra ở TP.Houston (Mỹ), Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế, ông Faith Birol cho rằng giá dầu có thể vẫn nằm ở mức thấp, hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới, nhưng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Dù thực tế cho thấy mức cung vẫn còn lớn so với nhu cầu, nhưng việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu có tác động đến giá dầu. Điển hình, cùng thời kỳ này trong 6 năm qua, mức sản xuất dầu ở vào khoảng 11 triệu thùng/ngày nhưng hiện nay chỉ còn 4 triệu thùng/ngày vì giá dầu hạ. Tuy nhiên, ông Faith Birol khẳng định, rất khó xảy ra tình huống giá dầu trở lại mức 100USD/thùng như vào giữa năm 2014. Việc giá dầu có tăng gấp đôi tới mức 80USD/thùng cũng chỉ là tạm thời vì thế giới hiện đầu tư rất lớn vào phát triển năng lượng tái tạo một cách rất hiệu quả, sản lượng năng lượng tái tạo tăng rất nhanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, quyền Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait, ông Anas al-Saleh dự báo giá dầu sẽ giữ mốc 50USD/thùng, ít nhất là cho tới hết quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Theo ông Anas al-Saleh, nhiều nhà sản xuất dầu mỏ tại Vùng Vịnh rơi vào khủng hoảng ngân khố quốc gia khi nguồn thu chủ yếu vốn phụ thuộc vào dầu mỏ giảm mạnh. Các chính sách trợ cấp năng lượng hay chi tiêu công bị cắt giảm. Tháng 4 vừa qua, Ả-rập Xê-út công bố kế hoạch kinh tế dài hạn nhằm tránh sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, bao gồm việc thành lập quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới và bán một số cổ phần trong Aramco - công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 10% thị phần sản lượng dầu toàn cầu. Đến tháng 5, Quốc vương Ả-rập Xê-út tiếp tục tiến hành một cuộc cải tổ nội các mạnh tay, thay thế nhiều vị trí chủ chốt. Như Bộ trưởng Y tế Khaled al-Falih thay thế ông Ali al-Naimi, người đã nắm vị trí Bộ trưởng điều hành chính sách dầu mỏ suốt 20 năm qua. Trước đó, các nước láng giềng trong Vùng Vịnh như Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã loan báo kế hoạch cải tổ của mình. Ông Anas al-Saleh cho biết chính phủ Kuwait dành 60 tỷ USD bao gồm cho các dự án khai thác hóa dầu, liên doanh, xây dựng nhà máy lọc dầu tại một số quốc gia như đang tiến hành đầu tư tại Oman.
QUỐC HƯNG